Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước của dân, do dân và vì dân…
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền biểu tình… là những quyền mà con người không thể bị tước đoạt được, được ghi nhận trong hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992 , điều 4 luật báo chí, điều 19 của công ước quốc tế…
Nghe hay thật đấy, nhưng tại sao… chỉ có mỗi cái việc đơn giản là chấp nhận những tiếng nói trái chiều mà cũng không làm được ?
Nói hay mà không làm được, không làm được thì cũng đừng nên nói. Lẽ nào chỉ biết… nói là việc của nói, làm là việc của làm, nói mồm hay ho, thực hành méo mó, hãy làm theo những gì ta làm, và đừng làm theo những gì ta nói hay sao ?
Bản lĩnh của dân ta thì ai cũng biết cả rồi, cũng đã được lịch sử chứng minh hết cả rồi ! Chứ làm gì có cái chuyện, lịch sử… cũng biết nói phét !
Nhưng tại sao, khi bày tỏ suy nghĩ của mình về tình hình đất nước hiện nay với 100 người, thì phải có đến 90 người đồng ý với quan điểm của bản thân người viết nhưng họ đều khuyên…
– Thôi, nên ngậm miệng lại đi, nguy hiểm lắm !
Được cả cái thế giới này cho chúng ta cái quyền được nói, đó là quyền con người, chứ có phải con chó đâu nhỉ ? Nói thật thì bị bắt, nói dối được ngợi ca, cái xã hội chủ nghĩa của chúng ta, làm gì có cái chuyện đấy nhỉ ? Bla! Bla !
Chả hiểu sao, cái ngày còn nhỏ, tôi từng mơ ước trở thành đảng viên, làm trong tòa án gì gì đấy… Rồi lớn lên, có cơ hội được kết nạp đảng, tôi xin được từ bỏ, mai này có cơ hội được xin vào làm tòa án, tôi cũng sẽ xin được từ bỏ… Bố tôi sinh năm 1947, nghe nhiều người kể lại, khi đất nước thống nhất được 1 thời gian mà không thấy ông trở về, địa phương vội làm giấy tờ phong ông lên làm liệt sỹ, ông may mắn thoát chết mà trở về. Sống rồi ! Cứ tưởng đời nó cho mình được tự do, ai ngờ…
Được biết, thế kỷ XXI là thế kỷ xuất hiện nhiều căn bệnh, nhưng rất có thể căn bệnh vô cảm mới chính là căn bệnh nguy hiểm nhất của thế kỷ XXI.
Mà biểu hiện của nó chính là sự kỳ thị trong cộng đồng. Chẳng hạn như việc quy chụp người dân Thanh Hóa, Nghệ An… là thế này, thế nọ, thế kia, người thiểu số lạc hậu, mê muội, người đồng tính, rồi… người nhà quê (mà có lần, tôi đã mạnh dạn chỉ thẳng vào mặt của 1 bà bán hàng ở chợ Đồng Xuân và nói : Này bà, về nhà thắp hương lên bàn thờ hỏi xem tổ tiên nhà bà có phải sinh ra từ nhà quê không nhé, rồi hãy chửi người khác là nhà quê ạ !)
Hay chẳng hạn như cái việc chúng ta gọi những người thích đấu tranh kia là phản động. Phản động ? Vậy rất nhiều người trong số họ đang yên ổn học hành, làm ăn, có địa vị đàng hoàng, cũng tiến sĩ, luật sư, nhà báo am hiểu pháp luật, cũng chẳng phải nhận tiền, nhận của của bố con thằng nào mà chống đối, mà với nhận thức của họ, tôi nghĩ rằng, họ có bị thần kinh đâu mà tự đâm đầu vào chỗ chết nhỉ? nếu họ chỉ nghĩ cho riêng bản thân mình.
Họ có động chạm gì đến kinh tế gia đình nhà chúng ta không ạ ? hay họ lại là người dám lao vào những chỗ nhạy cảm nhất của xã hội mà chính chúng ta cũng không dám đối mặt, họ vùng dậy, mà vồ lấy, giật lấy cái quyền sống cho lũ con sâu cái kiến chúng ta… Vì sống thật, nói thật với lòng mình ư ? Để rồi họ bị bắt giam, bị đánh đập, tù đày, gia đình thì bị đe dọa… Phản động ? Họ đang tuyệt thực trong tù kia kìa, tuyệt thực trước 1 lũ người vô cảm trong xã hội đấy ạ !
Với bản thân tôi, miễn là họ không vác bom vào mà khủng bố quê hương, tàn phá đất nước, cố tình “làm khổ nhân dân, làm hại đất nước” này là tốt rồi !
Muốn xã hội công bằng hơn, thì phải có báo lề trái, lề phải, phải có những luồng thông tin đa chiều, cũng tùy vào cái cách tiếp cận của mỗi người như thế nào thôi ạ! Như ông Amartya Sen (đạt giải Nobel Kinh tế) đã phải thừa nhận rằng, thông tin mang tính quyết định sống còn đối với các nước phát triển… Báo chí tự do và lực lượng chính trị đối lập chính là hai yếu tố đã tạo nên hệ thống cảnh báo sớm, và tốt nhất mà mỗi nước đang bị đe dọa mà lẽ ra… cần phải có.
Nói chung, ở đâu thì cũng vậy cả thôi, tốt có xấu có, trong bộ máy lãnh đạo của đất nước này cũng vậy cả thôi, cũng có những người cấp tiến, nhưng rõ ràng, cái sự vận hành thì lại có quá nhiều kẽ hở, thiếu cơ sở để đảm bảo tính công bằng cho xã hội… bạn thử hình dung xem, ngay trong cái việc buộc tội những ngài tham quan nhưng lại đứng đầu của cả cái đất nước này đã nằm ngoài khả năng “thi hành án” của chúng ta rồi.
Tôi thích câu nói của ngài Đặng Tiểu Bình : “Không cần biết mèo vàng hay mèo đen, chỉ cần biết bắt được chuột”. Sai thì sửa… nhưng có ai sửa cho ? Hay chỉ có 1 số ít “dám hành động” nhúng tay vào, góp phần khắc phục cái tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, tăm tối cho cả 1 xã hội kém phát triển từ ngàn xưa.
Nếu chúng ta thấy đúng, mà không dám lên tiếng ủng hộ họ, thì cái xã hội này cũng chả khác gì 1 cái xã hội chết, công dân của cái đất nước này cũng chả khác nào những công dân chết.
Thôi, nói dài nói dai, thành ra nói dại, xin kết thúc mấy dòng tâm sự mang tính chất cá nhân này, mà nhiều người sẽ cho là cực đoan đấy, bằng 1 câu chuyện nhỏ thôi :
Chả là 1 giờ chiều, gần 40 độ, học thể dục ở ký túc xá Mễ Trì, không chịu được nắng nóng, tôi tự ý bỏ học, rồi lọ mọ tìm đường mà về, đến đoạn đường Hà Đông, nhìn từ xa xa thì thấy 1 bác húc đầu xe vào ngay giữa giải phân cách, nằm lăn ra, xung quanh có rất nhiều xe chạy, 1 số người chạy chậm lại, rồi họ lại tăng ga lên ! Đoàn người tấp nập, cứ đi. Tôi có chạy lại, may quá, thêm 1 bác nữa, 2 bác cháu tìm cách sơ cứu cho ông bác tội nghiệp, khốn khổ, khốn nạn kia !
Và đoàn người tấp nập, cứ đi….
Tôi lẩm bẩm :
– Mẹ cha mày – cái thằng vô cảm !
Chấm hết
Leave a Comment