Trong mục Việt Nam Ngày Nay xin mời quý thính giả theo dõi phần 2 bài “Chính Sách Chẳng Giống Ai” của Văn Quang.
Điều hành theo kiểu “cổ lổ sĩ” của VN
Các chuyên gia kinh tế ngay trong nước nhận định về cách làm trong điều hành về xăng dầu của VN vừa qua, TS Nguyễn Quang A nói:
“- Tôi không thể nói được gì về cách làm trong điều hành về xăng dầu của ta vừa qua. Vấn đề không phải là khó về kỹ thuật nhưng lại khó về quyền lợi, lợi ích.
Chả có nước nào mà Chính phủ lại phải mang tai tiếng về giá xăng dầu bằng Việt Nam. Kiểu “cổ lỗ sĩ” đã ăn sâu vào suy nghĩ của những người điều hành thị trường xăng dầu, dường như lợi ích của doanh nghiệp (DN) và cả những người quản lý nó đang quá lớn, nên khó mà thay đổi được cách điều hành.
Giá xăng của chúng ta hiện khoảng 24.000 đồng/lít, tức trên 1 USD/lít, mà 1 galon bằng hơn 4 lít, như vậy giá xăng của ta đã đắt hơn cả ở bên Mỹ rồi! Thực ra, chúng ta đang dùng cái gọi là “thị trường” để can thiệp vào giá xăng dầu mà thôi. Người dân tưởng là bất ngờ nhưng các DN và đại lý kinh doanh xăng dầu đã trữ được nhiều chục vạn lít xăng dầu rồi, và chỉ một loáng tăng giá, họ đã thu nhiều chục tỷ đồng…
– Để thị trường xăng dầu mang tính cạnh tranh, chỉ cần vài DN lớn nhập khẩu với hàng trăm cửa hàng trực thuộc vài DN lớn như thế. Cứ để giá xăng dầu lên xuống theo thị trường, chỉ cần DN quản lý tốt. DN nào nhập hàng rẻ hơn thì bán rẻ hơn.
Nhà nước chỉ kiểm tra có sự thông đồng ở DN hay không. Nhà nước sẽ chỉ can thiệp ở đúng việc của mình thôi, còn để DN tự cạnh tranh, DN nào giỏi thì sống, kém thì chết. DN nào lỗ thì có DN khác mua cả DN đó… Với cơ chế như thế buộc DN phải đưa ra sáng kiến, quản lý tốt để tự cạnh tranh, vươn lên… Nhưng hiện nay chúng ta lại không làm như vậy mà vẫn để Petrolimex gần như độc quyền về kinh doanh xăng dầu”.
Xăng dầu lãi hàng chục tỷ một ngày từ tiền túi của người dân
Giá xăng dầu thế giới liên tiếp giảm mạnh, trong khi giá trong nước vẫn chưa được điều chỉnh giảm, tỷ lệ trích quỹ bình ổn cũng giữ nguyên giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang được hưởng lãi lớn. Chỉ tính riêng phần chênh lệch từ khoản tiền trích quỹ bình ổn giá xăng dầu đã giúp doanh nghiệp đấu mối kiếm lời hàng chục tỉ đồng mỗi ngày.
Nhận xét về thực tế trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nó thể hiện cơ quan quản lý giá đang kém nhạy bén, không kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xăng dầu kiếm lợi lớn trong khi nền kinh tế thiệt hại nặng. Ông phân tích:
“Dù dùng quỹ nào, nguồn của người dân đóng góp hay nhà nước hỗ trợ nhưng giá đã giảm vẫn để trích quỹ như cũ là không được, trong khi nguồn quỹ đã cạn kiệt vẫn phải chi, doanh nghiệp khó khăn do chi phí đầu vào lớn, người tiêu dùng sức mua cạn kiệt nhưng khi có cơ hội ta lại không giảm giá, mà vẫn bán giá như vậy để móc hầu bao của dân là việc điều hành không tốt”.
Những ngày qua dù giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, nhưng giá trong nước vẫn chưa có điều chỉnh, thậm chí, từ 26/2 tới nay Bộ Tài chính cho doanh nghiệp trích từ Quỹ bình ổn ở mức 2.000 đồng/lít xăng, 800 đồng/lít với dầu DO và 1.150 đồng/lít với dầu hỏa.
Tính tới nay giá cơ sở bình quân 30 ngày của xăng A92 đã giảm mạnh, mức lỗ của doanh nghiệp đầu mối đã giảm xuống từ khoảng 2.000 đồng/lít nay chỉ còn khoảng 1.000 đồng/lít, với mức trích quỹ như trên doanh nghiệp đang bỏ túi 1.000 đồng/lít xăng từ quỹ. Còn giá dầu DO hiện đã tương đương nhau, doanh nghiệp không lỗ, nhưng vẫn được trích 800 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá. Với dầu hỏa, doanh nghiệp chỉ còn lỗ khoảng 300 đồng/lít, nhưng vẫn được trích 1.150 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá, tính ra doanh nghiệp được hưởng hơn 800 đồng/lít.
Có lợi ích nhóm trong kinh doanh xăng dầu
Một chuyên gia về lĩnh vực xăng dầu cho rằng, chỉ cần làm phép tính đơn giản cũng có thể thấy các DN xăng dầu đầu mối đang thu được lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi ngày. “Nếu tính bình quân theo lượng xăng dầu được nhập trong năm 2013 là 13 triệu tấn, trong đó 60% mặt hàng xăng, với lượng bán ra trung bình khoảng trên 2 triệu lít xăng một ngày, các DN đang ung dung hàng chục tỷ đồng lợi nhuận một ngày. Vấn đề chính đối với thị trường xăng dầu hiện nay là phải siết lại quy định về trích thù lao, hoa hồng cho đại lý của DN, điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức”.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình nhận định: “Việc giá xăng tăng nhanh, giảm chậm có dấu hiệu quyền lợi cục bộ, nhóm lợi ích. (Nói rõ ra là lợi ích dành cho một số người như DN sân sau của một bộ ngành nào đó, DN người nhà quan, đại gia con cưng của nhà nước…). Theo ông Bình, cần có sự minh bạch hơn trong điều hành giá xăng dầu hoặc thị trường hóa có sự kiểm soát của Nhà nước đối với xăng dầu. Mỗi khi tăng giá, người dân muốn biết doanh nghiệp đang tồn bao nhiêu lít với mức giá nào, cất trữ ở đâu, bài toán chi phí khi bán với giá cũ và sau khi tăng giá…”
Hiện nay người dân chẳng biết đằng nào mà mò. Đến nỗi nhiều người dân quê bị ám ảnh sau khi xăng tăng giá, đã nháo nhào mua xăng để tích trữ. Đồng thời cũng lại lo giá điện cứ ba tháng tăng một lần, chả biết bao giờ mới hết tăng. Dân tình hồi này bị bệnh tim mạch nhiều là vì thế.
Mất lòng tin ngày càng trầm trọng
Bãn đọc đã thấy sự điều hành chính sách xăng dầu hiện nay của các nhà làm kinh tế vĩ mô như thế nào. Cuối cùng người dân nhăn răng ra chịu. Đúng như một bạn đọc đã viết trên báo Dân Trí:
“Qua đó cho thấy hậu quả gây mất lòng tin ngày càng trầm trọng hơn của nhân dân với những “quyết sách kiểu Việt Nam”, “chỉ có ở Việt Nam”, “chẳng giống ai”…và luôn là “lợi mình, hại người”.
Nỗi cay đắng đó đang lan tỏa cùng giá cả tất cả mọi loại hàng hóa, mọi nhu cầu tại VN đang ngày càng thấm đòn, giá tăng từng ngày.
Ngoài ra nhiều DN vận tải càng thêm lo lắng với viễn cảnh Quốc Lộ 1 sẽ dày đặc trạm thu phí BOT. Luật sư Thái Văn Chung – Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.Sài Gòn – cho biết: “Xe chở hàng hóa từ cảng Cát Lái (Sài Gòn) đi Cần Thơ phải chịu phí cầu đường chiếm đến 19% giá cước. Hàng loạt chi phí khác như lãi suất vay, dầu, vỏ xe… đang quá cao khiến DN không có lợi nhuận. Nhiều DN đã phải bán xe do thua lỗ”.
Quốc lộ 1 là tuyến huyết mạch Bắc – Nam hiện không đảm bảo vận chuyển hàng hóa, nếu thiết lập tới 21 trạm thu phí đến năm 2020, chưa kể trạm thu tại tuyến cao tốc, thì sẽ tăng chi phí gấp 3 lần hiện nay, chưa kể mức phí sẽ tăng từ 2 đến 3,5 lần. ông Chung nhận định: “Chi phí vận tải ở nước ta đang nằm trong top đầu của khu vực”. Xã hội hóa đầu tư đường thì cũng đừng để phí đè lên đầu người dân
Ông Ngân Hàng Nhà Nước láu cá?
Trong khi đó ông Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã khôn ngoan hạ lãi suất đầu vào trước đó vài ngày. Lấy cớ rằng lạm phát không tăng nên lại một lần nữa giảm lãi suất huy động từ 8% xuống 7,5%. Chắc chắn ông Thống Đốc NHNN chức cao quyền trọng đã biết trước cái sự tăng giá xăng này nên “chạy trước”. Nếu để đến khi tăng giá xăng rồi mới hạ lãi suất thì không thể nói lạm phát không tăng. Mọi thứ giá cả đang tăng như “ngựa phi đường xa” như vậy thì chẳng có gì bảo đảm lạm phát không tăng. Bao nhiêu phần trăm chưa thể tính trong lúc này. Nếu lên đến 7 hay 8% thì người dân chẳng dại gì đem tiền gửi ngân hàng. NHNN đang bắt bí người gửi tiết kiệm vì khó tìm ra một “kênh” nào kinh doanh có lời trong giai đoạn này, người dân đành gửi ngân hàng cho khỏi lỗ vì tiền mất giá và có thể có đồng ra đồng vào. Nhưng bị NHNN ép quá, người ta phải tìm đường thoát. Họ sẽ liều cho DN nào cần vốn vay để lấy lời nhiều hơn. Tuy cho vay kiểu này có thể mất trắng. Lại hình thành một kiểu tín dụng đen. Nhưng đã đến nước này thì họ cũng phải liều thôi. Họ sẽ khôn ngoan hơn với tín dụng đen. Có thể có một ngày nào đó, bất ngờ người dân tấp nập đến rút tiền thì sao nhỉ? Chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Láu cá không qua được mắt dân đâu.
Trên báo Thanh Niên, bình luận viên Nguyên Khanh cho rằng lãi suất đang đi ngược. “Mặt bằng LS không hợp lý, không áp trần cho vay nhưng lại áp trần huy động, để mức chênh lệch giữa đầu vào – đầu ra quá cao…. có thể thấy, rất nhiều yếu tố “đi ngược” trong điều hành chính sách lãi suất hiện nay”.
Còn khá nhiều những chuyện “đi ngược không giống ai”, xin để kỳ sau bàn tiếp đến những vụ lỉnh kỉnh này.
Leave a Comment