Nhà cầm quyền CSVN tiếp tục trù dập các tù nhân trong trại giam
Thông tin từ những người thăm nuôi tù nhân và người tù hết án được trả tự do cho biết là tình hình của Đỗ Thị Minh Hạnh hiện nay rất đáng báo động. Hạnh bị đau yếu nhưng quản giáo trại vẫn bắt buộc phải ra hiện trường lao động, khi Hạnh báo là bệnh nhưng CA trại giam cho là Hạnh chống đối lao động và điều kiện là phải ký bản nhận tội rồi mới giải quyết được nghỉ bệnh.
Đỗ Thị Minh Hạnh nhất quyết không ký bản nhận tội, liền sau đó CA trại giam lệnh cho các tù nhân nữ tội hình sự vây đánh Hạnh với lý do Hạnh chống lao động làm cho cả đội bị CA quản giáo phạt phải ngồi phơi nắng ngoài sân.
Cách nay khoảng 1 tuần, Đỗ Thị Minh Hạnh đã bị chuyển trại Giam từ trại Z30D Bình Thuận về trại Z30A Long Khánh (phân trại 5). Huyện Xuân Lộc – Đồng Nai.
Từ ngày Hạnh bị chuyển đến trại Long Khánh đến nay đã bị đánh 2 lần. Đây là đòn trả thù rất đê tiện của nhà cầm quyền CSVN đối với những người tù lương tâm.
Qua thông tin này mong các kênh truyền thông trong và ngoài nước lên án trước hành động của kẻ bạo quyền đang hành hạ Đỗ Thị Minh Hạnh trong nhà tù.
Ngoài ra, hai nữ tù nhân lương tâm được nhiều người biết đến tại Việt Nam là bà Hồ thị Bích Khương và Tạ Phong Tần vừa được người nhà lên tiếng cho hay tình trạng đáng ngại của họ trong nhà tù.
Blogger Tạ Phong Tần, người chịu án 10 năm về tội tuyên truyền chống Nhà Nước cùng trong vụ án với blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và blogger Anhba Saigon, chỉ vì công khai lên tiếng về tình hình bất công, tham nhũng tại Việt Nam nay bị chuyển trại từ Xuân Lộc, Đồng Nai ra Thanh Hóa.
Còn bà Hồ thị Bích Khương, hiện đang bị giam tại Trại giam Thanh Chương, Nghệ An, và gia đình cho biết bà bị biệt giam hơn chục ngày qua. Lý do mà gia đình nhận định về việc biệt giam bà Hồ thị Bích Khương lâu nay luôn cương quyết không nhận tội, tiếp tục đấu tranh dù phải chịu tù tội. Dù bị đánh đập trong tù đến thương tích nhưng bà Hồ thị Bích Khương vẫn không nản chí. Bà kiên trì viết đơn tố cáo và tìm mọi cách để gửi ra bên ngoài.
Phiên Tòa Phúc Thẩm 14 Thanh Niên Công Giáo Và Tin Lành Tại Nghệ An
Tin từ các trang mạng thì phiên tòa phúc thẩm 14 Thanh Niên Công Giáo Và Tin Lành Tại Nghệ An sẽ diễn ra ngày 23 tháng 5 năm 2013 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội. Như vậy, sau nhiều lần trì hoãn, Tòa án tối cao VN lại một lần nữa thông báo về việc đem các TNCG & TL ra xét xử phúc thẩm.
Cũng cần nhắc lại về việc Tòa án Nghệ An đã kết án oan sai đối với 14 thanh niên yêu nước này. Trong đó phải kể đến 3 trong số 14 thanh niên này đã bị kết án phi pháp với 13 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với blogger Lê Văn Sơn, hai doanh nhân Công giáo là anh Hồ Đức Hòa và Đặng Xuận Diệu. Việc làm mờ ám của chính quyền VN không chỉ dừng lại ở việc bắt cóc và kết án phi pháp, vô căn cứ đối với 14 TNCG & TL tại phiên sơ thẩm mà nó chính quyền VN tiếp tục thực hiện tại phiên tòa phúc thẩm này. Việc Tòa án tối cao VN thông báo có 8/14 người kháng cáo là không đúng với sự thật. Trên thực tế, thay cho việc kháng cáo, thì anh Đặng Xuân Diệu đã viết đơn bác bỏ toàn bộ bản cáo trạng của Viên kiểm sát tối cao VN cũng như bản án sơ thẩm của Tòa án Nghệ An ngày 8-9/1/2013. Tuy nhiên, trước thái độ cương quyết của anh trong suốt vụ án cộng với dư luận trong nước và quốc tế, sự chia sẻ hiệp thông của cộng đoàn Giáo phận Vinh cũng như việc các đại sứ quán thông báo sẽ cử người đến tham dự phiên tòa phúc thẩm nên Tòa án tối cao VN đã tìm cách ngăn chặn sự hiện diện của anh Đặng Xuân Diệu tại phiên phúc thẩm này.
Ngoài ra, trong thời gian qua, phía Công an VN kết hợp với các cơ quan chức năng tại Nghệ An để hù dọa, xách nhiễu, ngăn chặn những người nhiệt thành đã biểu tỏ thái độ phản đối vụ án bất công tại khu vực hai tỉnh Nghệ An- Hà Tĩnh. Nhưng những cản trở đó đã không làm cho họ sợ hãi. Ngược lại, đã có hàng loạt các buổi thắp nến cầu nguyện hướng về 14 TNCG & TL đang bị kết án oan sai này.
Tàu hậu cần của Trung Quốc đến Trường Sa, thuê ngư dân Việt đánh bắt cá
Tin từ trang mạng Hải Nam của Trung Quốc, thì vào chiều ngày 14/05, tàu cung cấp hậu cần F8138 của Trung Quốc đã đến địa điểm đánh bắt cá tại khu vực phía tây quần đảo Trường Sa, thuộc chủa quyền của Việt Nam. Đây là một trong đội tàu 32 chiếc mà Bắc Kinh gửi ra biển Đông trong tuần qua.
Được biết, tàu này mang theo 12 tàu đánh cá nhỏ, và đã có 7 tàu vào đánh bắt cá. Trước tuyên bố gửi đội tàu 32 chiếc của Trung Quốc ra Trường Sa, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam chẳng biết làm gì hơn là lại một lần nữa lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đây và nói mọi hành động của các bên ở khu vực biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982. Về phía Phi Luật Tân, quốc gia này cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động của những chiếc tàu cá Trung Quốc trong vùng nước mà Phi Luật Tân cũng đòi chủ quyền.
Báo chí Việt Nam cũng đăng tin hiện có khoảng 162 ngư dân Thanh Hóa đang làm thuê trái phép cho các tàu cá của ngư dân Trung Quốc. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương phải ngăn chặn việc ngư dân tham gia lao động đánh bắt hải sản bất hợp pháp cho các chủ tàu cá Trung Quốc, và đe dọa sẽ xử nghiêm các tổ chức, và cá nhân môi giới đưa ngư dân đi làm thuê trái phép trên các tàu cá Trung Quốc.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng Ngư dân Thanh Hóa cũng phải chịu những tổn thất về người và tài sản khi đánh bắt cá tại vịnh Bắc Bộ trước kia. Hồi năm 2005, cảnh sát biển Trung Quốc đã nổ súng vào hai tàu cá của tỉnh Thanh Hóa đang đánh bắt tại vịnh Bắc Bộ thuộc chủ quyền của Việt Nam, làm 9 ngư dân thiệt mạng và 7 người khác bị thương, bắt giữ 8 ngư dân khác. Sự việc đã dấy lên làn sóng căm phẫn của người dân Việt Nam với các hành động trên biển của Trung Quốc. Thế nhưng nay Trung Quốc đang đưa ra một chiêu thức mới là thuê ngư dân Việt Nam làm việc trên các tàu cá của họ, để chính thức hóa việc khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam mà chỉ phải trả những chi phí rất nhỏ cho những lao động này.
Leave a Comment