Quảng Cáo

Phố Tàu xuất hiện ở Hà Tĩnh

Quảng Cáo

Phố Tàu xuất hiện ở Hà Tĩnh

Một khu “phố Tàu” vói hàng trăm quán cơm, nhà hàng, khách sạn, tiệm cắt tóc… mọc hai bên đường đều mang bảng hiệu viết bằng tiếng Trung Quốc xuất hiện tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trải dài dọc theo ba xã Kỳ Liên, Kỳ Long và Kỳ Thịnh một đoạn quốc lộ 1A khoảng 30 cây số.

Một cư dân xã Kỳ Liên, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, những bảng hiệu mang chữ Trung Quốc được treo lên theo yêu cầu của công nhân Trung Quốc đang làm việc trong vùng. Ông Hùng nói rằng, người Trung Quốc không chịu vào quán ăn, khách sạn “không có tiếng Trung.” Một số chủ nhà hàng, quán cơm… không chịu tiếp khách người Việt Nam, cố ý biến cơ sở thương mại của mình thành nơi “riêng biệt” dành cho người Trung Quốc.

theo báo Pháp Luật Sài Gòn, không ít công nhân Trung Quốc nhờ người Việt Nam đứng tên mua đất, mở quán ăn, nhà hàng, khách sạn. Một số người còn cưới vợ Việt Nam, kéo nhau về khu kinh tế Vũng Áng thuộc huyện Kỳ Anh mở cơ sở làm ăn. Có người còn khẳng định rằng tất cả những cửa tiệm mang bảng hiệu chỉ toàn tiếng Trung, mà không có một chữ Việt Nam nào, là cơ sở thương mại của người Trung Quốc.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Lộc Hằng, trưởng phòng Văn Hóa huyện Kỳ Anh, nhiều đoàn kiểm soát đã đến xem xét, buộc các chủ cơ sở nói trên thay đổi nội dung bảng hiệu, nói “cho phép viết chữ ngoại quốc nhưng phải nằm dưới và nhỏ hơn chữ Việt Nam.” Tuy nhiên, ông Hằng thú nhận rằng, mặc dù đã nhắc nhở, ép buộc… nhưng hầu như tất cả các chủ cơ sở thương mại treo bảng tiếng Trung đều “bình chân như vại.” Ông này hứa hẹn “sẽ tiếp tục kiểm tra để xử lý.”

Còn theo công an huyện Kỳ Anh, việc theo dõi hoạt động của người Trung Quốc tại khu kinh tế Vũng Áng là “hết sức khó khăn” vì họ chỉ sang Việt Nam ba tháng để du lịch, thực tế là làm việc tại đây. Ðại diện công an Kỳ Anh còn cho rằng “không dễ theo dõi việc đi lại của người Trung Quốc” vì họ sống rải rác, chen lẫn trong các khu dân cư Việt Nam.

 

CSVN nuôi 80 ngàn Tuyên Truyền Viên

Một hệ thống tuyên truyền được tổ chức bởi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam quy tụ đến 80.000 người, được đảng cộng sản coi là lực lượng đông đảo nhất của mặt trận tư tưởng hiện nay. Phúc trình được công bố tại hội nghị Tổng kết công tác tuyên truyền năm 2012 ở Hà Nội, nói mạng lưới cấp trung ương quy tụ 375 báo cáo viên làm nhiệm vụ tuyên truyền. Còn ở cấp tỉnh hai năm trước đây, số báo cáo viên làm nhiệm vụ tuyên truyền tăng gấp mười lần, tức gần 3.000 người. Tại 10.732 thị xã, số tuyên truyền viên này tăng lên đến trên 65.000 người. Tổng cộng cả hệ thống tuyên truyền nói tốt cho chế độ lên tới 80.000 người.

Cũng tại Hội nghị tổng kết nói trên, người ta còn tính đã tổ chức tổng cộng 146 cuộc họp báo cáo, chỉ riêng trong năm 2012 trung bình cứ hai ngày rưỡi thì có một cuộc hội nghị như thế. Theo dư luận, trong khi giới cán bộ, công chức nhà nước hưởng số lương tháng chỉ bằng một nửa mức sống căn bản thì hệ thống tuyên truyền ở một số vùng được hưởng số lương cao chỉ để khen hoặc chê theo ý đảng. Trong hội nghị này, Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương cho rằng phải duy trì lực lượng tuyên truyền này để canh chừng hoạt động tự diễn biến có thể làm sụp đổ đảng Cộng sản Việt Nam và sụp đổ chế độ. Đặc biệt trong những ngày qua, dư luận đòi nới rộng tự do báo chí cũng đã khiến đảng Cộng sản hoang mang. Có người lo sợ lực lượng báo chí sẽ là một sức mạnh làm cho chế độ Cộng sản Việt Nam tự sụp đổ.

 

 Nguy cơ phá rừng trong Hạ lưu vùng châu thổ sông Mekong

Theo một bản phúc trình của Quỹ Thiên nhiên Thế giới, thì hạ lưu vùng châu thổ sông Mekong ở Ðông nam châu Á sắp mất đi 1/3 các khu rừng thiên nhiên trong 2 thập niên sắp tới.

Bản phúc trình của Quỹ Thiên nhiên Thế giới, có tựa đề là “Các hệ sinh thái ở vùng Mekong mở rộng” nói trong thời gian từ 1973 đến 2009, các nước ở hạ nguồn sông Mekong đã đốn gần 1/3 rừng của họ để lấy gỗ và để khai quang cho nông nghiệp.

Miến Ðiện và Lào mất đi 24% vùng đất rừng. Kampuchea mất 22%, trong khi Thái Lan và Việt Nam đã khai quang chặt đi 43% cây rừng của họ.

 

Việt Nam phải nhập khẩu than từ Úc để đáp ứng nhu cầu năng lượng

Theo tờ báo Mỹ Wall Street Journal, số ra ngày hôm qua,07/05/2013, tập đoàn dầu khí PetroVietnam xác nhận đã ký một thỏa thuận khung với một tập đoàn Úc sản xuất than để mua ba triệu mét khối than đá mỗi năm.

Theo nguồn tin trên, công ty PV Power Coal, một đơn vị thuộc Petro Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với hãng Ensham Resources của Úc, nhằm cung cấp nhiên liệu cho hai nhà máy nhiệt điện lớn chạy bằng than đang được xây dựng ở miền Nam Việt Nam.

Hai nhà máy công suất 1.200 megawatt sẽ tiêu thụ khoảng 3,2 triệu tấn than mỗi năm và dự kiến ​​sẽ bắt đầu phát điện vào năm 2015 và năm 2016.

Nghịch lý của vấn đề này là trước đây Việt Nam từng là một quốc gia xuất khẩu than thuộc loại lớn. Đỉnh điểm là vào năm 2009,  Việt Nam đã xuất trên 25 triệu tấn. Tuy nhiên việc xuất khẩu than đá đã giảm mạnh kể từ lúc đó đến nay, và nguồn than trong nước ngày càng được giữ lại để sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện.

Nhu cầu năng lượng càng lúc càng tăng, trong lúc các kế hoạch của Việt Nam nhằm khai thác nguồn dự trữ khí đốt dồi dào ngoài khơi đã bị chậm trễ, hai yếu tố này buộc chính quyền phải tính đến chuyện nhập khẩu than đá.

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux