Công an VN giữ trái phép người mặc áo “Hoàng Sa-Trương Sa_VN”
Theo tin từ Dòng Chúa Cứu Thế, thì Công an VN đã giữ trái phép người mặc áo “Hoàng Sa-Trường Sa-VN”.
Bản tin cho biết vào ngày 10/5 anh Châu Văn Thi (Blogger Yeu Nuoc Viet) đi xe ôm từ quận 7 qua bệnh viện Vạn Hạnh ở quận 10 để cắt chỉ vết thương ở chân. Đến địa bàn Phường 10 anh bị an ninh mặc thường phục theo dõi đã lâu yêu cầu công an giao thông chặn xe ôm của anh lại, và cưỡng chế về trụ sở công an Phường 10 Quận 10. Tại đây công an yêu cầu anh thay chiếc áo thun đang mặc vì phía trước có dòng chữ “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam” và phía sau “Tất cả vì toàn vẹn non sông đất nước Việt Nam“, nhưng anh Thi từ chối lời yêu cầu vô lý này. Những người dân trước khu vực trụ sở công an Phường 10 Quận 10 chứng kiến cũng phản đối. Sợ người dân nghe biết, công an đã đưa Thi lên lầu trên để tránh mặt…
Được biết đây là chiếc áo thun do blogger Paulo Thành Nguyễn bán tại cửa hàng No China Shop giá 70.000/cái. Không đủ lý lẽ, công an phải cho Thi ra về. Tuy nhiên hành vi chặn xe công dân và cưỡng chế về trụ sở công an phường để làm việc là một hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, vì không ai bị xâm phạm quyền tự do đi lại. Liệu những an ninh mặc thường phục gây ra vụ việc này có bị đưa ra xét xử đúng pháp luật hay không. Thực tế càng ngày càng xuất hiện nhiều “quần chúng tự phát” loại này quá !
Ngoài ra khoảng 6g tối cùng ngày, từ nhà thờ DCCT Sài Gòn (38 Kỳ Đồng), Nguyễn Hoàng Vi đi bộ ra đường thì gặp các chú an ninh đi trên 3 xe, họ đi theo Hoàng Vi như hình với bóng… tuy chưa hành động gì.
Ai đã dùng tiền thuế của dân để ra lệnh cho những người mặc thường phục này theo dõi và ra tay đàn áp người khác vô cớ ?
Dân chúng hoang mang vì gừng độc Trung quốc tuôn tràn vào Việt Nam
Việc trồng gừng và bảo quản bằng thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại ở Trung Quốc không những gây lo ngại cho người tiêu dùng các nước Tây Âu, mà cả đối người dân Trung Quốc cũng lo sợ khi biết tin. Nay thì người tiêu dùng tại Việt Nam cũng đang hoang mang vì mặt hàng này đã đang tràn ngập thị trường trong nước.
Sau những vụ bê bối về thực phẩm hư thối, mới đây lại mới phát hiện các chủ trại trồng gừng ở Duy Phường (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) đã dùng thuốc trừ sâu có độc tính cao Aldicarb, với lượng 120-300kg/cho 1ha trồng gừng (vượt 6 lần mức cho phép) nhằm chống sâu rầy và bảo quản củ gừng lâu hư.
Aldicarb là một trong những loại thuốc trừ sâu cực độc, có thể gây tổn thương hệ hô hấp, gây mờ mắt, đau đầu, nôn mửa và run rẩy ở người. Chỉ cần 50mg Aldicarb có thể giết một người có cân nặng 50kg.
Trước đây, tại Hoa Kỳ, cơ quan kiểm nghiệm hàng hóa đã phát hiện củ gừng nhập từ Trung quốc đã được ngâm tẩm trong hợp chất lưu huỳnh để giữ màu vàng tươi lâu. Người ta cũng phát hiện tỏi nhập từ Trung quốc khi đem ngâm giấm sẽ chuyển qua màu xanh, và nghi ngờ là được ngâm trong hợp chất của đồng để bảo quản tươi tốt lâu, trong khi tỏi trồng tại Mỹ hoặc nhập từ Mexico hay các nước Nam Mỹ đem ngâm giấm vẫn trắng tươi. Cả hai chất đồng và lưu huỳnh đều rất độc hại, nếu vào cơ thể con người rất dễ có nguy cơ gây bệnh ung thư.
Theo con số ước lượng chính thức mới đây ở khu vực Sài Gòn, các cơ quan hải quan cho biết chỉ riêng hàng về qua các cảng ước tính mỗi tháng có khoảng 250 tấn gừng Trung quốc được nhập vào. Tuy nhiên, con số thực tế theo tìm hiểu hôm 7-5-2013, một thương lái tại chợ đầu mối ở Hốc Môn đã khẳng định với báo chí hàng Trung Quốc về chợ phải 1-2 container mỗi lần họ mới chịu đưa hàng sang. Theo nhẩm tính của thương lái này, mỗi ngày phải có 10-20 tấn gừng Trung Quốc được rải đi các chợ đầu mối để phân phối ra thị trường.
Trong khi đó, giới chức nhà nước cũng lờ đi, thu hưỡng lợi bỏ mặc cho dân.
Ngày Nhân quyền Việt Nam 2013
Cách đây 19 năm, Quốc hội Mỹ đặt ra ngày 11 tháng 5 là Ngày Nhân quyền Việt Nam để nhấn mạnh đến sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ và khuyến khích những quyền tự do căn bản được quốc tế công nhận tại Việt Nam.
Để đánh dấu ngày này, một buổi lễ và một diễn đàn thảo luận được tổ chức ngày 9/5 tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, với sự tham dự của các thành viên Quốc hội, các lãnh tụ công đoàn, những tổ chức phi chính phủ và đại diện của cộng đồng Việt Nam trên toàn nước Mỹ. Ngày này đánh dấu một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong việc bênh vực nhân quyền tại Việt Nam.
Vào ngày 11 tháng 5 năm 1990, bác sĩ Nguyễn Đan Quế và những nhà tranh đấu khác công bố “Tuyên ngôn của Phong trào bất bạo động tranh đấu cho Nhân quyền tại Việt Nam.” Bản Tuyên ngôn kêu gọi tranh đấu ôn hòa chống lại những áp bức, và kêu gọi chính phủ tôn trọng những quyền căn bản của con người, chấp nhận hệ thống chính trị đa đảng, và cho phép bầu cử tự do và công bằng.
Mặc dù bản tuyên bố có tính cách ôn hòa và phần lớn chỉ có ý nghĩa biểu tượng, Bác sĩ Quế và những người đồng chí hướng bị bắt và bị buộc tội chống phá nhà nước.
Mỗi năm, chính phủ Hoa Kỳ có bản duyệt xét tình hình nhân quyền của từng quốc gia một trên thế giới, để đánh đi một thông điệp rõ ràng rằng tất cả các chính quyền phải có trách nhiệm bảo vệ các quyền phổ quát của con người.
Bản duyệt xét mới đây nhất về Việt Nam cho thấy chính phủ Việt Nam vẫn còn giới hạn chặt chẽ các quyền chính trị của người dân, đặt ra những biện pháp để giới hạn quyền tự do dân sự của người dân. Bên cạnh đó những chuyện lạm dụng, tham nhũng trong ngành tư pháp và cảnh sát tiếp tục là những vấn đề đáng kể.
Ngoài ra, tổ chức Ân Xá Quốc tế hôm 9 tháng năm cũng có thư ngỏ gửi đến ông bộ trưởng Công an Việt Nam, Trần Đại Quang, về việc bắt bớ và sử dụng bạo lực đối với những người tập trung tham gia thảo luận nhân quyền hồi ngày 5 tháng 5 vừa qua. Đại diện ký thư ngỏ gửi bộ trưởng công an Việt Nam là bà Isabelle Arradon, phó giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc tế.
Bức thư yêu cầu chính quyền Việt Nam phải tiến hành ngay một cuộc điều tra độc lập về những hành vi vi phạm nhân quyền trong hai ngày 5 và 6 tháng 5 vừa qua đối với một số người tham dự ngày dã ngoại nhân quyền hôm chủ nhật 5 tháng 5. Chính quyền Việt Nam phải công khai cam kết tôn trọng quyền tự do ngôn luận và hội họp một cách ôn hòa, bảo vệ công việc quan trọng mà những nhà hoạt động nhân quyền thực hiện.
Giáo sư Luật Stanford phản bác lập luận của Việ Nam về việc bắc giữ 17 Thanh niên Công giáo và Tin Lành
Bình luận về bản phúc đáp của Hà Nội, ý kiến của ông Weiner là: “Lập luận của Việt Nam chỉ đơn thuần thừa nhận việc họ sử dụng các điều khoản của luật pháp như một công cụ tước đoạt các quyền hạn của những người đệ đơn, những quyền hạn mà Việt Nam đã cam kết bảo đảm cho người dân dưới công pháp quốc tế.”
Ông Weiner cho biết, “Việt Nam đã viện dẫn hàng loạt các điều khoản luật pháp mập mờ để nhắm tấn công chọn lọc một số công dân Việt Nam mà tội của họ chỉ là tham gia vào các hoạt động bất bạo động về chính trị và xã hội”. “Những người đệ đơn bị kết tội và bị tuyên án tù dài nhiều năm chỉ vì những bài viết trên blog, ký tên vào các thỉnh nguyện thư, tham gia các cuộc biểu tình bất bạo động liên quan đến nhiều vấn đề, từ việc cổ xúy cho dân chủ đa nguyên cho đến chống đối bất công xã hội. Một số khác bị kết tội chỉ vì là thành viên của một đảng chính trị đối lập đấu tranh cho thay đổi chính trị ôn hòa tại Việt Nam. Nói ngắn gọn, họ thực thi những dạng chính đáng về việc biểu lộ chính trị ôn hòa được luật pháp quốc tế bảo vệ.”
Trong bản phúc đáp, chính quyền Việt Nam cáo buộc mười một người trong nhóm đệ đơn vì có dính đến một việc cụ thể: đó là “tham giữ các khóa huấn luyện tại nước ngoài” do Việt Tân, một đảng chính trị cổ xúy cho dân chủ, tổ chức. Nhà chức trách Việt Nam đã không cung cấp giải thích nào cho hữu lý tại sao tham gia vào một khóa học bất bạo động là một tội hình sự đối với luật pháp Việt Nam hay luật pháp quốc tế.
Những người đệ đơn gồm có: Ông Đặng Xuân Diệu, Ông Hồ Đức Hòa, Ông Nguyễn Văn Oai, Ông Chu Mạnh Sơn, Ông Đậu Văn Dương, Ông Trần Hữu Đức, Ông Lê Văn Sơn, Ông Nông Hùng Anh, Ông Nguyễn Văn Duyệt, Ông Nguyễn Xuân Anh, Ông Hồ Văn Oanh, Ông Thái Văn Dung, Ông Trần Minh Nhật, Bà Tạ Phong Tần, Ông Trần Vũ Anh Bình, Ông Nguyễn Đình Chương, và Ông Hoàng Phong.
UNWGAD hiện đang nhóm họp tại Geneva và có thể sẽ cho ra phán quyết về việc này.
Bản thỉnh cầu đệ nạp lên cho UNGWAD, là cơ quan trách nhiệm việc tra xét những vụ bắt giữ tùy tiện, nhấn mạnh rằng việc bắt giữ và giam cầm những người đệ đơn đã vi phạm quyền được hưởng tiến trình tố tụng đúng đắng và xét xử công bằng mà thế giới đã đảm bảo trong Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) và những văn bản luật pháp quốc tế khác.
Leave a Comment