1. Mạng người rất quý:
Vợ em trai tôi vừa sinh em bé sau chín tháng mười ngày mang bầu nặng nhọc. Đó là một ngày “vĩ đại” của chú nó. Cả dòng họ hai bên đều rất mừng rỡ khi em bé ra đời. Ngoài nhân viên y tế của bệnh viện, nội ngoại, cô dì, chú bác hai bên đều xúm xít, lăng xăng lo cho em bé (và mẹ em bé nữa). Người thì lo tã lót, người thì nước nóng, người thì sữa…. Những người không đến bệnh viện được thì gọi điện chúc mừng hay rạo rực không ngủ được trông đến sáng đi thăm cháu. Nội cháu ở quê xa 400 km cũng bắt xe ra dù bà rất say xe. Thế mới biết một con người ra đời là niềm hân hoan của bao người. Từ một sinh linh bé nhỏ nằm gọn trên tay đến khi trưởng thành, chúng ta nhận không biết bao nhiêu tình thương, công nuôi dưỡng của bố mẹ, người thân. Đến bệnh viện chúng ta mới thấy nuôi một đứa con khôn lớn là cả một kỳ tích. Tại đây tôi gặp không biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ thức trắng đêm để chăm con ốm, con đau, đa số họ rất nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Về mặt sinh học, chúng ta biết rằng, chúng ta được sinh ra, hiện diện trong cuộc đời này là một kỳ tích, một xác xuất vô tiền khoán hậu, 1/hàng triệu tỷ. Sự sống tiến hóa hàng tỷ năm, từ những tổ chức sống đơn giản nhất rồi phức tạp dần lên đến con người qua hàng tỷ tỷ lần sinh sản, truyền giống. Một chút thay đổi nhỏ trong quá khứ đều dẫn đến không có mặt chúng ta trên cuộc đời này. Và bạn nên nhớ, chúng ta chỉ sống có một lần mà thôi. Chết là hết, chúng ta sẽ là cát bụi, mãi mãi là cát bụi, là một đi không trở lại. Cũng chính vì thế mà sự sống là quý giá nhất. Mạng người là trên hết là vì vậy.
2. Những hình ảnh đau lòng:
Ngày 17/8/2012, mưa bão làm cây xanh ngã đè chết tại chỗ một tài xế taxi; 16h ngày 13/7/2012 một em bé bị sa xuống cống không có nắp đậy, chết; chiều ngày 19/1/2010 một học sinh ngoan hiền bị điện giật chết, lại chiều ngày 1/4/2010 bé gái bị điện giật chết cạnh máy ATM,….Nếu bạn thường xuyên theo dõi tin tức trên mạng bạn sẽ thấy rất, rất nhiều hoàn cảnh chết đau lòng như vậy. Những cái chết mà chúng ta hoàn toàn có thể tránh được. Những cái chết mà phần lớn là do con người bất cẩn hay vô trách nhiệm. Những cái chết mà người chết không biết đến một cái quyền mà lẽ ra nó có thể cứu mình. Đó là “quyền được sống an toàn”.
3. Nhận thức về quyền được sống an toàn:
Chúng ta hãy cùng nhau đọc một đoạn của bài báo sau:
“Sống trong một thành phố văn minh, chúng ta thường thấy dọc đường những tấm bảng chữ lớn viết, thí dụ “Đang Đốn Cây” (Tiếng Anh giản dị hơn: Tree Work!) Con đường có thể không có nhà mở cửa ra vì các ngôi nhà đều quay mặt vào phía trong (để an toàn). Có thể mỗi ngày chỉ dăm ba người đi bộ trên vỉa hè, còn phần lớn dân cư chỉ dùng con đường này làm nơi lái xe qua. Nhưng người ta vẫn phải tôn trọng những người khách bộ hành đó, dù chỉ có một người cũng vẫn phải tôn trọng. Quyền đó là quyền gì? Quyền được sống an toàn. Nếu một cá nhân đi bộ hoặc lái xe qua rồi bị tai nạn vì không được báo trước, cá nhân đó có quyền đưa đơn kiện chính quyền thị xã. Vì bổn phận của những người cầm quyền là bảo vệ sinh mạng và sự sống an toàn của người dân. Đây là một thứ quyền của mỗi người và của tất cả mọi người.
Khi một chính quyền bị ràng buộc bởi “quyền làm người” như vậy, họ sẽ bắt buộc các công ty thầu đốn cây phải yết tấm bảng “Tree Work” với hàng chữ đủ lớn để ai lái xe nhanh đi qua cũng có thể trông thấy được. Chính quyền phải cẩn thận viết ngay trong bản hợp đồng đấu thầu điều kiện làm việc này. Và công ty thầu đốn cây thế nào cũng phải làm, nếu không họ sẽ bị gặp rắc rối lớn xem như vi phạm hợp đồng và bị trừ tiền. Những công ty thầu làm đường, sửa đường, thầu bắc ống cống hay ống nước trong thành phố, cũng đều bị ràng buộc như vậy. Tại sao các công chức buộc các công ty này ký trong hợp đồng phải bảo vệ an toàn cho dân chúng? Vì họ lo bị dân kiện, tại sao dân có quyền và dám kiện nhà nước? Vì trong cả xã hội người ta đã chấp nhận có những quyền mà mỗi cá nhân phải được hưởng, trong đó có quyền sống trong những môi trường an toàn và lành mạnh. Phát khởi từ tinh thần tôn trọng nhân quyền đó, với thói quen, các công chức còn buộc các công ty phải báo trước nhiều việc họ sắp làm để dân chúng chuẩn bị. Thí dụ, vào tháng Giêng người ta đã thấy bảng: “Chúng tôi sẽ sửa ống cống trên đường này, bắt đầu từ Tháng Sáu đến hết Tháng Chín”. Và còn thêm “Xin lỗi sẽ làm phiền quý vị”. Thử tưởng tượng có những thành phố tại các nước chưa văn minh, người dân đi xe đạp bị sa xuống hố, hư xe, gãy tay chân, chỉ vì công ty thầu sửa đường không quan tâm đến sự an toàn của người khác, và chính quyền cũng không có thói quen lo lắng chuyện đó. Dân bị nạn nhưng không biết kiện ai, vì cả xã hội coi nhà nước là cha mẹ, và không ai lại đi kiện cha hay mẹ mình bao giờ!” (Nguồn Nhật Báo Người Việt) Quyền được sống an toàn không chỉ là nhận thức của các nước văn minh mà nó còn được đưa vào tuyên ngôn quốc tế Nhân Quyền-UDHR-Điều 3: “Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể” và hiến pháp nước ta (HP 1992)-Điều 71: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm”.
Chúng ta hãy cùng nhau xác quyết một điều, đó là “được sống an toàn” là một quyền chứ không phải sự may rủi của số phận và nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cái quyền đó của công dân.
4. Đề xuất giải pháp:
Chúng ta hãy đọc bài báo này “Vụ cây đè chết người: Không ai có lỗi?”, để thấy rằng, gần như không có cơ hội nào cho anh Phạm Tuấn Anh được bảo đảm quyền được sống an toàn. Với một người dân nhỏ bé, đối diện với một hệ thống luật lệ đầy phức tạp, một chế độ qui định trách nhiệm đầy mông lung như vậy thì họ biết tốt nhất là tự an ủi mình là số phận nó thế. Tình trạng con kiến kiện củ khoai là thấy trước mắt. Nếu có đổ công sức ra đi thưa kiện đến thắng lợi thì số tiền bồi thường theo qui định của luật pháp cũng không đáng là bao. Lại rơi vào tình cảnh “được vạ thì má đã sưng”. Tình trạng này là phổ biến, cũng chính vì vậy mà VN là xứ sở của mạng người rất rẻ: tai nạn thương tích ở Việt Nam, mỗi năm cướp đi hơn 35 ngàn người, con số bị thương điều trị hay bị tàn phế còn lớn hơn nhiều. Một con số quả là khủng khiếp trong thời bình.
Để giải quyết vấn đề trên, chúng ta nên làm gì? Trước hết chúng ta hãy vận động để quyền được sống an toàn là một đòi hỏi chính đáng của công dân mà nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ nghiêm ngặt thông qua luật pháp. Trong mọi hoạt động kinh tế, mọi sản phẩm, mọi thiết kế đều phải chú ý đến và thỏa mãn quyền này. Luật qui định phải rõ ràng, áp dụng được ngay, chống tối đa tình trạng vin vào điều khoản loại trừ “bất khả kháng”. Ví dụ trong trường hợp cây xanh trên, qui định nếu 5 cây liền kề không cùng ngã đổ thì không thể cho là đó thiên tai bất khả kháng. Như thế thì sẽ đơn giản để qui lỗi vô trách nhiệm, cẩu thả.
Điều nữa là khoản tiền phạt phải đủ lớn đề người đi thưa kiện có động lực hay các công ty, các tổ hợp luật có động lực theo đuổi và cũng để người gây hậu quả phải sợ mà lo làm tốt việc. Tôi biết có một trường hợp kinh doanh cá viên chiên ở Mỹ, người chủ quán bất cẩn không lấy hết xương, làm thực khách bị hóc xương. Thực khách đi kiện và được chủ quán bồi thường 100.000 USD (trên 2 tỷ), với số tiền phạt như vậy hoàn toàn vị thực khách kia có thể dễ dàng ký ủy quyền cho một công ty luật sư đại diện cho mình đứng ra kiện với tỷ lệ ăn chia 50-50.
Tách quyền lực nhà nước ra khỏi phạm vi kinh doanh, trong trường hợp nhà nước nhúng tay vào kinh doanh, tạo ra sản phẩm mất an toàn thì vô cùng khó cho việc kiện tụng. Ta thấy một tỷ lệ rất lớn tai nạn giao thông gây ra do lỗi thiết kế, thi công đường nhưng không một ai có thể thắng kiện vì cơ quan thiết kế, thi công đều thuộc nhà nước. Làm sao nhà nước xử cho mình thua kiện rồi tự mình móc hầu bao ra bồi thường? Trong trường hợp trên, công ty cây xanh thuộc nhà nước, xét xử cũng do nhà nước thì rõ ràng con kiến kiện củ khoai.
Và cuối cùng, chúng ta phải làm cho toàn thể người dân ý thức và đòi hỏi cái quyền được sống an toàn. Muốn làm được việc này, chúng ta cần có nhóm vận động, chúng ta cần tìm đồng minh hưởng lợi trong vụ này. Đồng minh chúng ta có thể là các luật sư, các công ty luật. Một khi quyền này được ý thức thì sẽ tạo ra vô cùng nhiều vụ kiện tụng, và luật sư sẽ bận rộn để kiếm tiền và để làm cho cuộc sống ngày càng an toàn hơn. (Bạn nào đồng ý với ý tưởng này, vui lòng liên lạc với tôi để cùng nhau vận động cho quyền được sống an toàn. Sky: thanhmkd). 5. Kết luận: Năm mới, tôi viết bài này với mong muốn “toàn thể người VN ta sống khỏe mạnh, sống an toàn, không ai phải chết một cách tức tưởi. Như mục sư Martin Luther King đã nói “chúng ta dệt nhau trong một tấm vải của số phận”, trong tấm vải Việt Nam, mỗi một sợi chỉ bị mất đi đều làm cho tấm vải này không còn đẹp, không còn hoàn hảo nữa. Tiếng nói của công dân vang lên trong ta rằng “cái gì ảnh hưởng đến công dân là ảnh hưởng đến ta, cái gì công dân có quyền thì ta có quyền”. Là một công dân, chúng ta phải lên tiếng, phải đấu tranh cho “quyền được sống an toàn” vì chỉ có như vậy chúng ta, người thân chúng ta mới an toàn. Nếu chúng ta thờ ơ, từ chối quyền này thì nguy hiểm luôn rình rập chúng ta, bất cứ lúc nào chúng ta, người thân chúng ta cũng có thể là nạn nhân.
Bài viết này như lời chúc an lành đến mọi người trong dịp năm mới. Chúng ta cùng nhau cổ súy, bảo vệ “quyền được sống an toàn” thì sẽ không còn thảm cảnh mẹ khóc con, vợ chia tay chồng trong những tình huống bi thương mà hoàn toàn chúng ta có thể tránh được.
Năm mới, thay vì chúc nhau an lành, chúng ta hãy cùng nhau cổ xúy cho quyền được sống an toàn, mở ra một con đường để an lành thật sự tìm đến với chúng ta.
Leave a Comment