Tổ chức International Christian Concern tố cáo Việt Nam đàn áp tín đồ Cơ Đốc
Tổ chức International Christian Concern là một tổ chức quan tâm đến tình trạng đàn áp những tín đồ Cơ Đốc trên toàn thế giới, vừa cho phổ biến một bản lên tiếng tố cáo Cộng sản Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận nhắm vào các tín đồ Cơ Đốc. Hậu quả của điều này là việc tăng cường ngược đãi đối với các tín đồ Cơ đốc.
Tổ chức này đã nhắc về trường hợp của tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, của bà Hồ Thị Bích Khương, của ba blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Anh Ba Saigon, cũng như của ông Nguyễn Văn Lía của Phật Giáo Hòa Hảo. Sự gia tăng đáng chú ý trong việc bắt giữ các nhà hoạt động tôn giáo và nhà bảo vệ nhân quyền dường như là có chủ định chứ không phải chỉ là ngẫu nhiên. Bản tuyên bố viết việc kết án 14 tín đồ Thiên Chúa giáo và Tin Lành cho thấy xu hướng đáng lo ngại và gợi ý rằng sự đàn áp sẽ vẫn tiếp tục trong những ngày tới. Sự đàn áp của Cộng sản Việt Nam đối với tự do bày tỏ đặc biệt gây phiền nhiễu cho những người Cơ đốc, thường bị nhà nước cộng sản coi là thuộc về một tôn giao ngoại lai và đối nghịch với chế độ.
Đặc biệt các hệ phái Tin lành được coi là chịu ảnh hưởng bởi Hoa Kỳ, bị tác động bởi ý thức hệ phương Tây và đối nghịch với quyền lực chính trị và thẩm quyền của Nhà nước độc đảng cộng sản. Bản tuyên bố cũng nhắc đến những dân tộc thiểu số theo Tin lành và những người Hmong bị đàn áp. Tổ chức này cho rằng trừ phi Việt Nam sắp xếp lại các ưu tiên, đặt nhân quyền lên trên quyền lợi của chính quyền, nước này sẽ chỉ tiếp tục làm chết mòn thanh danh của mình trong cộng đồng toàn cầu. Ông Ryan Morgan, Quản lý khu vực Đông Nam Á của ICC nói Việt Nam sẽ không bao giờ hội nhập đầy đủ vào cộng đồng toàn cầu khi các nhân tố của nhà nước tiếp tục quấy nhiễu, bắt giữ, bỏ tù, và giết hại những tín đồ Cơ đốc vốn là những người đủ dũng cảm để thể hiện những đức tin tôn giáo của họ.
Gia Lai: Bị buộc tội theo Fulro, 8 người sắc tộc thiểu số bị kêu án 63 năm tù
Sáng ngày 28-5-2013, tòa án tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa lưu động xét xử 8 người dân tộc thiểu số bị nhà cầm quyền buộc tội “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc theo điều 87 Bộ Luật hình sự”.
Đây là những người có liên quan đến vụ phản đối lại chủ trương của chính quyền tỉnh Kon Tum về việc di dời nơi ở của đồng bào dân tộc thiểu số nằm trong lòng hồ thủy điện Plei Krông từ năm 2002. Tuy nhiên đến tháng 1-2013 nhà cầm quyền mới bắt truy tố những người này vì lý do tôn giáo, gồm có: Runh (34 tuổi), Jơnh (61 tuổi), Byưk (68 tuổ), A Tách (54 tuổi), A Hyưm (73 tuổi), Đinh Lứ (37 tuổi), Đinh Hrôn (32 tuổi), và Y Gyin (71 tuổi)
Theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Gia Lai, Y Gyin là người đứng đầu tung tin đồn có đức mẹ hiện hình ở Hà Mòn (một xã thuộc tỉnh Kon Tum) để kích động nhiều người dân tộc thiểu số khác và lôi kéo họ thành lập ra một tôn giáo riêng của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây nguyên. Đồng thời cáo trạng còn cáo buộc Y Gyin “từ năm 2008 đã nhận sự chỉ đạo trực tiếp từ các đối tượng Fulro sống lưu vong ở nước ngoài trong đó có Ksor Kớk, đã lợi dụng triệt để “Tà đạo Hà Mòn” và “các đối tượng chủ chốt trong tà đạo này để lôi kéo, kích động bà con dân tộc thiểu số ở các buôn làng trong khu vực Tây Nguyên lên đến hàng ngàn người”, sử dụng phương thức “bất bạo động”, nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng, chuẩn bị điều kiện để thành lập “Nhà nước riêng” với dự tính sẽ gồm 4 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng, “thủ đô” đặt tại TP Pleiku ,tỉnh Gia Lai.
Từ đó đến khi bị bắt vào ngày 14.1.2013, theo cáo buộc của Viện KSND, Y Gyin và 7 người trong nhóm “đã sử dụng nhiều tài liệu gọi là “sứ điệp” để đi tuyên truyền, tập huấn cho các “giáo phu” ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk…”
Trong phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên tổng cộng 63 năm tù giam cho nhóm 8 người dân tộc thiểu số chủ chốt của đạo “Hà Mòn”, mà nhà cầm quyền cho là những “phần tử của tổ chức phản động Fulrô”. Trong số 8 người bị xử, ông A Tách nhận mức án cao nhất là 11 năm tù giam. Trong khi Y Gyin được coi như là người sáng lập ra đạo “Hà Mòn”, chỉ nhận mức án nhẹ nhất là 3 năm tù giam. Các đối tượng còn lại nhận các mức án từ 7 – 10 năm tù giam.
Tưởng cũng nên biết, trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều người Thượng ở Tây Nguyên nổi lên phản đối chính quyền tịch thu đất đai của họ và phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo. Vụ đàn áp bắt bớ những người dân thiểu số theo đạo “Hà Môn” xảy ra hồi năm ngoái có gần 70 người bị bắt, cho tới nay số người còn lại ngoài 8 người bị đưa ra xét xử hôm nay không thấy đề cập tới. Các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng đã nhiều lần lên tiếng tố cáo và lên án nhà cầm quyền CSVN đàn áp tôn giáo đối với sắc dân thiểu số ở vùng cao này.
Việt Nam gia tăng kiểm duyệt truyền hình nước
Sau khi áp đặt các kênh truyền hình nước ngoài phát chậm 30 phút để có thể cắt bỏ những thông tin được coi là nhậy cảm, chính quyền Việt Nam giờ đây đi xa hơn trong việc kiểm duyệt : Các kênh truyền hình nước ngoài phải làm phụ đề tiếng Việt. Với phương cách độc đáo « rất Việt Nam» này, các đài truyền hình nước ngoài muốn làm ăn tại Việt Nam thì phải chi thêm tiền để bị kiểm duyệt.
Kể từ ngày 15/05/2013, quyết định số 20/2011 của Thủ tướng chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền bắt đầu có hiệu lực. Theo quy chế này, các kênh truyền hình nước ngoài phải xin phép biên tập, phải « chuẩn bị » trước các chương trình để phục vụ người xem tại Việt Nam : Đó là phải dịch và làm phụ đề tiếng Việt.
Tuần trước, khi Quyết định 20 bắt đầu có hiệu lực, kênh truyền hình vệ tinh tại Việt Nam là K+ đã tạm ngưng phát hàng chục kênh nước ngoài.
Nếu văn bản trên đây nhắm vào các kênh truyền hình nước ngoài, thì Việt Nam đứng ngang hàng với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên trong lĩnh vực kiểm duyệt các chương trình ngoại quốc.
Theo ông John Medeiros, thuộc CASBAA (Hiệp hội truyền hình cáp và vệ tinh châu Á), được AFP trích dẫn, thì « các kênh truyền hình lo ngại bởi vì quy chế này dường như buộc họ phải ký hợp đồng và trả tiền cho một ai đó để kiểm duyệt nội dung các chương trình của họ ». Cho đến nay, nhiều nước như Trung Quốc hay Singapore kiểm duyệt các chương trình truyền hình vì lý do chính trị hoặc đạo đức, trái với « thuần phong mỹ tục », nhưng chưa có một nước nào lại yêu cầu các kênh truyền hình phải hợp tác và đồng thời lại buộc họ phải chịu phí tổn cho việc kiểm duyệt.
Đại diện các kênh truyền hình nước ngoài cũng như giới ngoại giao làm việc tại Việt Nam tố cáo tình trạng « hỗn loạn » trong lĩnh vực này. Theo phát ngôn viên sứ quán Mỹ ở Việt Nam, Quyết định 20 có thể làm giảm mạnh mẽ sự năng động thương mại và việc phát chương trình của các kênh truyền hình nước ngoài tại Việt Nam.
Quyết định 20 được áp dụng trong bối cảnh chính quyền Việt Nam tìm mọi cách ngăn chặn, kiểm duyệt các blog có ý kiến trái ngược, đối mặt với làn sóng bất bình của người dân bị tước đoạt đất đai, nạn tham nhũng và kinh tế suy thoái. Hiện có ít nhất 38 người đang phải ngồi tù vì đã dám phê phán hoặc tỏ thái độ đối lập với chế độ.
Ảnh hưởng vụ cúp điện toàn miền Nam
Vụ cúp điện toàn miền Nam hôm 22 tháng 5 đã ảnh hưởng tới 8 triệu khách hàng, trong số này là gần 2 triệu người dân và doanh nghiệp tại Saigon chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc này. Tổng công ty điện lực Việt Nam tức EVN đã đổ thừa cho một ngọn cây chạm đường dây 500 kilowatt khiến 21 tỉnh miền Nam mất điện, nhưng nhiều người không tin vào việc này và cho rằng có điều gì khuất tất bị che dấu. Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực Saigon, có 6 triệu khách hàng trên 21 tỉnh thành và 1.8 triệu khách hàng tại Saigon cả doanh nghiệp và người dân bị cúp điện hoàn toàn trong ngày này.
Trưởng ban Quan hệ cộng đồng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay thiệt hại từ sự kiện vừa qua là rất lớn, EVN và các đơn vị thành viên đang thống kê. Theo các Luật sư tại Việt Nam, những khách hàng, doanh nghiệp thiệt hại nặng trong vụ mất điện ở 22 tỉnh sẽ được bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại thực tế, theo quy định của Luật Dân sự. Thế nhưng từ trước tới nay những vụ kiện như vậy thường chẳng đi đến đâu, chỉ có người dân là chịu thiệt thòi còn công ty điện lực của nhà nước thì vẫn làm ngơ trước thiệt hại của dân chúng.
Leave a Comment