Thương gia ngoại quốc đòi Việt Nam ‘đổi mới’ lần nữa

- Quảng Cáo -

Thương gia ngoại quốc đòi Việt Nam ‘đổi mới’ lần nữa

Tại hội nghị mang tên “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam” do Ngân Hàng Thế Giới và Bộ Kế Hoạch Ðầu Tư phối hợp tổ chức hôm 3/06 vừa qua, phần lớn đại diện các hiệp hội, tổ chức kinh tế ngoại quốc đều gay gắt đòi Việt Nam cần phải “đổi mới lần thứ hai.” Một loạt diễn giả “đăng đàn,” gồm chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Hoa Kỳ (AMCHAM); Nam Hàn (KORCHAM); Liên Âu (EUROCHAM); Nhật Bản tại Việt Nam… đã “nổ những phát súng” chỉ trích mạnh mẽ chính sách hiện hành của nhà nước CSVN, và đều chê Việt Nam “chậm chân,” trì trệ; và thẳng thắn yêu cầu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nên “hành động thay vì nghe và hứa suông.”
Báo Tuổi Trẻ trích dẫn tuyên bố của ông Mark Gillin, chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng Việt Nam chậm thi hành các biện pháp cải cách hoạt động của các công ty sở hữu nhà nước; chậm ngăn chận tham nhũng và điều hành nền kinh tế quá kém. Theo ông, cán bộ lãnh đạo nhà nước Việt Nam thường đổ thừa “đặc thù” của đất nước mình để “khỏi phải làm gì cả” cho các mục tiêu kể trên.

Còn theo ông Preben Hjortlund, chủ tịch Phòng Thương Mại Liên Âu, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam, tính đến Tháng Ba, 2013, chỉ đạt 48 điểm, dưới cả mức trung bình. Ông than phiền chính sách “sưu cao thuế nặng,” sự phạt vạ và kiểm soát vô tội vạ của nhà nước Việt Nam gây khó cho các nhà đầu tư không ít.
Ông Preben Hjortlund chỉ trích một số chính sách quái gở của nhà nước Việt Nam, chẳng hạn như việc hạn chế tiền quảng cáo của các doanh nghiệp dưới 10% chi phí hoạt động của họ hiện nay.

Riêng ông Motonobu Sato, chủ tịch Phòng Thương Mại Nhật Bản tại Việt Nam, thì cảnh cáo rằng mức độ đầu tư của nước này tại Thái Lan trong năm 2012 nhiều gấp ba lần mức đầu tư ở Việt Nam. Ðiều này, theo ông Sato, nền luật pháp lộn xộn, mâu thuẫn giữa trung ương và địa phương; giữa địa phương này với địa phương khác khiến Việt Nam mất dần tính chất hấp dẫn. Ông Sato còn quả quyết rằng dòng vốn đầu tư trên thế giới sẽ đổ dồn vào các quốc gia khác, thay vì vào Việt Nam.
Cũng trong dịp này, chủ tịch Phòng Thương Mại Nam Hàn nêu một thí dụ cho thấy, nhà nước Việt Nam chậm phê duyệt các dự án của doanh nghiệp nước ông. Một công ty Nam Hàn nhận được giấy chứng nhận đầu tư hồi năm 2007 để xây dựng một khu kỹ nghệ lớn. Thế nhưng, nhưng suốt 6 năm qua, dự án của công ty này vẫn chưa được thẩm định xong.

- Quảng Cáo -

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, Phó Thủ Tướng Vũ Văn Ninh chủ tọa cuộc hội nghị nói trên, cuối cùng cũng đăng đàn để… hứa hẹn, mặc dù trước đó đã được yêu cầu “nên làm chứ đừng hứa hẹn nữa.”

Ông này lại hứa sẽ “tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách chính sách thuế; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…” Lời tuyên bố của năm 2013 giống y hai mươi năm trước đây.

 

 

Ủy Hội Luật Gia Quốc Tế bênh vực cho các luật sư ở Việt Nam

Ngày 30/5/2013 – Ủy hội Luật gia quốc tế đã trình bày với Hội Đồng Nhân Quyền và Báo Cáo Viên Đặc Biệt về sự độc lập của thẩm phán và luật sư, liên quan đến việc cần thiết phải bảo vệ các luật sư ở Việt Nam.

Trong cuộc đối thoại với Báo Cáo Viên Đặc Biệt về sự độc lập của thẩm phán và luật sư, Gabriela Knaul, Ủy hội Luật gia quốc tế nhấn mạnh đến việc giúp đỡ pháp lý là không hiệu quả nếu thiếu đi sự bảo vệ thích hợp đối với nghề nghiệp thuộc ngành luật.

Theo điều khoản 16-18 của Bộ Luật Cơ Bản Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về Vai Trò của Luật Sư, Ủy hội Luật gia quốc tế nêu ra sự quan tâm đến các trở ngại mà các luật sư nhân quyền phải đối mặt ở Việt Nam, đặc biệt những người đã bị khai trừ khỏi luật sư đoàn và không được phép hành nghề trong việc đại diện cho các nạn nhân bị phân biệt đối xử và bị cưỡng đoạt đất đai.

Ủy hội Luật gia quốc thúc giục nhà cầm quyền Việt Nam gia hạn mời Bà thực hiện chuyến công du đến VN, hợp tác và cho phép Bà điều tra những vấn nạn này và những trở ngại khác trong việc hoạt động hiệu quả nghiệp vụ pháp lý ở Việt Nam.

Báo cáo đã được đưa ra theo khoản 3 (phát huy và bảo vệ quyền con người) trong chương trình nghị sự của Phiên họp thường kỳ lần thứ 23 Hội đồng Nhân quyền diễn ra từ ngày 27 tháng 5 đến ngày 14 tháng 6 năm 2013.

 

 

Linh mục, Tu sĩ Thái Hà đi kêu oan

Hôm thứ ba vừa qua, một nhóm linh mục và tu sĩ tu viện Thái Hà thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã đến trụ sở của Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam để gửi đơn kêu oan. Trước đó vào tháng 5, một nhóm linh mục và tu sĩ, đại diện tu viện Thái Hà cũng đã đến trụ sở Ban Tôn Giáo nhà nước đề nghị cơ quan này can thiệp, buộc nhà cầm quyền thành phố Hà Nội ngưng đập phá những tài sản mà họ đã mượn của tu viện Thái Hà và hoàn trả những tài sản mà họ đã mượn. Tuy nhiên một số nhân viên của Ban Tôn Giáo đã từ chối tiếp chuyện với lý do lãnh đạo của họ đi công tác. Cho tới nay, đơn khiếu nại của tu viện Thái Hà gửi Ban Tôn Giáo nhà nước chưa có hồi đáp.

Trước năm 1954, tu viện của Dòng Chúa Cứu thế ở Thái Hà, Hà Nội, sở hữu 61,000 thước vuông đất và nhiều công trình trên đất. Sau năm 1954, nhà cầm quyền Hà Nội vừa chiếm vừa mượn nên hiện nay, khuôn viên của tu viện Thái Hà chỉ còn 2700 thước vuông đất. Dựa trên các văn bản mà nhà cầm quyền từng gửi tu viện Thái Hà để hỏi mượn đất, các linh mục, tu sĩ của tu viện Thái Hà và sau đó có thêm giáo dân của giáo xứ Thái Hà đã nhiều lần yêu cầu nhà cầm quyền hoàn trả những tài sản họ đã mượn. Không những không trả, đảng Cộng sản còn cho phép cắt đất đã mượn ra thành một số lô để bán và cho mướn. Quan sát các diễn biến trong vụ tranh chấp chấp vừa kể, người ta tin rằng, áp lực của hàng ngàn giáo dân, biểu hiện qua việc thắp nến cầu nguyện, xếp hàng đi từ nhà thờ Thái Hà đến trụ sở tòa án, công khai bày tỏ sự ủng hộ tám bị cáo đã khiến nhà nước lúng túng không dám đàn áp thẳng tay. Chưa rõ lần này, chính quyền Việt Nam và chính quyền thành phố Hà Nội sẽ hành xử thế nào, sau khi tu viện Thái Hà tiếp tục cử đại diện đi kêu oan theo đúng trình tự và qui định pháp luật hiện hành.

 

 

Google cảnh cáo người sử dụng email tại Việt Nam bị tin tặc của nhà nướcGmail

Một sự kiện đã làm cho nhà nước Cộng sản Việt Nam hết sức mất mặt, khi một số những người sử dụng email tại Việt Nam đã nhận được tin nhắn của công ty Google, cảnh báo về tình trạng nhà nước cho tin tặc xâm nhập vào hộp thư hoặc máy tính của họ.

Trước những cảnh báo từ Google, những người sử dụng Internet tại Việt Nam đã tỏ ra hết sức bất mãn, và cho rằng đường đường là một chính phủ nhưng nhà nước Cộng sản Việt Nam lại bảo trợ cho bọn tin tặc. Cũng xin nhắc lại là trong Báo cáo Minh bạch công bố hôm 25 tháng 4, Google cho biết ở khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2010, Việt Nam đã từng yêu cầu tập đoàn này gỡ bỏ từ khóa liên quan đến tài liệu, được cho là miêu tả không tốt về các lãnh tụ Cộng sản Việt Nam, và Google đã bác bỏ yêu cầu đó.

Tiết lộ từ Google về yêu cầu hỗ trợ kiểm duyệt của Việt Nam không làm người ta ngạc nhiên. Trong nhiều năm liên tiếp, Việt Nam xuất hiện trong Danh Sách Nguy Hiểm do Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo CPJ lập. Danh sách này giới thiệu các quốc gia xâm hại tự do báo chí, được lập dựa trên một số tiêu chuẩn như số nhà báo bị thiệt mạng, cầm tù, cấm đoán, kiểm duyệt bằng luật pháp, hoặc thiếu biện pháp trừng phạt đối với các vụ tấn công báo chí. Việt Nam có tên trong Danh Sách Nguy Hiểm với 14 nhà báo bị cầm tù. 13 trong số này là những nhà báo là những cây bút tự do và tất cả đều bị cáo buộc chống nhà nước.

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF cũng đã liên tục xếp Việt Nam vào nhóm năm quốc gia là Kẻ thù của Internet vì theo dõi Internet nghiêm ngặt nhất. Theo RSF, ở Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ giữ vai trò chính trong việc kiểm soát và theo dõi người sử dụng mạng. Họ tổ chức chặn những trang web mà nhà nước Cộng sản Việt Nam không hài lòng. Trên thực tế, xâm nhập các diễn đàn điện tử, trang blog chiếm đoạt quyền điều khiển, xóa dữ liệu, vô hiệu hóa hoạt động, cài mã độc để tiếp tục xâm nhập vào những máy tính khác, đánh cắp mật khẩu, thông tin, theo dõi thư từ là chuyện tin tặc thường xuyên thực hiện đối với những người Việt dùng Internet.

 

Nga bắt giữ hàng trăm người Việt lao động bất hợp pháp

Hôm 3/06 cảnh sát Nga đã bố ráp một thành phố ngầm ngay bên dưới chợ Vòm Cherkizovsky và bắt giữ hơn 200 người lao động may mặc bất hợp pháp.

Thông tấn xã RIA Novosti của Nga nói hơn 100 người là công dân Việt Nam đã bị bắt giữ.

Video được Bộ Nội vụ Nga công bố cho thấy một tổ hợp những gian phòng dưới lòng đất được dùng để làm xưởng may và nơi sinh hoạt của công nhân. Có cả một quán cà phê, rạp chiếu phim, sòng bạc và chuồng nuôi gà. Dường như những người lao động bị nhốt trong khu phức hợp rộng lớn này để làm việc.

Ngày 23/5 vừa qua, Nga cũng bắt giữ hơn 300 người lao động Việt Nam trái phép làm việc tại một xưởng may hàng thể thao in lậu biểu tượng Olympic.

Tình trạng người lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Nga bị ngược đãi và bóc lột đang ngày càng trở nên phổ biến và trầm trọng hơn.

Dù Việt Nam đã ban hành luật phòng chống buôn người, nhưng việc thực thi luật này vẫn là điều gây nhiều ngờ vực.

 

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here