Vì sao Bắc Kinh áp lực Bình Nhưỡng trở lại bàn hội nghị 6 nước ?
Ngày 6 tháng 6 sắp đến ông Tập Cậnn Bình sẽ lên đường sang công du Hoa Kỳ để hội đàm với Tổng thống Obama tại Palm Springs thuộc tiểu bang California. Vì tân thể chế Tập Cận Bình-Lý Khắc Cường chưa quyết định chính sách ngoại giao của mình đối với Hoa Kỳ nên chẳng có gì làm quà cho Washington trong chuyến đi này ngoài việc áp lực Bình Nhưỡng trở lại hội nghị 6 nước bàn về chuyện Bắc Triều Tiên chế tạo vũ khí hạt nhân. Vì lý do đó mà chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Phó Nguyên soái Choe Ryong Hae ( Thôi Long Hải), Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội Nhân dân Triều Tiên, vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua đã được báo đài ở Trung quốc liên tục loan tin, đặc biệt là lúc ông Choe hội kiến ông Bình để trao tay bức thư của ông Kim Chính Ân gởi.
Theo các nhà ngoại giao phương tây ở Hoa lục thì Trung quốc muốn là một chuyện, nhưng liệu Bình Nhưỡng có làm theo ý của Bắc Kinh hay không lại là một chuyện khác. Chuyến đi Bắc Kinh của ông Choe là chưong trình thăm viếng, trao đổi giữa các cấp lãnh đạo quân đội hai nước, những lần trước họp xong là về chứ không có chuyện hội kiến với người đứng đầu Trung quốc, hơn nữa trong thời gian gần đây Bắc Kinh đã áp lực nhiều với Bình Nhưỡng qua việc tán đồng Nghị quyết chế tài Bắc Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc, phong tỏa các trương mục của Bắc Hàn trong các nhà băng Trung quốc
nên chuyện hội kiến với ông Tập Cận Bình là điều Bình Nhưỡng không nghĩ đến, tuy nhiên ông Kim Chính Ân vẫn viết một bức thư đưa cho ông Choe cầm đi rồi nhờ ai chuyển lại cho ông Bình. Khi ông Choe đến Bắc Kinh thì mới biết sẽ được hội kiến với ông Tập Cận Bình nên ông Choe đã trao tận tay lá thư của lãnh tụ Kim Chính Ân cho ông Bình, vì như vậy nên ông Choe được gọi là đặc sứ của lãnh tụ Kim Chính Ân. Nội dung bức thư như thế nào không được công bố, nhưng khó mà nghĩ rằng Kim Chính Ân đồng ý ngồi lại vào bàn hội 6 nước theo ý của Bắc Kinh. Trong cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình nhắc lui nhắc tới ít nhất là ba lần về chuyện hội nghị 6 nước giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên.Phó Nguyên soái ấp úng ra mặt, ông Choe chỉ trả lời rằng chúng tôi luôn mong muốn có được một nền hòa bình, an định cho bán đảo Triều Tiên để phát triển. Chỉ cần như thế là báo đài của Trung quốc đủ để loan tải rằng do sự thuyết phục của Chủ tịch Tập Cận Bình Bắc Triều Tiên đã đồng ý ngồi lại vào bàn hội nghị 6 nước bàn về giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Tưởng cũng nên nói thêm rằng mặc dù ông Choe là nhân vật cao cấp, nhưng vấn đề quyết định có ngồi lại vào bàn hội nghị hay không nằm trong tay ông Kim Chính Ân, đúng hơn là do ông Trương Thành Trạch (chồng bà cô ruột của Ân) quyết định, mà ông Trạch này là người biết rõ Bắc Kinh muốn sử dụng Bắc Triều Tiên như một con bài để mặc cả với Hoa Kỳ, Hàn quốc và Nhật Bản trong những lần giao thiệp, ông Trạch này cũng là người rất bất mãn sự áp đặt của Trung quốc nên trước đây thường hay góp ý cho ông Kim Nhật Chính làm trái ý Bắc Kinh. Góp 10 thì ông Kim Chính Nhật chỉ làm hai hoặc ba mà thôi vì còn cần tiền viện trợ của Trung quốc, nay ông Nhật đã chết nên ông Trạch chẳng còn sợ ai nữa vì vậy việc Bình Nhưỡng làm trái ý Bắc Kinh ngày càng tăng.
Theo các bình luận gia chính trị thế giới thì trong cuộc hội kiến với ông Tập Cận Bình vào ngày 24/05/2013, Phó Nguyên soái Choe có phát biểu rằng: Chuyện yêu cầu Bắc Triều Tiên ngưng chế tạo vũ khí hạt nhân không là tiền đề để yêu cầu chúng tôi trở lại bàn hội nghị 6 nước.
Báo đài ở Hoa lục khi loan tin đã cắt bỏ câu phát biểu này của ông Choe. Cùng ngày hôm đó tại Diễn đàn khu vực Đông Nam Á tổ chức tại Brunei, Đại diện của Bắc Triều Tiên vẫn khẳng định như đinh đóng cột là chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa. Cả hai sự việc trên chứng tỏ Bình Nhưỡng vẫn không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, bởi vậy món quà mà ông Tập Cận Bình muốn mang tặng Washington khi sang Hoa Kỳ chẳng có ý nghĩa nào cả.
Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Bắc Kinh không muốn nêu tên nói với các ký giả rằng việc Trung quốc thuyết phục Bắc Triều Tiên trở lại bàn hội nghị là điều tốt, nhưng họp bàn là phải bàn về chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên chứ không thể bàn chuyện gì khác, trong quá khứ khi bàn về chuyện này Bình Nhưỡng đã nổi giận bác bỏ rồi tự ý rời bàn hội nghị. Nếu hội nghị 6 nước tái nhóm mà chuyện này vẫn tiếp diễn thì mất thì giờ vô ích.
Nhật Bản vừa xóa nợ vừa viện trợ và đẩy mạnh đầu tư tại Miến Điện
Vì lịch trình làm việc tại Quốc hội Nhật đầy ắp, nên Thủ tướng Abe phải lợi dụng những ngày cuối tuần để lên đường sang công du Miến Điện. Ngoài các quan chức cao cấp trong các Bộ, các ngành còn có thêm 40 nhà đầu tư Nhật Bản được tháp tùng theo ông Abe trong chuyến đi này. Trong buổi hội đàm vào ngày chủ nhật 26/05/2013 với Tổng Thein Srin, Thủ tướng Abe đã cho hay Nhật Bản đánh giá cao những cải cách chính trị trong thời gian qua của Miến Điện nên quyết định sẽ xóa bớt 200 tỷ yen (tương đương với 2 tỷ mỹ kim) tiền nợ và viện trợ thêm 1 tỷ mỹ kim khác qua chương trình ODA để Miến Điện có thêm phương tiện xây dựng hạ tầng cơ sở nhằm phát triển kinh tế. Ngoài những lời cám ơn và hứa sẽ tiếp tục con đường dân chủ hóa đất nước, Tổng thống Thein Seinn còn cho biết thêm là trong cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình vào tháng 4 vừa qua tại Bắc Kinh, tôi đã ngõ ý muốn giữ mối liên hệ tốt đẹp với Trung quốc như trước đây. Trên nguyên tắc thì ông Bình tán thành, nhưng trongthực tế thì kể từ đó đến nay các các phái đoàn Trung quốc sang thăm viếng Miến thưa dần và cấp bực của những người Trưởng phái đoàn cũng thấp hơn trước.
Theo các bình luận gia về tình hình chính trị thế giới thì sở dĩ Tổng thống Thein Sein nói chuyện đó ra là để cho hay Miến Điện cần sự hiệp tác của các nước Âu Mỹ để tái thiết đất nước.
Thưa quý thính giả, trước kia thì Nhật là quốc gia có nhiều đầu tư ở Miến Điện, đến khi chính quyền quân phiệt Miến Điện lên nắm quyền cai trị bằng những chính sách độc tài, vi phạm nhân quyền, đàn áp đối lập…nên đã bị các quốc gia Âu Mỹ trong đó có cả Nhật áp dụng biện pháp chế tài khiến cho các xí nghiệp Nhật không thể đổ tiền vào đầu tư thêm nữa. Theo số liệu về tiền đầu tư tại Miến Điện từ năm 1989 đến năm 2011 của Nhật là 223 triệu mỹ kim đứng hàng thứ 13. Trong khi đó số tiền đầu tư của Trung quốc tại Miến Điện xấp xỉ 14 tỉ USD và nước có tiền đầu tư đứng hàng thứ hai là Thái Lan với 13 tỉ 367 triệu mỹ kim. Trước đây khi chính quyền quân phiệt nắm quyền không bao giờ thấy có chuyện bài bác việc đầu tư của Trung quốc vào xứ này, tất cả đều nói tốt, đánh giá cao về chuyện trao đổi mậu dịch giữa hai nước, thế nhưng kể từ ngày Miến Điện có chính quyền dân sự thì các quan chức dân chính từ trung ương đến địa phương mới dám bộc lộ sự bất mãn tột độ của mình đối với chính sách đầu tư của Trung quốc ở Miến Điện. Đầu tư theo kiểu cướp đoạt, bóc lột là những từ mà người dân Miến lẫn quan chức Miến Điện sử dụng để chỉ Trung quốc.
Bộ trưởng Kiến thiết Miến Điện khi thuyết trình cho các nhà đầu tư Nhật đã nói thẳng ra rằng sở dĩ đa số người dân Miến Điện ghét Trung quốc vì họ vào đây cốt để cướp đoạt tài nguyên thiên nhiên và đưa cả lao động tay chân sang làm việc rồi tìm cách ở luôn chứ Trung quốc không giúp gì cho chúng tôi xây dựng đất nước, họ chẳng chỉ dẫn gì về chuyên môn, kỹ thuật cho người Miến Điện, bất quá là chỉ thuê một ít lao động vào làm việc. Hiện nay, người dân Miến Điện tại tỉnh Rahkuing đang có xung đột về việc Trung quốc đặt ống dẫn gas, dẫn dầu về tỉnh Vân Nam; Người dân tỉnh Kachin thì đang phản đối không cho Trung quốc xây đập thủy điện, còn người dân ở khu Kalay thì nhất quyết không cho các xí nghiệp Trung quốc khai thác mỏ đồng. Người dân Miến Điện chúng tôi biết Nhật Bản không đầu tư theo kiểu như thế, nhưng cũng phải nói ra điều này để tránh trường hợp tương tự như thế xảy ra sau này.
Bắc Kinh theo dõi rất kỹ về cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Thein Sein để rồi bực mình gọi Miến Điện như là ”Con lắc”, lúc nghiên bên này, khi ngã phía kia, chẳng có lập trường gì cả. Có lẽ Trung quốc giận quá mất khôn nên có những lời lẽ như thế đối với một quốc gia đang có liên hệ ngoại giao với mình.
Báo đài Miến Điện đã phản bác lại lời miệt thị này bằng những bài bình luận có nội dung là đối với Trung quốc thì những ai không theo họ điều mất lập trường, chế độ quân phiệt Miến Điện trước đây lệ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh nên đất nước mới ra nông nổi này. Thôi mất lập trường cũng được miễn sao chúng tôi xây dựng đất nước cho ngày càng tiến bộ là được. Bao giờ thì truyền thông ở Việt Nam mới nói được câu này ?, hỏi tức là đã trả lời.
Leave a Comment