Thêm một nguy cơ đến từ Trung Quốc

- Quảng Cáo -

Thêm một nguy cơ đến từ Trung Quốc
Báo Tuổi Trẻ hôm 31/05/2013 có bài «Lo lắng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc», đăng lại một tham luận của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa gởi đến Ban thư ký kỳ họp hiện nay của Quốc hội. Theo các nguồn tin trên mạng, bài tham luận do Tuổi Trẻ đăng đã bị cắt một số đoạn hoặc bị chỉnh sửa vài chỗ.
Bài tham luận đã gây sự chú ý đặc biệt, vì ông Trương Trọng Nghĩa đã nêu rõ những lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đã và đang phụ thuộc vào Trung Quốc một cách đáng báo động. Cụ thể là « về đầu tư xây dựng, nhà thầu Trung Quốc đã thắng thầu nhiều (thậm chí phần lớn) dự án lớn, chủ yếu dựa vào tiêu chí giá rẻ, và những cam kết “muốn gì có nấy”, về sau mới thấy công nghệ, nhân lực và cả nguồn vốn của họ đều không đạt yêu cầu”.
Về thương mại, đại biểu Trương Trọng Nghĩa báo động về tình trạng thương lái Trung Quốc xâm nhập sâu vào các vùng, chi phối thị trường bằng các thủ thuật giá, thu mua với giá rẻ những mặt hàng để lại tác hại nhiều mặt cho Việt Nam.
Còn về công nghiệp, ông Nghĩa cảnh báo : «Do sức cạnh tranh giảm sút, thiếu công nghiệp hỗ trợ, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đầu vào và cả công nghệ thấp của Trung Quốc bởi vì giá rẻ, cách mua bán linh hoạt, và Việt Nam thiếu rào cản kỹ thuật. Đang có sự e ngại Việt Nam có thể trở thành bãi đáp công nghệ thấp cho các nhà đầu tư Trung Quốc, vì giá lao động rẻ, và quản lý dễ dãi về an toàn, vệ sinh, môi trường»
Riêng trong lĩnh vực nông ngư nghiệp, báo chí trong nước mấy ngày qua đã báo động về nguy cơ «Trung Quốc hóa» các trại nuôi cá tầm Việt Nam.
Sự kiện này cho thấy chính quyền Việt Nam đã bất lực trong việc ngăn cản hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Đây là nguy cơ nghiêm trọng đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, và nhưng lần đầu tiên một đại biểu công khai nêu lên vấn đề này trong kỳ họp của Quốc hội Việt Nam.

Thiên tai trên khắp miền Nam Bắc Việt Nam
Trong những ngày qua, thiên tai hàng loạt đã xảy ra trên toàn quốc Việt Nam với mưa bão và giông lốc khắp nơi. Tại các tỉnh phía bắc, mưa lũ đã làm thiệt hại mùa màng và tài sản người dân, trong khi có ít nhất 1 người chết vì sét đánh. Tin cho biết sáng vào cuối tuần qua, toàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra mưa rất to, đã khiến nhiều đường bị sạt lở, ruộng đồng bị ngập. Có 4 người tại xã Tân Tiến huyện Bạch Thông bị mắc kẹt trên mái nhà do nước ngập. Một người thiệt mạng tại tỉnh Hải Phòng và hàng trăm mẫu lúa, hoa màu bị cuốn trôi. Tại miền Tây, giông lốc đã thổi bay hơn 1000 căn nhà.
Cơn cuồng phong bất ngờ ập vào khu vực hai bên lưu vực sông Tiền, đoạn Đồng Tháp đến An Giang, làm người dân điêu đứng và thiệt hại bước đầu ước tính trên 4 tỉ đồng. Sự kiện xảy ra từ chiều thứ tư, giông lốc đã làm 70 căn nhà đổ sập, 446 căn nhà và 1 trường học bị tốc mái, 78 cây xanh bị quật ngã. Trong đó huyện Thanh Bình thiệt hại nặng nhất với 34 căn nhà bị sập hoàn toàn, tiếp theo là thành phố Cao Lãnh 32 căn, huyện Cao Lãnh 4 căn. Trên sông Tiền một chiếc xà lan trọng tải 310 tấn chở 200 khối cát, đã lật úp và chìm do sóng to gió lớn.
Cùng thời điểm, tại huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, giông lốc làm 31 nhà bị sập hoàn toàn, 538 nhà tôc mái. Những người nuôi cá diêu hồng và cá lóc ven sông Tiền đã bị mất trắng khoảng 20 tấn cá khi những bè cá của họ bị gió phá hỏng, ước tính tổng thiệt hại trên 4 tỉ đồng.

Kiên Giang, ngư dân hoang mang vì cá biển chết hàng loạt
Trong hai ngày qua nhiều ngư dân ở xã Nam Thái huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang hết sức lo lắng khi lần đầu tiên thấy hiện tượng cá biển chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ. Xác nhận thông tin trên, các viên chức địa phương cho biết hiện tượng cá biển chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân và đã cử cơ quan chức năng đã đến lấy mẫu và địa phương đang chờ kết luận chính thức. Theo chi Cục Thuỷ sản Kiên Giang nguyên nhân cá chết là do yếu tố môi trường, thời tiết thay đổi.
Theo đó, sáng hôm qua người dân ở địa phương phát hiện cá biển nổi đầu và chết hàng loạt ở hai đoạn kênh giáp ranh là kênh 6 Biển và kênh 5 Biển A, đa số là cá da trơn như cá ngát, cá chình. Số cá chết được người dân thu gom lên đến hàng tấn. Ngay trong ngày, cán bộ chuyên môn thuộc Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang cho biết tất cả chỉ tiêu trong nước đều nằm trong mức cho phép. Riêng chỉ tiêu về hàm lượng oxy rất thấp, ngoài ra, nội tạng cá bình thường, không nhiễm vi khuẩn. Như vậy, nguyên nhân ban đầu có thể là do yếu tố môi trường, thời tiết biến đổi.

Lãnh đạo VN vẫn bênh vực Doanh Nghiệp Nhà Nước
Hồi giữa năm 2008, Quốc Hội CSVN từng nêu ra yêu cầu chính phủ phải tái cơ cấu nền kinh tế. Theo đó, nhà nước phải sớm điều chỉnh cơ cấu của các Doanh Nghệp Nhà Nước (DNNN), hệ thống ngân hàng – tài chính, đầu tư công.
Tuy nhiên tới đầu năm nay, ông Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng CSVN mới phê duyệt 99 dự án tái cơ cấu DNNN.
Sự chậm trễ đó được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến kinh tế Việt Nam suy thoái nghiêm trọng. Theo một phúc trình của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hồi tháng 4 vừa qua thì đã có 300,000 trong số 700,000 doanh nghiệp Việt Nam đã chết. Những doanh nghiệp đã chết thuộc loại vừa và nhỏ – vốn là khu vực kinh tế năng động và hiệu quả nhất.
Nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng tình trạng hàng trăm ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ lăn ra chết là vì nguồn lực quốc gia chỉ đổ vào các DNNN. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chết hàng loạt còn vì bị những DNNN và một số tập đoàn tư nhân chuyên khai thác quan hệ để tìm lợi thế kinh doanh, chèn ép, tước đoạt cơ hội phát triển. Sự phân biệt đối xử trong phân bổ nguồn lực quốc gia khiến chủ nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyệt vọng, thay vì nỗ lực vượt qua khó khăn, họ tự thu hẹp hoạt động hoặc quyết định ngưng hoạt động.
Tuy nắm giữ khoảng 75% tài sản cố định của quốc gia, 60% tổng tín dụng ngân hàng và tổng vốn vay nước ngoài nhưng các DNNN chỉ tạo ra khoảng 40% tổng sản phẩm trong nước.
Chưa hết, theo một nghiên cứu về tình hình nợ công của Việt Nam do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội CSVN thực hiện thì nếu “tính đúng, tính đủ”, nghĩa là cộng cả nợ nần của các DNNN vào gói nợ quốc gia, nợ công của Việt nam sẽ tăng từ 55% GDP lên… 95% GDP. Cũng vì vậy, uỷ ban này báo động, nợ của các DNNN đang là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh tài chính quốc gia.
Nhiều đại biểu Quốc Hội CSVN khẳng định, muốn đưa kinh tế Việt Nam thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài như hiện nay, chính phủ phải “mạnh tay” với khối DNNN. Việc kéo dài quá trình “tái cơ cấu” DNNN chỉ làm cho nợ nần thêm nặng nề.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here