Không biết do đâu, ngay từ lúc nhỏ tôi đã tin rằng thế giới chúng ta đang sống luôn có mặt của những “thiên thần” và “ác quỷ”. Sau này, khi đọc lịch sử về những vụ thảm sát kinh hoàng tại các quốc gia cộng sản, tôi mới thấy rõ cái thế giới của ác quỷ ra sao! Cái thế giới ấy, cái quá khứ nhuộm đầy máu và nước mắt của người dân Campuchia lại vừa bị khuấy động lên sau cái chết của cựu ngoại trưởng Ieng Sary vào ngày 14 tháng ba vừa qua. Sự qua đời của Ieng Sary được mô tả là một điều đáng tiếc cho sự trì hoãn của công lý. Công lý đã không được soi sáng và hoàn tất khi kẻ giết người và các nạn nhân của ông ta còn sống.
Ieng Sary là một trong những thủ lĩnh cao cấp của chính quyền Pol Pot. Chỉ trong vòng 4 năm cầm quyền, chính quyền Pol Pot đã giết chết 1,7 triệu người dân, bằng ¼ dân số Campuchia thời đó. Họ đã biến thủ đô đất nước này trở thành một hoang mạc đẫm máu người. Nhiều người Campuchia vẫn tin rằng các linh hồn nạn nhân Khmer Đỏ vẫn còn lảng vảng trong thành phố cho tới khi nào những thủ lĩnh của chế độ diệt chủng này bị trừng phạt.
Ieng Sary sinh ngày 24/10/1925 tại tỉnh Trà Vinh, miền Nam Việt Nam. Cha là một người Campuchia và mẹ là người Trung Quốc. Ieng Sary du học tại Pháp và trở thành một thành viên của Đảng Cộng sản Pháp năm 1951; trở về Phnom Penh năm 1957 và gia nhập đảng Cộng Sản Campuchia. Khi giữ chức ngoại trưởng, Ieng Sary đã thuyết phục nhiều trí thức Campuchia trở về từ ngoại quốc để xây dựng chính phủ cách mạng. Sau đó ông đã gởi họ thẳng tới những trại tù cải tạo, và thẳng tay hành quyết những kẻ nào có ý chống đối.
Chính quyền Pol Pot chủ trương nhào nặn xã hội Campuchia theo một trật tự mới. Vận dụng một cách triệt để và máy móc tư tưởng Mao Trạch Đông, họ xây dựng xã hội theo đường lối “công xã nhân dân” ở Trung Quốc. Để thanh lọc và đưa xã hội vào “cái trật tự mới” đó, bộ máy Pol Pot đã tàn sát chính đồng bào mình, các nhà khoa học và trí thức… Quân đội của họ chủ yếu là những thanh niên tuổi từ 12 đến 17, theo nguyên tắc “càng trẻ càng trong sạch”. Khmer Đỏ đã biến thủ đô Phnom Penh thành hoang tàn và hỗn loạn với hình ảnh những người dân hoảng sợ chạy tứ tung, những đứa trẻ đói lả, những cái đầu bị chặt bêu trên sào gỗ, và thi thể người chết nằm la liệt ở khắp mọi nơi.
Có người cho rằng Ieng Sary đã “thoát” được phiên tòa khi qua đời đang lúc bị xử. Nhưng thật ra tòa án lương tâm mới là một phiên toà đáng sợ nhất đối với con người. Phiên toà này thường bắt đầu vào lúc tuổi già, hoặc ngay cả khi còn trẻ khi có một biến cố hay nhận thức nào đó làm lương tâm họ thức tỉnh, và nó có thể kéo dài suốt ngày đêm trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. Gần đây, trong rất nhiều thước phim tài liệu của các ký giả độc lập, các cựu hung thần Khmer Đỏ đã bộc bạch về sự ám ảnh ghê rợn liên tục này. Hình ảnh từng khuôn mặt đẫm máu của các nạn nhân vẫn hiện ra MỖI GIÂY PHÚT khi họ chợp mắt. Họ đã thố lộ rất thành thật vì hình dạng của họ đã được che mờ để khỏi bị nhận dạng và họ cũng không bị ép buộc phải khai báo tên tuổi của chính họ hay của các cán bộ khác.
Ở những ngày tháng cuối đời, trước toà án lương tâm, không một ai có thể đổ tội cho lệnh trên được nữa. Những kẻ giết người sẽ phải trả lời cho bàn tay thấm máu của chính mình. Và câu hỏi thấm thía mà hàng đêm họ phải tự trả lời là: Cái giá sinh mạng và đau khổ của chừng ấy người có đáng cho mớ danh giá, ghế cai trị, và tài sản cho một người không? Khi nhắm mắt xuôi tay, bước sang thế giới bên kia họ còn mang theo được gì ngoài những vết máu trên tay? Và cái gì đang chờ đợi họ bên kia lằn ranh thế giới?
Lê Đức Thọ, kẻ được xem là hung thần một thời của đảng CSVN trong suốt ba thập niên từ 1960 – 1980. Khi còn sinh tiền, Thọ đã từng bắt giam các đồng chí của mình trong vụ án “xét lại chống đảng” và không cho xét xử, đến nỗi nhiều người đã chết trong oan ức và tủi nhục. Em trai của Lê Đức Thọ, Thượng tướng Đinh Đức Thiện đã từng nói với Thọ: “anh làm ác vừa vừa chứ không thì ít bữa nữa người ta đào mả của bố mình lên”. Sau khi mất, mộ của Lê Đức Thọ được chôn cất tại nghĩa trang hàng đầu là nghĩa trang Mai Dịch ở Hà Nội. Tuy nhiên, hàng ngày ngôi mộ của Thọ vẫn thường xuyên bị người ta đem phân đến ném, sau này gia đình phải bốc dỡ xương cốt của ông để đưa về quê an táng tại Nam Định!
Học thuyết cộng sản đã đem lại những vụ thảm sát kinh hoàng cho các quốc gia tuân thủ theo nó một cách máy móc như tại Liên Sô dưới thời Stalin, tại Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông và tại Campuchia dưới thời Khmer Đỏ.
Trong chiến dịch cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam, theo thống kê chính thức của nhà nước Việt Nam được đăng trong cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam (tập hai), thì đã có 172.008 người – bao gồm cả số người chết, bị thương tật và gia đình của họ – bị quy vào thành phần địa chủ và phú nông, trong đó có 123.266 người bị giết oan. Cuộc cải cách ruộng đất này, kèm theo những chiến dịch khủng bố, đã gieo rắc kinh hoàng trên khắp các miền nông thôn miền Bắc.
Chủ thuyết Cộng Sản còn nhào nặn nên những lãnh tụ, sẵn sàng vì mục tiêu chính trị mà tạo nên các chiến dịch khủng bố đại chúng như vụ thảm sát đồng bào Huế trong dịp tết Mậu Thân.
Những vụ giết hại, ám sát các nhà ái quốc và ngay cả các đồng chí của họ qua các vụ thanh trừng. Nhân danh chủ nghĩa, cái ác mặc nhiên lên ngôi và tha hồ hoành hành. Từ những tội ác của các quan lớn như Lê Khả Phiêu trên đất Miên; Đỗ Mười trong chiến dịch san bằng giai cấp tại miền Nam; Tố Hữu trong các chiến dịch truy diệt bỏ tù các gia đình văn nghệ sĩ; hay chiến dịch không biết từ đâu ra và không ai chịu trách nhiệm, như chỉ thị Z30, v.v… cho đến các cấp thừa hành như viên trung tá Nguyễn Văn Ninh, người đã đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng trong đồn công an phường Thanh Liệt.
Và cứ thế, cái ác vẫn còn tiếp tục được dung dưỡng và bao che! Sau hàng loạt những cái chết xảy ra tại các đồn công an, sau cái chết tức tưởi của ông Trịnh Xuân Tùng nay lại đến cái chết thảm thiết của nông dân Hoàng Văn Ngài trong đồn công an tỉnh Dak Nông ngày 17/3/2013. Đến nỗi một người dân bình thường như ông Nguyễn Đình Hà, dân oan Dương Nội khi bị bắt vào đồn công an đã nhịn đói và không dám ăn bất cứ một thứ gì công an đưa cho chỉ vì sợ bị đầu độc.
Lại nói về “thiên thần” và “ác quỷ”, có lúc tôi nhìn thấy cuộc đời trông giống như một trò chơi điện tử của trẻ con. Trò chơi thương mại được một anh kỹ sư nào đó xây dựng nên từ một câu chuyện cổ tích: thuở hoang sơ, khi thế giới loài người chưa xuất hiện thì đã có cuộc thánh chiến giữa các thiên thần và ác quỷ. Kịp đến khi loài người có mặt, cả thiên thần và ác quỷ đều muốn tranh giành loài người, chúng ra sức chiếm giữ linh hồn và niềm tin của từng người một để tăng thêm quyền lực và sức mạnh cho riêng mình. Bỗng dưng tôi lại nghĩ đến những khuôn mặt tươi trẻ và những việc làm tốt đẹp của Paulus Lê Sơn, Hồ Đức Hoà, Nguyễn Đặng Minh Mẫn và 14 thanh niên yêu nước. Họ tựa như những thiên thần trong cuộc đời này, và không hiểu sao tôi vẫn cứ xúc động hoài mỗi lần nghĩ đến câu nói của Paul Trần Minh Nhật trước phiên toà xét xử các anh: “Tôi chấp nhận tất cả những gì mà chế độ này đè nén, chấp nhận tất cả những hình phạt miễn sao công lý và sự thật được hiện diện tại đất nước Việt Nam này!”
Nếu ngày xưa hầu hết các lãnh tụ cộng sản đều lớn tiếng tuyên bố mình là vô thần và ra sức tàn phá các tôn giáo thì ngày nay, đặc biệt trong thời gian gần đây, người ta thấy đầy rẫy những Lê Khả Phiêu đặt tượng Phật trong nhà, đi xì sụp cúng lễ tại đủ loại các chùa chiền. Và trong lúc các lãnh tụ cộng sản ra sức làm đủ mọi loại nghi lễ tôn giáo theo hướng gấp rút hối lộ thần thánh cho bãi đáp đời sau của họ thì những con người hiện thân của sự tốt lành đang bắt đầu lộ diện.
Tôi nhớ đến câu danh ngôn đã được đọc ở đâu đó: “Chúng ta đều là thiên thần chỉ có một chiếc cánh, và ta phải ôm lấy lẫn nhau để học bay”. Cũng như Trần Minh Nhật, để công lý và sự thật được hiện diện, Nguyễn Đắc Kiên đang học bay cùng với những vòng tay nâng đỡ anh.
Tôi nghĩ đến hàng loạt những chữ ký trong Kiến nghị 72, Lời Tuyên Bố Công Dân Tự Do, Bản góp ý hiến pháp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam… tất cả đã cho tôi thấy rất rõ một điều – người dân Việt Nam đang góp mặt cho Sự Thật và Công Lý. Tôi đã nhìn thấy những thiên thần và nghe được nhịp tim đồng hành của họ.
Dân tôi đã quyết định không tiếp tục sống trong bóng tối. Họ đang vươn tay ôm lẫn nhau để giành lấy ánh sáng và biến quê hương trở thành một nơi đáng sống cho chính mình và các thế hệ tương lai. Tôi bâng khuâng nghĩ đến Ts Luật Cù Huy Hà Vũ. Nếu được nhắn với anh một lời, tôi xin được lập lại điều anh nói trước khi cánh cửa nhà giam đóng sập sau lưng anh:
“Tôi cũng tin rằng nhân dân VN sẽ phá án cho anh.”
Leave a Comment