Chính quyền Tập Cận Bình trấn áp phong trào đòi phục hồi danh dự cho các nạn nhân của biến cố Thiên An Môn

- Quảng Cáo -

Nguyễn Khanh và Nam Phương xin kính chào quý thính giả của đài Chân Trời Mới, để mở đầu cho tiết mục Một Vòng Á châu tuần này là đề tài nói đến việc ông Tập Cận Bình ra tay trấn áp phong trào đòi phục hồi danh dự cho các nạn nhân trong biến cố Thiên An Môn còn hơn các vị tiền nhiệm của ông ta Kính mời quý thính giả theo dõi qua sự tóm lược của Nguyễn Khanh và Nam Phương.

 

 

ThienAnMonNgày 4 tháng 6 vừa qua là đúng 24 năm ngày tưởng niệm biến cố đẩm máu Thiên An Môn, trước đó một tháng chính quyền Cộng sản Trung quốc đã ra lịnh cấm không cho bất kỳ ai tổ chức lễ tưởng niệm biến cố Thiên An Môn, kể cả gia đình các nạn nhân. Từ ngày 30/05/2013, lực lượng an ninh thủ đô Bắc Kinh đã bắt đầu phong tỏa khu vực Thiên An Môn, ngoài ra còn bắt những nhà hoạt động dân chủ nằm trong danh sách sổ đen của công an phải rời khỏi Bắc Kinh trong vòng 1 tuần cho đến 10 ngày. Vì quá bất mãn trước các hành động đó, bà Đinh Tử Lâm trong hội Những Bà Mẹ Thiên An Môn đã tung lên mạng Internet một bức thư ngõ bày tỏ sự quá thất vọng đối với thể chế Tập Cận Bình. Được biết ngay sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, hội Các bà Mẹ Thiên An Môn đã gởi ngay một thỉnh nguyện thư yêu cầu phục hồi danh dự cho các nạn nhân của biến cố này, khi gởi đi ai cũng tin tưởng rằng ông Tập Cận Bình sẽ quan tâm cứu xét vì hai lý do. Thứ nhất, bố của ông Bình là ông Tập Trọng Huân (cựu Phó Thủ tướng) là một trong những người phản đối sử dụng vũ lực đàn áp người biểu tình ở Thiên An Môn vào lúc đó và thứ hai là ông Tập Cận Bình cũng như các tân lãnh đạo không có trách nhiệm gì đối với biến cố này. Thế nhưng thay vì đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân, ông Tập Cận Bình cùng thể chế của ông ta lại ra lịnh trấn áp những gia đình nạn nhân còn mạnh hơn các vị tiền nhiệm của ông ta. Tăng cường công an canh giữ trước cửa nhà gia đình các nạn nhân, đặt hệ thống nghe lén điện thoại, cấm không cho hội Các Bà Mẹ Thiên An Môn hội họp. Dưới thời ông Hồ Cẩm Đào mặc dù cũng ra lịnh cấm không cho người dân tổ chức tưởng niệm về biến cố Thiên An Môn, nhưng còn làm ngơ cho các gia đình nạn nhân mướn một hội trường nào đó để tổ chức, nay thì ông Bình cấm tất cả.

- Quảng Cáo -

Ngày 3 tháng 6 vừa qua, trong một cuộc họp báo tại bộ Ngoại giao Trung quốc, khi các ký giả nước ngoài đặt câu hỏi, tại sao lại cấm mọi người, đặc biệt là gia đình các nạn nhân tổ chức lễ tưởng niệm biến cố Thiên An Môn, thì phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ này trả lời rằng chính phủ Trung quốc đã có kết luận về vụ Thiên An Môn rồi (nếu quý vị chưa rõ thì hãy tìm tài liệu mà đọc) nên thể chế ông Tập Cận Bình không có bất kỳ một ý định gì về chuyện xét lại kết luận đó. Ông Hồng Lỗi còn nói thêm là sự việc Thiên An Môn xảy ra đã hai mươi mấy năm rồi, hiện nay tình hình kinh tế và xã hội của Trung quốc đang phát triển mạnh, người dân Trung quốc đã có tự do và quyền lợi nhiều hơn trước là nhờ vào lãnh đạo lúc đó quyết định sử dụng vũ lực giải tán những người biểu tình, gây xáo trộn trật tự công cộng ở Thiên An Môn.

Hội những Bà Mẹ Thiên An Môn cùng với những nhà đấu tranh dân chủ ở Hoa lục khi nghe ông Hồng Lổi nói như thế đều cho rằng thể chế ông Tập Cận Bình muốn lui lại thời ông Mao Trạch Đông, nhưng người dân Trung quốc chúng tôi quyết không để cho chế độ Cộng sản áp dụng chế độ ngu dân để dễ dàng kéo dài thời gian cai trị, chúng tôi quyết đấu tranh đến cùng để đem lại tự do, dân chủ cho đất nước, có thế những nạn nhân của biến cố đẩm máu Thiên An Môn mới thật sự an giấc ngàn thu.

Các nhà hoạt động xã hội Trung quốc cho rằng trước đây vì bị áp bức quá độ nên nhiều người mong ước thế hệ lãnh đạo trẻ sau này sẽ bớt cực đoan hơn. Ông Tập Cận Bình là lớp trẻ, có người cha ruột thuộc phái cấp tiến, thế nhưng ông ta vẫn cực đoan. Điều này cho thấy sự mong ước đó là sai lầm, kẻ lãnh đạo một đảng độc tài thì chỉ nghĩ đến quyền lực và quyền lợi cho bản thân và phe nhóm của mình mà thôi, chứ cha ông đâu là gì đối với họ.

Cũng giống như ông Tập Cận Bình, đương kim Ngoại giao Phạm Bình Minh của Việt Nam ngày nay cũng vậy miệng câm như hến, dâu dám lên tiếng chỉ trích Trung quốc xâm lược Việt Nam như bố của ông ta là Nguyễn Cơ Thạch. Thế mới biết sự phân biệt phải trái của những kẻ cầm quyền dưới chế độ Cộng sản đâu bằng quyền và tiền.

 

 

Việt Nam lúng túng xử lý việc mất điện cao thế vậy mà vẫn muốn xây nhà máy điện hạt nhân thì khi xảy ra tai nạn làm sao đối phó được, đây là đề tài kết thúc tiết mục Một Vòng Á Châu tuần này, kính mời quý thính giả lắng nghe qua sự trình bày của Nguyễn Khanh và Nam Phương.

 

 

 

Có thể nói Việt Nam là một nước thiếu điện triền miên, gần như mãn tính. Việc tăng công suất điện để giải quyết vấn đề này là ai cũng muốn, nhưng tăng bằng cách nào thì cần phải tính toán kỹ càng chứ không thể thấy các nước văn minh có điện hạt nhân thì ta cũng làm như họ, tăng bằng cách đó lợi bất cập hại. Theo con số mà cơ quan Nguyên tử lực Thế giới (WNA) ghi nhận thì trong năm 2010 tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cung cấp tổng cộng 97,25 tỷ kWh cho cả nước sử dụng. trong số này có 85,14 tỷ kWh là điện sản xuất và số còn lại là đi mua. Về điện sản xuất của EVN thì do hai nguồn chính, đó là thủy điện chiếm 38% và nhiệt điện (gas 33,6%, than đá 18,5%). Theo WNA thì để gia tăng công suất điện, Việt Nam muốn thiết lập các nhà máy điện hạt nhân để làm sao đến năm 2030 nguồn điện này chiếm 8% tổng công suất và đến năm 2050 tăng lên thành 20 hoặc 25% khi đã có 14 lò phát điện nguyên tử.

Cũng giống như việc để cho Trung quốc vào khai thác bô-xít ở Tây nguyên, nhiều trí thức, nhiều chuyên gia nguyên tử Việt Nam đã vạch ra những tai hại không lường được của một tai nạn nổ hay rò rỉ phóng xạ từ lò nguyên tử để lên tiếng yêu cầu chính quyền CSVN không nên xây nhà máy điện hạt nhân vào thời điểm này khi mà Việt Nam chưa có đủ chuyên gia, kỹ thuật gia và công nhân viên về nguyên tử, đó là chưa kể đến nhiều bất cập quan trọng khác như chính sách quản lý minh bạch, thiếu trách nhiệm trong công việc, tham nhũng, hối lộ, vét ruột công trình…

Bản kiến nghị của 453 người thuộc thành phần trí thức, chuyên gia Việt Nam do Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện gởi đến Thủ tướng Noda vào tháng 6 năm 2012 để yêu cầu Nhật Bản ngưng ngay việc bán kỹ thuật và xây dựng hai lò phát điện hạt nhân ở Ninh Thuận là một trường hợp điển hình. Bản Kiến nghị này đã được các tổ chức phản đối điện hạt nhân trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Nhật tích cực ủng hộ. Bản kiến nghị này có đoạn viết rằng: Mặc dù kỹ thuật điện hạt nhân của Nhật vượt trội hơn đối với một số quốc gia, tiêu chuẩn quản lý, an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân rất nghiêm khắc, khó có kẻ hở nào cho thấy có thể để xảy ra tai nạn, nhưng rút cuộc rồi cũng xảy ra vụ nổ nhà máy phát điện hạt nhân Fukushima Dai ichi…Chúng tôi yêu cầu chính phủ Nhật không cho các xí nghiệp Nhật xuất cảng kỹ thuật điện hạt nhân đến các nước, không viện trợ tài chánh để xây nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam (ghi chú: Vì người viết không có bổn gốc của bản Kiến nghị này, phải dịch từ tiếng Nhật sang, dịch qua, dịch lại nên có thể có một vài từ ngữ không sát. Ngoài ra tai nạn nhà máy điện Fukushima không phải chỉ do thiên tai gây ra mà còn do sự sai sót của con người).

Các tổ chức, hội đoàn Nhật phản đối điện hạt nhân, cụ thể là tổ chức FoE Japan (Friends of Earth Japan) đã gởi thư cho Thủ tướng Noda Nhật và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải hồi đáp về bản Kiến nghị rất chính đáng đó của các nhân sĩ Việt Nam. Đài Tự Do Á Châu đã đặt một câu hỏi với FoE Japan là tại sao quý vị lại đặc biệt quan tâm đến bản Kiến nghị của các nhân sĩ Việt Nam phản đối việc Nhật xây nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận?. Bà Yoshida Akiko, chuyên gia về năng lượng nguyên tử của tổ chức này trả lời như sau: Người dân Nhật chúng tôi đã phải điêu đứng như thế nào về tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima quý vị có biết không, khi mà tai nạn điện hạt nhân đã xảy ra rồi thì khó mà chế ngự nó được. Nếu như Việt Nam cũng xảy ra tai nạn nhà máy điện hạt nhân do chính Nhật Bản xây dựng thì chắc chắn người Việt Nam phải điêu đứng có thể còn hơn người Nhật chúng tôi, nên phải đặc biệt quan tâm chứ.

Mặc dù có sự phản đối, nhưng vào ngày 06/12/2011, Quốc hội Nhật đã bỏ phiếu thông qua hiệp định hợp tác nguyên tử lực với Việt Nam và Yordan do chính phủ Nhật đệ trình. Cuộc bỏ phiếu này đã có nhiều dân biểu chống đối, trong đó có hơn 10 dân biểu thuộc đảng cầm quyền. Lý do chống đối là vì nếu xảy ra tai nạn thì không có phương cách giải quyết. Không thể làm chuyện gắp lửa bỏ tay người khác.

Về phía Việt Nam thì chính quyền ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục vận động Nhật và một số quốc gia khác giúp xây nhà máy điện hạt nhân. Ngày 28/02/2013, ông Dũng đã ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020. Nội dung của Quyết định này nói rõ đây là chủ trương của Đảng, chiến lược, cơ chế, chính sách của nhà nước. Tuyên truyền theo lối một chiều cho người dân biết về đặc điểm, tính chất và lợi ích kinh tế xã hội của điện hạt nhân, sự cần thiết phát triển điện hạt nhân và xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Không nói đến cách đối phó như thế nào khi tai nạn xảy ra.

Mới đây, ngày 17/05/2013, tại bộ Công thương ở Hà Nội, Thứ trưởng bộ này là ông Lê Dương Quang đã hội đàm về vấn đề hiệp tác trong lãnh vực điện hạt nhân với đoàn thương mại Hoa Kỳ do ông Francisco J. Sáchez (Thứ trưởng chuyên trách thương mại quốc tế tại bộ Thương mại Hoa Kỳ) làm trưởng đoàn. Ông Quang cho biết hiện nay Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như văn bản liên quan và đào tạo nhân lực chuẩn bị cho việc vận hành các nhà máy sau này. Trong việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, ông Quang mong muốn nhận được sự hợp tác từ các đơn vị, doanh nghiệp của Hoa Kỳ trong khâu tư vấn, thiết kế, thẩm định công nghệ…  Ông Sánchez cũng bày tỏ sự mong muốn hợp tác với Việt Nam để phát triển điện hạt nhân nói riêng, năng lượng nói chung.

Sự cố mất điện do xe cẩu chở cây đụng vào đường dây điện cao thế 500kV tuyến Di Linh-Tân Định đã làm cho 22 tỉnh thành miền Nam mất điện đã khiến cho Tổng công ty Điện lực miền Nam nhức đầu vì chưa xác định ngay được đường dây điện cao thế đã bị đứt ở khu vực nào rồi cho biết tạm thời hệ thống điện bị rả lưới hoàn toàn. Một sự cố đơn giản như thế mà còn phải lúng túng đối phó thì nếu như tai nạn nhà máy điện hạt nhân xảy ra thì giải quyết cách nào đây, hay là dân chết mặc dân, lãnh đạo và gia đình của họ đâu có ở gần nhà máy phát điện đâu mà sợ, rồi nếu có chuyện gì thì còn chạy ra nước ngoài được mà.

Đến đây đã chấm dứt tiết mục Một Vòng Á châu, Nguyễn Khanh và Nam Phương xin kính chào tạm biệt và kính mời quý thính giả nhớ đón nghe chương trình này vào tuần sau cũng vào giờ này trên làn sóng trung bình 1503 ki lô chu kỳ của đài Chân Trời Mới.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here