Đó là câu nói mà chủ trang blog “Một góc nhìn khác” từng chờ đợi trong nhiều tháng qua, sau cái ngày công an mời ông làm việc vào tháng 10 năm ngoái và liên tục sách nhiễu ông về trang blog này, trang blog mà họ gọi là lợi dụng tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258 bộ luật hình sự.
Vụ bắt giữ ông Trương Duy Nhất không làm cho ai ngạc nhiên vì nếu viết blog và chấp nhận đụng chạm tới những vấn đề nhạy cảm thì chủ trang blog hiểu rằng họ đang đi trên sợi giây thừng mỏng manh nối liền hai bờ vực, một bên là công luận, một bên là chính quyền. Bên chính quyền luôn gầm gừ và khả năng chịu đựng của sợi giây thừng ấy tùy thuộc vào thời tiết chính trị. Ông Nhất bị bắt cho thấy độ nóng của các phe phái trong Đảng đang nghiêng về một phía và ông lại không may nằm trong phía ngược lại.
Dù phía nào, hay thậm chí không phía nào cả, Trương Duy Nhất vẫn là bên được chứ không phải bên mất. Ông được vì đã hoàn tất ước muốn của mình khi bỏ viết báo để viết blog nhằm nói lên những gì mà một tờ báo không thể nói. Ông viết những điều mà rất nhiều trang blog tự do như ông không viết hay không dám viết (tức là): Vạch mặt chỉ tên từng người trong bộ chính trị. Ông đòi họ phải biết xấu hổ, phải biết dừng lại những hành vi vô luân. Phải nhận thức sự uất ức của dân chúng và nhất là phải rửa cho sạch bộ mặt bẩn thỉu của mình trước khi đứng trước diễn đàn nói những lời gian xảo.
Ông Trương Duy Nhất đã làm không ít người tức tối và nhất là…sợ!
Chức vụ càng cao thì nỗi sợ càng lớn.
Trang blog “Một góc nhìn khác” là lưỡi dao bén gọt những gì che chắn bên ngoài của các quan chức chóp bu. Đưa ra những khuôn mặt lở lói, dị dạng của các ông Trọng, Dũng, Sang, Hùng để từ đó người dân thấy rõ hơn những trái khuấy, kệch cỡm và gian manh của họ từ “một góc nhìn khác”.
Công an đọc lệnh bắt ông trong một tối nhà bị cúp điện. Vợ ông cầm đèn dầu soi mọi ngóc ngách cho họ tìm tài liệu, máy móc để dẫn ông về Hà Nội, nơi các phe phái vẫn đang ngồi chờ sau phiên họp lấy quyết định bắt ông.
Người ta cho rằng Trương Duy Nhất là người của một trong các phe phái ấy và lý do ông nằm ngoài tầm nhắm một thời gian khá lâu vì các tranh chấp chưa ngã ngũ. Hôm nay thì chuông đã điểm, sứ mạng ông đã hoàn tất, và cuộc đời ông lật sang một trang khác: Tối tăm và ảm đạm.
Trang blog “Một góc nhìn khác” dù sao cũng không cô đơn. Ngay khi tin ông bị bắt tung ra, hàng trăm bài viết xuất hiện bày tỏ sự phản kháng mạnh mẽ, trong đó khá nhiều blogger cho biết họ sẵn sàng theo ông vào nhà giam chứ không bỏ cuộc. Mẹ Nấm là một trong những người như thế.
Cách viết của Trương Duy Nhất có thể được nhiều người yêu thích nhưng cũng không hiếm kẻ dèm pha, cho rằng ông bỗ bã, xấc xược và ngông cuồng. Cũng có người chấp nhận nó như một style riêng của ông và quen dần với cách viết ấy để rồi nghiện nó lúc nào không biết.
Mỗi bài viết của ông là một nhát gươm chọc vào tử huyệt của nhân vật. Ông không kiêng kỵ chủ đề, nhân vật hay giới tuyến nào. Ông đập tham nhũng cũng mạnh như đập những nhà dân chủ giả hiệu. Ông quất roi vào chế độ nhưng vẫn không nương tay đối với những kẻ giả hình cầm roi ăn ké. Trương Duy Nhất thiếu cái cẩn trọng trong ngôn từ của một cây viết khôn ngoan, nhưng ông lại thừa tố chất của một người liêm khiết và đảm lược để vạch mặt chỉ tên từng kẻ buôn dân bán nước.
Trang blog “Một góc nhìn khác” không những chỉ nhìn mà còn tỏ rõ thái độ không khoan nhượng.
Nếu ai còn tin rằng không khí chính trị Việt Nam từ nhiều tháng qua không còn khủng bố trắng đối với người cầm bút thì hãy tỉnh lại. Không chế độ độc tài nào chấp nhận người khác phê phán mình cho dù sự phê phán ấy dẫn tới điều tốt hơn. Độc tài không cần điều tốt, chúng cần sức mạnh để đè bẹp những điều mà người khác cho là tốt ấy.
Ngòi viết nào trông mong sẽ bẻ được hướng đi cho độc tài, toàn trị xem ra vẫn đang mang trên mình ảo tưởng. Blog “Một góc nhìn khác” là bài học sinh động nhất cho anh, cho chị và cho chúng ta, những người vẫn mài miệt ngồi trước máy tính nhưng lại không tính được khả năng phục thiện của bọn độc tài là bao lớn để khi xuất hiện con số “không” lạnh lùng trước màn hình cũng là lúc có tiếng gõ cửa trước sân.
Tiếng gõ cửa lớn và gấp gáp để rồi sau đó là câu nói quen thuộc của công an: “anh/chị đã bị bắt”.
Leave a Comment