Amnesty International tố cáo Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền

- Quảng Cáo -

Amnesty International tố cáo Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền
Trong bản tường trình tình hình nhân quyền thế giới năm 2012 công bố hôm Thứ Tư 22 tháng 5, 2013, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) lên án chế độ Hà Nội gia tăng đàn áp nhân quyền.
Trong phần nhận định riêng về Việt Nam, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (AXQT) tố cáo nhà quyền quyền CSVN đàn áp nặng tay hơn đối với những ai sử dụng quyền tự do phát biểu và tự do hội họp và lập hội mà chính bản Hiến Pháp của chế độ công nhận.
Tổng quát, AXQT ghi nhận trong năm 2012, có “ít nhất 25 người bất đồng chính kiến, gồm những người viết blog và sáng tác nhạc, đã bị kết án tù qua các phiên tòa không đủ tiêu chuẩn quốc tế về hình sự. Thành viên các tổ chức tôn giáo cũng như các nhóm sắc tộc thiểu số cũng là nạn nhân bị nhà cầm quyền vi phạm nhân quyền. Trong khi đó, ít nhất 86 người đã bị nhà cầm quyền kết án tử hình năm ngoái mà hiện nay đang có hơn 500 người chờ thi hành án”.
Theo bản tường trình nói trên, nhà cầm quyền Hà Nội giới hạn chặt chẽ hơn sự sử dụng internet ở trong nước. Các điều luật mơ hồ về “Xâm phạm an ninh quốc gia” nằm trong Bộ Luật Hình Sự có từ năm 1999 đến nay đã được sử dụng tràn lan để bỏ tù những ai bầy tỏ bất đồng chính kiến.
“Cho đến cuối năm 2012, hàng chục người vận động dân chủ, xã hội và tôn giáo một cách ôn hòa đã bị bắt giam hay bỏ tù. Trong số đó có nữ sinh viên 21 tuổi Nguyễn Phương Uyên” rải truyền đơn chống Trung quốc bá quyền bành trướng (mà cô mới bị kết án 6 năm tù ngày 15/5/2013 vừa qua).
Theo AXQT hiện ít nhất còn 27 tù nhân lương tâm đang bị nhà cầm quyền CSVN cầm tù.
AXQT tế nói khi người ta bị bắt nhà cầm quyền bắt, thân nhân của họ không được thăm gặp và bị giam giữ suốt một thời gian dài nhiều khi hơn một năm, quá cả thời hạn luật lệ của chế độ quy định. Nhiều người còn bị đánh đập, tra tấn. Các phiên xử thì không tuân theo các quy định hình sự tố tụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và phải giải định là người ta vô tội cho tới khi bị kết án. Quyền của luật sư biện hộ không được tôn trọng và cũng không có nhân chứng. Thân nhân thì bị Công an, cán bộ địa phương sách nhiễu, khủng bố, ngăn cản đến dự khán phiên tòa.
Bản tường trình của AXQT đề cập một số trường hợp đàn áp tôn giáo tiêu biểu như bắt giam 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành (mới bị xử phúc thẩm ngày 23/5/2013).
Bản tường trình tình hình nhân quyền Việt Nam của AXQT công bố chỉ 3 ngày sau khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố bản tường trình hàng năm nói tình hình nhân quyền ở Việt Nam xấu đi.

Phóng viên Không biên giới yêu cầu Việt Nam trả tự do cho các Thanh Niên Công Giáo và Tin Lành
Trong thông cáo đề ngày 23/03 tổ chức Phóng viên Không biên giới có tiếp tục đòi hỏi chính quyền Việt Nam trả tự do cho các blogger Công giáo. Tổ chức này nhận định là bản án phúc thẩm vẫn rất nặng nề, trong khi không có ai trong số blogger trên tiến hành hoạt động lật đổ chính quyền theo như cáo trạng.
Hồi tháng Giêng, mười ba thanh niên Công giáo và Tin Lành đã bị tòa sơ thẩm ở Nghệ An kết án từ 3 đến 13 năm tù về tội « mưu toan lật đổ chính quyền ». Tám người trong số này đã kháng cáo, và trong phiên phúc thẩm hôm 23/05/2013, có bốn người đã được giảm án.
Phóng viên Không biên giới nhận xét, cũng như phiên sơ thẩm, phiên tòa lần này diễn ra trong tình trạng căng thẳng. Trước đó một hôm, công an đã yêu cầu các chủ xe từ chối đưa thân nhân các bị cáo đến tòa, xe buýt của các công ty nhà nước cũng ngưng lộ trình thường lệ. Xung quanh khuôn viên tòa án càng căng thẳng khi 2.000 công an trộn lẫn vào 500 giáo dân đến ủng hộ các blogger, điện thoại bị làm nhiễu sóng.
Phóng viên Không biên giới bác bỏ tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” Hà Nội dành cho các hoạt động thực thi nhân quyền bao gồm quyền tự do ngôn luận của nhóm các nhà hoạt động trẻ.
RSF tố cáo tất cả những cáo buộc Hà Nội dùng để tống các blogger này vào tù hoàn toàn là xảo trá và khẳng định sẽ tiếp tục kêu gọi phóng thích cho họ.
Bên cạnh đó, các blogger Bùi Thị Minh Hằng và Lã Việt Dũng đến dự phiên tòa đã bị bắt, cư dân mạng Từ Anh Tú, người đấu tranh chống cưỡng chế đất Trần Thị Nga bị đánh đập. RSF cũng nhắc lại trường hợp hai thanh niên yêu nước Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên mới đây đã bị tòa án Long An kết án 8 và 6 năm tù cộng thêm 3 năm quản chế. Theo cáo trạng, thì hai thanh niên trên có quan hệ với nhóm « Thanh niên yêu nước », một nhóm bị chính quyền cho là « phản động ».
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở tại Mỹ nói các bản án phúc thẩm của 8 nhà hoạt động Công giáo cho thấy “chẳng có thay đổi gì đáng kể trong kế hoạch của Hà Nội đàn áp các quyền tự do chính trị của công dân”.
Luật sư Asep Komarudin từ Indonesia đại diện cho tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Media Legal Defense Initiative là một trong hai quan sát viên quốc tế tìm cách tham dự phiên tòa hôm 23/5 nhưng đã bị công an Việt Nam xua đuổi, nhận định :
“Tôi nhận thấy ở Việt Nam không hề có tự do tụ tập hay lập hội, không có tự do ngôn luận, tự do thông tin hay tự do báo chí gì cả trong khi chính phủ Việt Nam từ lâu đã ký kết tôn trọng các quyền này trong các công ước quốc tế. Rõ thật buồn cười vì không thực hiện mà vẫn ký.”

Tàu cá Việt bị tàu cảnh sát biểnTrung quốc đâm tơi tả
Tàu cá QNg 90917 TS hành trình từ Hoàng Sa về Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc quyết liệt cản đường và suýt bị đâm chìm trên biển.
Tối 21/5, con tàu cùng 15 ngư dân cập bến Sa Cần (Bình Sơn, Quảng Ngãi) với nhiều vết thương trên thân tàu, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Theo thuyền trưởng tàu là ông Trần Văn Trung (ở xã Bình Thạnh, Bình Sơn) kể lại thì vào chiều 20/5, sau chuyến đánh bắt ở Hoàng Sa trở vào đất liền. Tại tọa độ 15 độ 21 phút bắc, 111 độ 28 phút đông, cách vùng biển Quảng Ngãi khoảng 130 hải lý thì gặp đoàn tàu ghi chữ China gồm 16 chiếc đi thành hai tốp. Mỗi chiếc đi cách nhau khoảng 3 hải lý. Đoàn tàu này hướng mũi sang tàu của ông và bắt đầu cản đường. Chiếc tàu sắt đầu tiên sơn màu trắng, mũi tàu mang số 32001 có in hình mỏ neo trên thân tàu màu trắng bạc và có chữ “China”. Trên tàu có người mặc áo quần giống cảnh sát biển Trung Quốc, mang dây đeo màu đen, không đội mũ. Tàu được trang bị súng ống đầy đủ. Thủy thủ trên tàu ra hiệu cho tàu Quảng Ngãi phải hành trình về phía nam, không được về Quảng Ngãi. Thuyền trưởng Trung hướng tàu đi xiên về phía nam. Tuy nhiên, những chiếc tàu trên vẫn tiếp tục đeo bám.
17h 30 phút, trời bắt đầu sập tối. Chiếc tàu sắt sơn màu cam mang số 264 bắt đầu tách ra và đâm thẳng vào đuôi tàu ngư dân Quảng Ngãi. Ngư dân dưới khoang bắt đầu hò hét và kiếm áo phao. Chiếc tàu này tiếp tục tấn công quyết liệt bằng cách lao thẳng vào hông tàu Quảng Ngãi. Những người điều khiển tàu này mặc quần áo dân sự. Thuyền trưởng Trung bình tĩnh quay bánh lái cho con tàu lắc tròn né những cú đâm hiểm. Con tàu sắt công suất lớn nhanh chóng trở đầu và tiếp tục lao vào hông tàu ngư dân. Chiếc tàu có thành tàu cao ngang tầng thượng tàu cá, nên mỗi cú đâm trượt, lan can tàu này lại quét giàn đèn pha tàu ngư dân vỡ toác.
Thấy chưa làm gì được tàu ngư dân, con tàu này quay lại tấn công cú chót bằng cách đâm thẳng vào mũi tàu gỗ. Tất cả ngư dân trên tàu hoảng loạn khi chiếc tàu nghiêng hẳn một bên, nước tràn vào khoang tàu. Biết chúng quyết dìm 15 ngư dân Việt Nam, thuyền trưởng Trung vừa kéo hết ga cho tàu tháo chạy vừa hò hét vào máy Icom gọi về tổng đài Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam để báo cáo tình hình.
Có lẽ biết trước có báo cáo tình hình hoặc kêu cứu thì cũng chẳng được phía VN can thiệp dù nhà nước CSVN cũng có cảnh sát biển và luật biển, nên tàu cá VN phải tự cứu lấy mình bằng cách cố vùng vẫy chạy thoát được lúc nào hay lúc đó.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here