Việt Nam sắp tung 3 tỉ đô la trái phiếu vì ngân quỹ cạn kiệt
Trong cuộc họp báo tại Hà Nội ông Vũ Đức Đam Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Cộng sản Việt Nam công bố, vì cạn tiền trong kho, nhà nước có thể phát hành 58,000 tỉ đồng trái phiếu, tương đương 3 tỉ đô cho hai dự án làm đường. Việc phát hành trái phiếu để thu vào ngân quỹ nhà nước 3 tỉ đôla trong thời gian tới được coi như hình thức huy động vốn cho hai dự án. Đó là dự án xây dưng quốc lộ 1A và quốc lộ 14 băng ngang các tỉnh Tây Nguyên.
Ông Đam cũng thú nhận rằng đó là một biện pháp xét lại sau dự tính giao cho các công ty giao thông vận tải vận động vốn liếng thực hiện hai dự án nói trên. Trước đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã chấp thuận khoản chi 3 tỉ đôla để mở rộng quốc lộ 1A và 14, nhưng vì dự tính này không khả thi, cuối cùng thì nhà cầm quyền đành nhận lại để làm. Hiện Việt Nam đang ôm trên 34,000 công xa. Số công xa này được lượng giá khoảng 18,000 tỉ đồng, tương đương 900 triệu đôla.
Ngoài ra hiện nay nhà cầm quyền Việt Nam đã thanh lý tức là bán đi 677 chiếc xe cũ, thu được 276 tỉ đồng tương đương 14 triệu đôla. Cũng liền sau đó, các chính quyền, công ty thuộc sở hữu nhà nước lại sắm vào 2,400 chiếc công xa mới toanh, trị giá 2,756 tỉ đồng, tương đương 138 triệu đôla, tức nhiều hơn gấp mười lần. Con số trên góp vào chi phí nặng nề, chưa kể tiền xăng, tiền lương tài xế khắp các đơn vị công sở, đây là lý do đưa đến sự cạn kiệt ngân quỹ nhiều quốc gia.
Người nghèo chết dở vì “chỉ tiêu nghèo”
Tin từ trong nước thì tỷ lệ gia đình nghèo tại Việt Nam đang giảm rất nhanh. Tuy nhiên không phải vì dân chúng đã hết nghèo mà bởi chế độ Hà Nội đặt định “chỉ tiêu”. Cũng vì vậy, tình cảnh của người nghèo thêm thê thảm.
Không được công nhận là người nghèo thì con cái khi đi học, sẽ không được miễn, giảm học phí, lúc đau ốm không có khả năng khám bệnh, chữa bệnh. Chưa kể không được nhận một số hình thức hỗ trợ khác, vốn chẳng đáng là bao nhưng thật sự quan trọng đối với người nghèo.
Theo một phóng sự do tờ Nông nghiệp Việt Nam thực hiện, hiếm có chuyện nào bất nhân hơn việc xét nghèo phải theo “chỉ tiêu”.
Ông Trương Đình Điển, Trưởng thôn 1, tiết lộ, lãnh đạo xã An Ninh chỉ cho các thôn “tuyển” 10% gia đình nghèo. Thôn của ông Điển có 202 gia đình. Năm ngoái còn có hơn 30 gia đình được công nhận là nghèo. Năm nay thì “trên” chỉ thị “phải giảm quyết liệt, giảm mạnh” nên thôn 1 chỉ được cho phép chọn 23 gia đình nghèo.
Ông Hà Tiến Sớ, 75 tuổi và vợ, bà Trương Thị Vườn, 68 tuổi ngụ tại thôn 1, xã An Ninh, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam vốn thuộc loại nghèo mãn kiếp. Thiếu cơm ăn, đau bệnh không có tiền chữa chạy nhưng vợ chồng ông Sớ không được công nhận là gia đình nghèo.
Tờ Nông nghiệp Việt Nam kể rằng, ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có nhiều gia đình giống như vợ chồng ông Sớ. Chẳng riêng Hà Nam, ấn định “chỉ tiêu” công nhận gia đình nghèo là chuyện phổ biến trên toàn Việt Nam. Tháng trước, dư luận Việt Nam bang hoàng vì một phụ nữ ở Cà Mau tự tử để gia đình được “công nhận là nghèo”. Trong thư tuyệt mạng, bà hy vọng với sự công nhận đó, các con của bà có thể đem giấy chứng nhận gia đình nghèo đến ngân hàng vay tiền, hầu có thể tiếp tục chuyện học.
Trong hàng chục năm qua, Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ hàng tỉ USD để thực hiện các chương trình “xóa đói, giảm nghèo”. Gần đây, Nhà cầm quyền CSVN liên tục được WB, ADB, IMF khen ngợi vì gặt hái được nhiều thành công trong việc thực hiện các chương trình này. “Chỉ tiêu” công nhận gia đình nghèo đang giảm dần, khi thành tích “xóa đói giảm nghèo” tăng lên. Không rõ WB, ADB, IMF đã biết đến những thảm cảnh đó chưa ?
Dân oan nhiều tỉnh đổ về Hà Nội khiếu kiện
Vào ngày 29 và 30 tháng 5 vừa qua, dân oan của nhiều tỉnh thành như Nam Định, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, v.v… một lần nữa lại đổ về Hà Nội. Họ không tập trung một chỗ mà phân tán ra nộp đơn đến nhiều cơ quan nhà nước trong đó có văn phòng tiếp dân tại đường Ngô Thì Nhiệm. Sự tập trung của người dân được nhà nước luôn quan tâm không phải vì nguyện vọng của họ mà vì lý do ổn định chính trị. Không ít trường hợp người dân oan bị đàn áp. Một dân oan Tiền Giang cho biết Công an theo dõi họ từng bước, làm khó dễ đủ bề.
Từ nhiều năm qua, người dân oan các tỉnh miền Nam đổ về Hà Nội để khiếu nại đất đai bị địa phương trưng thu mà không bồi thường thiệt hại một cách thỏa đáng đã trở nên bình thường, đến nỗi không ai chú ý sự có mặt của họ, những người nông dân nghèo khổ không có nổi tiền đi xe để trở về nhà sau mỗi lần nộp đơn khiếu kiện.
Cần nói thêm, mỗi lần về Hà nội nộp đơn khiếu nại thì người dân các tỉnh miền Nam lại một lần mất đi chút tài sản hiếm hoi trong nhà. Họ chấp nhận cuộc sống trôi dạt như người vô công rỗi nghề mặc dù xuất thân là nông dân đã quen thuộc với nắng gió ruộng đồng. Tuy nhiên họ vẫn kiên nhẫn và ước mong ngày nào công lý sẽ soi sáng cho họ.
Sinh viên luật khởi kiện đoàn trưởng đại học luật Sài Gòn
Nhóm khởi xướng Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn gồm 3 sinh viên Luật khoa tại trường Đại học Luật Saigon, đã khởi kiện tên Đoàn trưởng đoàn Thanh niên Cộng sản tại trường đại học này vì tội vu khống. 3 sinh viên này cho biết tên Đoàn trưởng có bút hiệu là Trung Nhân đã cho đăng một bài viết trên báo vu khống và sỉ nhục họ, khiến cho họ đã có thư yêu cầu xin lỗi và thư đề nghị tranh luận về mặt pháp lý nhưng không được hồi đáp. Vì vậy 3 sinh viên này quyết định khởi kiện Đoàn trường về hành vi xâm phạm đến quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, uy tín được quy định tại Điều 37, và quyền bí mật đời tư được quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự.
Họ khởi kiện không nhằm mục đích thắng thua trước phán quyết của Tòa án, cũng không xem đó là cơ hội để biện minh trước các cáo buộc của Đoàn trưởng, mà là để nói với công luận nói chung và những người học luật nói riêng biết rằng tinh thần thượng tôn pháp luật luôn cần được bảo đảm trong một môi trường giảng dạy và đào tạo pháp luật. Việc tiếp tay xâm phạm vào quyền bí mật đời tư và dung túng cho hành vi xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự và uy tín của bất kỳ ai cần được kiên quyết lên án và loại trừ.
Trong thông cáo phổ biến cho báo chí, 3 sinh viên này còn nhấn mạnh rằng những người sinh hoạt trong môi trường giáo dục, đặc biệt là giáo dục pháp luật là tinh thần sẵn sàng tranh luận, phản biện và tôn trọng lẫn nhau, thay vì hành xử vô trách nhiệm như quy chụp và cáo buộc như các lãnh tụ Cộng sản Việt Nam hay làm. Đây là lần đầu tiện một nhóm sinh viên dám lên tiếng tố cáo đoàn trưởng đoàn thanh niên Cộng sản, cho thấy được ý thức của giới trẻ về tinh thần luật pháp nay đã thay đổi không còn sợ hãi trước bạo quyền.
Tập Cận Bình không phải là nhà cải cách
Trong một lá thư ngỏ công bố ngày 31/05/2013, thân nhân của các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 tại Trung Quốc, đã khẳng định tân Chủ tịch Tập Cận Bình « không phải là một nhà cải cách », ngược lại đất nước đang phải chịu đựng các chính sách phản tiến bộ.
Tổ chức « Các bà mẹ Thiên An Môn » là hiệp hội đấu tranh cho nhân quyền đặt trụ sở ở nước ngoài, có 123 thành viên, luôn đòi hỏi không ngơi nghỉ công lý và sự thật về vụ tàn sát các sinh viên tham gia phong trào đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn.
Theo các ước lượng không chính thức, có khoảng 200 đến trên 3.000 thanh niên đã bị quân đội giết hại trong khi đàn áp phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn năm 1989. Bắc Kinh biện minh rằng việc huy động quân đội tàn sát sinh viên biểu tình là cần thiết để chống lại các cuộc nổi loạn « phản cách mạng ».
Các nhà phân tích cho rằng một sự tái đánh giá chính thức về phong trào phản kháng này sẽ là tín hiệu quan trọng cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự quan tâm đến việc cải cách hệ thống chính trị của đất nước, vốn không thay đổi gì từ đó đến nay.
Lá thư ngỏ được công bố vài ngày trước kỷ niệm 24 năm vụ thảm sát Thiên An Môn 4/06/1989. Lá thư lên án : « Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lần lượt kế tục nhau, cứ như là được đẩy lên sân khấu bằng một cánh cửa xoay. Càng thăng quan tiến chức thì họ càng trở nên cao ngạo và cực đoan, làm cho toàn bộ dân chúng rơi vào tuyệt vọng ».
Leave a Comment