Giá gạo Việt Nam bị o ép, càng được mùa càng lỗ nặng
Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA) vừa lên tiếng tố cáo các doanh nghiệp Trung Cộng đã o ép họ cả về giá lẫn về lượng. Theo chủ tịch VFA, từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất cảng của Việt Nam sụt giảm đáng kể. Theo sau đó là giá gạo xuất cảng của Việt Nam đã giảm 9%, so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Cộng – nơi tiêu thụ khoảng 1/3 lượng gạo xuất cảng của Việt Nam đã đơn phương hủy 64% hợp đồng xuất cảng gạo. Ðây là lần đầu tiên VFA lên tiếng tố cáo các đối tác Trung Cộng. Chuyện tố cáo xảy ra khi VFA đang bị công chúng Việt Nam chỉ trích kịch liệt, nông dân oán thán.
Tháng trước và tháng này, tại đồng bằng sông Cửu Long, dù lúa chín rục nhưng nông dân không buồn thu hoạch bởi chẳng ai mua. Tuy chi phí cho một ký lúa ở đồng bằng sông Cửu Long dao động trong khoảng từ 4,100 đồng – 4,500 đồng/ký, song hiện nay, giá bán lúa chỉ còn từ 3,150 đồng – 3,500 đồng/ký. Trung bình, mỗi ký lúa, nông dân lỗ khoảng 1,000 đồng. Nghịch lý nhiều năm vẫn tồn tại: Càng được mùa, lỗ càng nặng. Thậm chí, ngay cả chấp nhận lỗ nặng, nông dân nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn không bán được lúa ! Thành ra nông dân vốn đã nghèo lại càng thêm bần cùng.
Trước sự oán giận của nông dân, ông Hoàng Trung Hải, phó thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu các bộ, ngành thực hiện việc mua tạm trữ một triệu tấn gạo (tương đương hai triệu tấn lúa) để cứu nông dân. Ðiều này đồng nghĩa với việc chính quyền Việt Nam phải chi thêm từ 300 tỉ đến 400 tỉ đồng cho chuyện tạm trữ gạo. Nghe tin này, nhiều chuyên gia về kinh tế và nông nghiệp công khai bày tỏ sự bất bình đối với việc cứu nông dân bằng cách, giao tiền cho VFA mua gạo tạm trữ.
Theo họ, cứu kiểu đó thì nông dân không phải là đối tượng thụ hưởng những lợi ích được tạo ra từ gói tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng. Tiến Sĩ Võ Hùng Dũng, một chuyên gia về thị trường lúa gạo, cho rằng, chính các chương trình tạm trữ nhằm hỗ trợ nông dân đã góp phần làm gạo xuất cảng của Việt Nam mất giá, vì thời điểm mua lúa gạo ngược với quy luật thị trường (giá gạo trên thị trường quốc tế đang giảm dần) và khách hàng nước ngoài nắm rất rõ lượng gạo tồn kho của Việt Nam ra sao để ép giá.
Nông dân Tây Nguyên khốn đốn vì người Trung Quốc lừa mua rễ tiêu
Trong những năm gần đây, trồng hồ tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của người nông dân Tây Nguyên, đặc biệt, hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc, sản phẩm tiêu sọ và tiêu đen chiếm lĩnh hầu hết thị trường. Chưa kịp vui vì nguồn thu nhập sung mãn từ hồ tiêu, người nông dân Đắc Lắc, Gia Lai đang phải đối diện với nguy cơ nợ nần bởi người Trung Quốc đã bắt đầu dùng thủ đoạn mua rễ hồ tiêu để làm thuốc với giá hời, có rất nhiều chủ vườn phải điêu đứng vì chuyện này.
Dây hồ tiêu có hình dáng và kiểu sống cũng giống như dây trầu, trồng bằng nhánh và sống bám vào một trụ vôi hoặc thân cây để ra trái, rễ phân bố trên khắp thân trụ và dưới lòng đất, chính vì dây hồ tiêu sinh rễ rất nhanh và rậm nên mùa mưa, việc lấy đi một ít rễ của nó là việc cần thiết để kích thích tiêu ra nhiều hoa trái. Đánh vào tâm lý này, ban đầu, thương lái Trung Quốc nhờ những cò Việt Nam đến từng nhà gạ mua những bao rễ bỏ đi trong quá trình làm cỏ với giá rất cao, từ một trăm ngàn đồng đến ba trăm ngàn đồng trên mỗi ký. Mà trung bình, mỗi gốc tiêu, khi làm cỏ, người ta phải cắt tỉa bớt ít nhất cũng vài ba lạng rễ nhằm kích thích cây ra nhiều trái, một vườn tiêu cả mấy chục ngàn gốc tiêu, nếu thu gom hết rễ bỏ đi, số tiền thu được là khá lớn.
Các chủ vườn tiêu đua nhau thu gom rễ để bán. Nhưng không dừng ở đó, ngay trong thời điểm tiêu chuẩn bị ra hoa, các thương lái Trung Quốc quay trở lại, tìm mua rễ tiêu với giá ba trăm ngàn đồng trên một ký lô, lúc này, chỉ còn một cách duy nhất là tìm cách cắt tỉa bớt rễ tiêu để bán. Nhiều chủ vườn đã thuê nhân công về cắt tỉa rễ tiêu, chất thành cả vài ba chục bao trước sân. Chờ người Trung Quốc đến.
Nghiệt nỗi, gần ba tháng sau, thương lái Trung Quốc vẫn không quay trở lại, cả hàng núi rễ hồ tiêu vất vưởng khắp các bờ rào, chờ mãi, không thấy họ đến nữa, bà con nông dân lại mang ra ủ làm phân để bón cho vụ tiêu sắp tới. Trong khi đó, hàng loạt các vườn tiêu bị mất mùa do suy nhược, nhiều vườn bị chết từng lớp vì kẻ trộm đào cẩu thả.
Sự kiện này khiến dư luận đặc nghi vấn, hồ tiêu bị chết ở Tây Nguyên là do sự quản lý quá lỏng lẻo của chính quyền địa phương, trong khi một người Việt Nam trước đây muốn đi đâu hoặc ở đâu trong nước cũng đều phải đăng ký tạm vắng, tạm trú, có bà con đến nhà thăm, ở lại chơi vài hôm mà không đến trình báo công an thì bằng gì đêm đó cũng có an ninh đến nhà xét hỏi, thậm chí bắt người bà con về đồn, nói chung là đủ kiểu… Trong khi đó, người Trung Quốc nghênh ngang đi ngoài đường, lùng sục từng nhà mua trễ hồ tiêu, thậm chí còn bắt mối với cò Việt Nam để vào tận các buôn sâu tìm mua, làm hại bà con nông dân, mà chẳng có an ninh nào hỏi han, mặc cho họ tung hoành như chốn không người. Người dân nghi ngại những thương lái Trung Quốc đã đút lót cho chính quyền địa phương để bôi trơn công việc.
Với phần lớn người dân Tây Nguyên bây giờ, hai chữ Trung Quốc làm họ liên tưởng đến sự lừa phỉnh và chơi ác, họ thấy ớn sợ. Nhưng chính quyền địa phương thì không có thái độ gì trước việc làm mưa làm gió của người Trung Quốc trên đất Tây Nguyên. Mùa khô sắp đến, những gốc hồ tiêu sẽ trơ trọi vì thiếu rễ, thiếu nước, nông dân đang đối diện với nguy cơ mất mùa kỉ lục!
Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng
Ngày 10/06/2013, lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng CSVN và hơn bốn chục lãnh đạo cao cấp khác. Nhà cầm quyền Việt Nam giải thích rằng việc lấy tín nhiệm nhằm chứng tỏ vai trò kiểm soát của lập pháp đối với hành pháp. Thế nhưng, một số nhà quan sát cho rằng, Quốc hội Việt Nam cho đến nay chỉ đóng vai trò như một định chế ghi nhận, hợp thức hóa các quyết định của đảng Cộng sản cầm quyền. Do vậy, về thực chất, người ta có thể đoán trước được các kết quả.
Xin nhắc lại, vào cuối tháng 11/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết 35. Theo đó, hàng năm, các đại biểu sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm giới lãnh đạo cao cấp, trong đó có chủ tịch nước, thủ tướng, với hy vọng cải thiện hình ảnh bộ mặt chính quyền trong một quốc gia đang phải hứng chịu nạn tham nhũng tràn lan và khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, gGiáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên là đại biểu Quốc hội, nhận định là «không thể tổ chức nghiêm túc cuộc bỏ phiếu này » bởi vì các đại biểu Quốc hội không có đầy đủ thông tin đáng tin cậy về hoạt động của các vị lãnh đạo.
Theo báo chí của Nhà nước, những người có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp, dưới 50% trong hai năm liên tục, sẽ phải từ nhiệm. Nhưng theo giáo sư Thuyết, thủ tục này quá « phức tạp », quá chậm chạp và không làm thay đổi trật tự lãnh đạo hiện nay. Thậm chí, vị giáo sư này còn dự báo, tất cả mọi người sẽ được tín nhiệm.
Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần này, nhân vật thu hút sự chú ý nhất của công luận là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đặc biệt lần này giới báo chí được phép tham dự và theo dõi, đưa tin về cuộc bỏ phiếu.
Leave a Comment