Thái Hà, nơi mà sự cướp chiếm vẫn tồn tại như một sự nhức nhối, một bằng chứng cướp chiếm ngang nhiên chà đạp pháp luật và lương tâm làm người. Ở đó, nhà cầm quyền thể hiện sức mạnh của mình, ngoài súng đạn, còn là sự chây ì và lý sự cùn thường dùng của những kẻ đi cướp bóc dựa vào bạo lực, dao búa.
Tu viện Thái Hà, được xây dựng từ năm 1928, trước khi có cái chính quyền này, bỗng dưng được “mượn” rồi chây ì không trả, nhằm mục đích để lâu cứt trâu hóa bùn phục vụ mục đích cướp trắng. Chắc chắn sẽ không có ai, không có tổ chức nào, nhà nước nào được coi là chính danh, chính nghĩa mà dựa vào sự cướp bóc, chấn lột. Ở đây, một nhà nước được coi là “của dân, do dân, vì dân”, là “Chánh nghĩa sáng ngời” – Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước – lại thực hiện hành động đó thì họ là gì?
Trong cuộc sống, người ta sợ nhất, ghét nhất và khinh bỉ nhất là những kẻ đã lấy oán trả ân. Những kẻ phản bội, phản lại lòng cảm thương, sự chia sẻ giúp đỡ của người khác là sự vong ân, bội nghĩa không ai có thể chấp nhận. Ở đây, khi nhà nước khó khăn, đến dùng sức mạnh buộc phải cho mượn. Thế rồi, từ mượn, chuyển sang… cướp.
Có thể nói như vậy mà không sợ quá lời, bởi cho đến nay, sau hàng chục năm (kể từ 1996) nhà cầm quyền Hà Nội dù đã nhận biết bao đơn từ, khiếu nại của giáo dân, tu sĩ, linh mục Thái Hà chỉ đơn giản một yêu cầu: Làm rõ sự thật, đấy là tài sản của Nhà thờ, tại sao bị chiếm, cướp. Dù bằng bất cứ văn bản nào của mọi thời kỳ đã qua mà chứng minh được tính hợp pháp, hợp hiến khi tài sản của họ bỗng dưng biến thành của… nhà nước? Thế nhưng, không và chưa bao giờ nhà cầm quyền có thể giải thích được. Duy nhất họ giải thích bằng công an, côn đồ, hơi cay, dùi cui và những trò bẩn thỉu.
Gần đây, ngay trong quá trình giáo dân khiếu nại liên tục, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn bất chấp, bỏ qua mọi đơn từ, tiếng nói của người dân để đập phá, làm biến dạng, phi tang một cơ sở tôn giáo. Đây là việc làm trái pháp luật, chưa cần nói đến đạo đức, lương tâm.
Giáo dân Thái Hà cũng như giáo dân Hà Nội và toàn thể Giáo hội Công giáo nói chung, đã qua những giai đoạn gian khó. Những giai đoạn họ như chiên giữa bầy sói, bằng mọi cách nhe nanh, giơ vuốt cắn xé và đe dọa. Nhưng, họ đã trưởng thành.
Từ chỗ sợ hãi, kinh khiếp bạo lực, nhà cầm quyền đã đẩy họ đến bước vượt thắng nỗi sợ hãi truyền kiếp và đứng lên đòi quyền làm người, đòi quyền lợi của mình theo đúng pháp luật mà nhà nước đã ban hành. Những phản ứng của giáo dân Thái Hà, đã là mẫu gương cho sự dũng cảm, đấu tranh với cái ác, cái xấu, với những điều không thể chấp nhận được trong xã hội văn minh. Họ đứng lên bằng sự hiểu biết, sự đoàn kết nhất trí của mọi người và đã buộc nhà cầm quyền thoái lui những dự án ở khu đất vàng này.
Trong điều kiện đất nước đang ngày đêm bị giày xéo dưới gót giày xâm lăng của bọn bành trướng, người dân yêu nước bị đàn áp, đe dọa. Ngoài biển khơi, bọn giặc ngang nhiên bắt bớ, bắn giết, cướp bóc như ao nhà của chúng, thì nhà nước án binh bất động, họ coi lãnh thổ đất nước, tính mạng người dân như là của Trung Cộng mà không có những biện pháp cần thiết để bảo vệ. Những hành động đó, càng thể hiện sự hèn hạ, nhu nhược và những lời nói, thái độ bán nước của quan chức đã gây nên sự bất mãn, khinh bỉ của người dân.
Thì ngược lại, từ hơn tháng nay, nhà cầm quyền Hà Nội cho ngang nhiên đập phá tài sản của Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội. Họ ngang nhiên như chính của nhà mình, bất chấp lòng dân oán hận, lòng người căm hờn.
Họ đang cố đổ nốt chút dầu cuối cùng vào ngọn lửa căm uất của người dân. Và người dân Thái Hà đã bắt đầu lên tiếng.
Tối thứ 6 Tuần Thánh, hàng ngàn ngọn nến đã rước Thánh Giá, suy tôn Thánh giá qua Linh địa và vòng quanh Tu viện đang bị đập phá.
Kinh Hòa bình đã cất lên, lòng dân lại bừng cháy ngọn lửa cho Công lý – Sự thật.
Và ngọn lửa đó, sẽ không thể có thế lực nào dập tắt. Nhà cầm quyền đang tự đốt chân mình.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Leave a Comment