Kính thưa quý thính giả, để thay thế bài Bình Luận thường lệ, chúng tôi xin gừi đến quý vị bài phản bác những lập luận của nhà cầm quyền Việt Nam về việc bắt giữ 17 nhà hoạt động chính trị và xã hội VN của giáo sư Allen Weiner, Giám Đốc Chương Trình Luật Quốc Tế và Đối Chiếu, Đại Học Luật Stanford, Hoa Kỳ.
Đại Học Luật Stanford (www.law.stanford.edu) là một trong những thể chế hàng đầu của Hoa Kỳ về học vấn và nghiên cứu về luật pháp. Các sinh viên tốt nghiệp trở thành một trong những nhóm có tầm ảnh hưởng trong ngành lập pháp, chính trị, kinh doanh, và công nghệ cao. Các giáo sư của trường ra tranh luận trước Tòa Án Tối Cao Pháp Viện, điều trần trước Quốc Hội, soạn những bài viết phân tích và nghiên cứu, và đóng góp thường xuyên cho giới báo chí trong vai trò chuyên gia về luật pháp và chính sách. Đại Học Luật Stanford thiết lập một mô hình mới về giáo dục luật pháp để cung ứng một học vấn đa ngành chặt chẽ, kinh nghiệm liền tay, cái nhìn toàn cầu và trọng tâm vào phục vụ công chúng, khởi đầu cho một phong trào thay đổi.
Sau đây, chúng tôi kính mời quý vị cùng nghe phản bác của Giáo sư Luật Stanford.
*********
Thay mặt 17 nhà hoạt động xã hội và chính trị, Giáo sư Allen Weiner, Giám Đốc Chương Trình Luật Quốc Tế và Đối Chiếu, Đại Học Luật Stanford, đã gửi ra bài bình luận của ông để trả lời cho lời phúc đáp của chính quyền Việt Nam đối với đơn đệ nạp lên Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện (UNWGAD) hồi năm ngoái để đặt vấn đề về việc bắt giữ và giam cầm các nhà hoạt động nêu trên. Giáo sư Weiner, cố vấn tư pháp cho những người đệ đơn, bác bỏ lý lẽ bào chữa của chính quyền Việt Nam đã viện dẫn để giam cầm các nhà hoạt động và ông lập lại lời yêu cầu Việt Nam thả lập tức những người bị giam giữ để đền bù việc vi phạm nhân quyền bắt nguồn từ việc bắt giữ tùy tiện và giam cầm họ.
Vào tháng 7 năm 2012, ông Weiner đã đại diện cho ông Francis ĐẶNG Xuân Diệu và các đồng sự đệ nạp đơn thỉnh cầu lên Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện về việc họ bị bắt, bị xử và kết án bởi tòa án Việt Nam về những tội hình sự “có hành vi nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “phá hoại đoàn kết quốc gia”, và tham gia “tuyên truyền chống Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.” Theo ông Weiner, những người bị giam giữ đã phải hứng chịu đủ loại vi phạm nhân quyền, kể cả những vi phạm các quyền căn bản về ngôn luận, hội họp và lập hội, cũng như những quyền hạn nhằm có được phiên tòa xét xử công bằng. Họ đã bị chính quyền Việt Nam kết án tùy tiện trong những phiên tòa xét xử kín từ tháng Năm 2012 và tháng Giêng 2013.
Bản thỉnh cầu đệ nạp lên cho Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện là cơ quan trách nhiệm việc tra xét những vụ bắt giữ tùy tiện, nhấn mạnh rằng việc bắt giữ và giam cầm những người đệ đơn đã vi phạm quyền được hưởng tiến trình tố tụng đúng đắn và xét xử công bằng mà thế giới đã bảo đảm trong Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) và những văn bản luật pháp quốc tế khác. Vào tháng vừa rồi, chính quyền Việt Nam đã đệ trình bản phúc đáp cho đơn đệ nạp, mà trong đó chỉ lập lại rằng những người đệ đơn đã bị kết án vì vi phạm luật pháp Việt Nam.
Bình luận về bản phúc đáp của Hà Nội, ý kiến của ông Weiner là: “Lập luận của Việt Nam chỉ đơn thuần thừa nhận việc họ sử dụng các điều khoản của luật pháp như một công cụ tước đoạt các quyền hạn của những người đệ đơn, những quyền hạn mà Việt Nam đã cam kết bảo đảm cho người dân dưới công pháp quốc tế.”
Ông Weiner cho biết, “Việt Nam đã viện dẫn hàng loạt các điều khoản luật pháp mập mờ để nhắm tấn công chọn lọc một số công dân Việt Nam mà tội của họ chỉ là tham gia vào các hoạt động bất bạo động về chính trị và xã hội”. “Những người đệ đơn bị kết tội và bị tuyên án tù nhiều năm chỉ vì những bài viết trên blog, ký tên vào các thỉnh nguyện thư, tham gia các cuộc biểu tình bất bạo động liên quan đến nhiều vấn đề, từ việc cổ xúy cho dân chủ đa nguyên cho đến chống đối bất công xã hội. Một số khác bị kết tội chỉ vì là thành viên của một đảng chính trị đối lập, đấu tranh cho thay đổi chính trị ôn hòa tại Việt Nam. Nói ngắn gọn, họ thực thi những dạng chính đáng về việc biểu lộ chính trị ôn hòa được luật pháp quốc tế bảo vệ.”
Trong bản phúc đáp, chính quyền Việt Nam cáo buộc mười một người trong nhóm đệ đơn vì có dính đến một việc cụ thể: đó là “tham gia các khóa huấn luyện tại nước ngoài” do Việt Tân, một đảng chính trị cổ xúy cho dân chủ, tổ chức. Nhà chức trách Việt Nam đã không cung cấp được một lời giải thích nào cho hữu lý về việc, tại sao tham gia vào một khóa học bất bạo động là một tội hình sự đối với luật pháp Việt Nam hay luật pháp quốc tế.
Những người đệ đơn gồm có: Ông Đặng Xuân Diệu, Ông Hồ Đức Hòa, Ông Nguyễn Văn Oai, Ông Chu Mạnh Sơn, Ông Đậu Văn Dương, Ông Trần Hữu Đức, Ông Lê Văn Sơn, Ông Nông Hùng Anh, Ông Nguyễn Văn Duyệt, Ông Nguyễn Xuân Anh, Ông Hồ Văn Oanh, Ông Thái Văn Dung, Ông Trần Minh Nhật, Bà Tạ Phong Tần, Ông Trần Vũ Anh Bình, Ông Nguyễn Đình Chương, và Ông Hoàng Phong.
Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện hiện đang nhóm họp tại Geneva và có thể sẽ sớm đưa ra phán quyết về việc này . /.
****************
Thông tin phụ trội:
Xem bình luận ngày 25 tháng 4, 2013 về bản phúc đáp của Việt Nam cho đơn đệ nạp: Vietnam UNWGAD comments GOV reply w_annexes (25 APR 13).
Đơn đệ nạp nguyên thủy: UNWGAD Vietnam Petition (25 JUL 12).
Thông báo đầu tiên về bản đệ nạp tháng Bảy 2013 xem tại đây.
Bản cập nhập tháng Giêng 2013 xem tại đây.
Về ông Allen S. Weiner
Ông Allen S. Weiner là giáo sư dạy luật, giám đốc của Chương trình Luật Quốc Tế và Đối Chiếu của Đại Học Stanford và là đồng giám đốc của Trung Tâm về Xung Đột và Đàm Phán Quốc Tế của Đại Học Stanford. Ông là một học giả về luật quốc tế với kiến thức chuyên môn trong nhiều lãnh vực như luật an ninh quốc gia và quốc tế, luật chiến tranh, giải quyết xung đột quốc tế, và luật tội phạm quốc tế (kể cả công lý chuyển tiếp). Lãnh vực nghiên cứu của ông tập trung vào luật pháp quốc tế và đối sách cho mối đe dọa an ninh đương thời của khủng bố quốc tế và sự bành trướng của vũ khí sát hại hàng loạt. Ông còn khảo sát về mối liên hệ giữa luật pháp quốc tế và việc viện dẫn “quyền lực thời chiến” của Hoa Kỳ để đối phó với khủng bố.
Trong lãnh vực giải quyết xung đột quốc tế, công trình nghiên cứu đa ngành của ông phân tích những rào cản cho việc giải quyết xung đột bạo động chính trị. Công trình nghiên cứu của ông Weiner chứa đựng nhiều kinh nghiệm thâm sâu; ông hành nghề luật quốc tế cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hơn một thập niên, cố vấn cho các quan chức lập chính sách, đàm phán các hiệp ước quốc tế, và đại diện cho Hoa Kỳ trong các vụ thưa kiện trước Tòa Án Tội Phạm Quốc Tế cho quốc gia Nam Tư cũ, Tòa Án Công Lý Quốc Tế, và Tòa Đòi Tài Sản Iran-Hoa Kỳ. Trước khi giảng dạy tại Đại Học Luật Stanford năm 2003, ông là luật sư cho Sứ Quán Hoa Kỳ tại [tòa án quốc tế] The Hague và là cố vấn luật trong Văn Phòng Cố Vấn Luật Pháp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Ông từng là phụ tá cho Chánh Án John Steadman của Tòa Phúc Thẩm Washington DC.
Về Đại Học Luật Stanford
Đại Học Luật Stanford (www.law.stanford.edu) là một trong những thể chế hàng đầu của Hoa Kỳ về học vấn và nghiên cứu về luật pháp. Các sinh viên tốt nghiệp trở thành một trong những nhóm có tầm ảnh hưởng trong ngành lập pháp, chính trị, kinh doanh, và công nghệ cao. Các giáo sư của trường ra tranh luận trước Tòa Án Tối Cao Pháp Viện, điều trần trước Quốc Hội, soạn những bài viết phân tích và nghiên cứu, và đóng góp thường xuyên cho giới báo chí trong vai trò chuyên gia về luật pháp và chính sách. Đại Học Luật Stanford thiết lập một mô hình mới về giáo dục luật pháp để cung ứng một học vấn đa ngành chặt chẽ, kinh nghiệm liền tay, cái nhìn toàn cầu và trọng tâm vào phục vụ công chúng, khởi đầu cho một phong trào thay đổi.
Leave a Comment