Trong thời gian qua mọi người đã biết và đọc bài Sự ngụy tạo có chủ đích được đăng trên báo Đại Đoàn Kết (09/3/2013) và sau đó là một email dưới tên Bần được gởi đến trang Boxit.net với mục đích bôi nhọ Kiến Nghị sửa đổi Hiến Pháp do 72 nhân sỉ chủ xướng (tạm gọi là Kiến Nghị 72).
Song song với Cáo Bạch của trang Bauxite Vietnam cũng như nhiều ý kiến trên mạng, tôi có vài suy nghĩ rút ra từ nguyên văn bài báo trên Đại Đoàn Kết như sau: Báo Đại Đoàn Kết: nhìn (…) những người nông dân đang cặm cụi làm việc trên đồng, nét mặt thanh thản, chúng tôi không thể hình dung được ai trong số họ đã ký tên vào bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, với những điều đi ngược lại nguyện vọng của đa số người dân Việt Nam. Nhìn những con người chân chất kia, không ai có thể nghĩ họ lại mang trong mình một tâm hồn bị tổn thương, uất ức, không thể là của những con người đang bị áp bức được. Chỉ có những con người thực sự được làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của chính mình mới có được nét mặt bình thản một cách tự nhiên như vậy. Câu này tóm gọn như sau: một người thanh thản hoặc cặm cụi thì không thể có những suy nghĩ “lề trái”. Ở đâu ra một kết luận võ đoán và vô căn cứ như thế? Phải chăng những người lên tiếng nói chỉ là những người nóng nẩy, vô công rỗi nghề ? Tôi chưa hề gặp một trong 72 nhân sĩ nhưng tôi nghĩ chắc họ cũng “thanh thản” như bao người nông dân Hà Tĩnh! Rồi trong 10.000 người ký tên vào Kiến Nghị 72 này cũng có biết bao người ngày ngày cặm cụi trên bàn giấy, ngoài đường phố vật lộn mưu sinh. Đó có thể là một thương gia ở Hà Nội hay là một người bán hàng ở Nanterre (Pháp). Chính vì phải phải cật lực để nuôi sống bản thân và gia đình, người ta mới trân trọng giá trị đồng tiền, không để cho những phường ăn trên ngồi trốc cướp đi thành quả lao động của họ, và cách bảo vệ căn cơ nhất là đất nước phải được điều hành trên những cơ sở tôn trọng các giá trị căn bản của Quyền Con Ngưòi.
Lời khẳng định của Báo Đại Đoàn Kết có thể hiểu ngắn gọn là: Đã chân chất thì không chống đối. Nhưng ta cũng có thể hiểu ngược: đã chống đối thì không chân chất, là hâm, là không bình thường. Vế xuôi đã chói tai thì vế ngược thì lại càng vô lý : thế nào là không chân chất? là không có bằng cấp, không có việc làm ? Không cần phải đi vào chi tiết chất lượng đào tạo và bằng cấp của VN (vì báo chí lề phải cũng đã chỉ trích quá đủ) nhưng điều cần thiết là Kiến Nghị 72 được dành cho mọi người, mọi tầng lớp, không phân biệt trình độ, tôn giáo… Nên mọi kết luận hồ đồ như trên chỉ chứng tỏ một điều là Báo Đại Đoàn Kết (cũng như những “chỉ đạo viên”) đã cạn lý luận để phản bác. Báo Đại Đoàn Kết: một nửa trong số những người “ký tên” kiến nghị sửa đổi Hiến pháp chỉ là những cái tên hết sức chung chung không có địa chỉ cụ thể: “Lê Quý Lộc, công dân Việt Nam, TP HCM”, “Hoàng Văn Trường, làm ruộng, Hà Tĩnh”, “Trần Văn Pháp, nông dân, Đồng Nai”… Ban Chủ Trương Kiến Nghị 72 (boxitvn.net) đã trả lời về việc này nên tôi không bàn thêm nhưng chỉ có một nhận định là trong các quyền (hay đúng hơn là bản năng) của con người có cái quyền rất chính đáng : quyền Sợ (đặc biệt là trong các nước độc tài). Còn cái gì đáng sợ (và chính đáng) bằng việc bị xách nhiễu, bị làm khó trong cuộc sống, bị đuổi việc (đuổi cá nhân mình và đuổi cả thân nhân). Hầu hết những người lên tiếng đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền ở VN đều lâm vào hoàn cảnh này. Tôi thậm chí còn nghĩ rằng trong những người ký vào Kiến Nghị 72 còn có nhiều người không ghi cả tên và địa chỉ thật. Nhưng có nên trách họ không khi cả cái xã hội này đang tê liệt vì sợ ? có trách thì phải trách những người đã và đang gieo rắc nỗi sợ hãi lên cả dân tộc. Báo Đại Đoàn Kết: Đó là chưa kể có những người nông dân bị mạo danh, nhưng vì họ quanh năm chân lấm tay bùn, chẳng có điều kiện chi trả phí internet, và nếu có, họ cũng chẳng bao giờ vào mạng vì kiến thức về công nghệ thông tin hạn hẹp, nên không biết tên mình đã bị mạo danh trên mạng internet. Cũng có những người thông thạo về internet, thì lại có hiểu biết rất hạn chế về Hiến pháp và pháp luật, họ còn không nắm được các điều, các chương của Hiến pháp thì làm sao có thể “góp ý” bằng cách ký tên vào bản kiến nghị trên các trang mạng được.
Tôi quả ngỡ ngàng vì cái lý luận ngớ ngẩn và khinh người này! Một người không biết sử dụng máy tính cũng có quyền có suy nghĩ về thời sự chứ tại sao không! Rồi có gì sai khi những người ấy đi nhờ người khác lên tiếng hộ cho mình ? Có gì sai, có gì ngụy tạo khi một người đi thu thập chữ ký nhiều người khác rồi gởi đi một lúc? Hãy thử xem trong tất cả những kỳ bầu cử ở VN từ trước đến nay: một thực tế là một người đi bỏ phiếu với hàng chục Chứng minh Nhân Dân của thân nhân là chuyện rất bình thường (Thực ra chuyện này làm cuộc bầu cử thiếu nghiêm túc và chẳng nơi đâu chấp nhận kiểu bầu bán này) Nếu Đại Đoàn Kết tố cáo Kiến Nghị 72 là “mạo danh” thì chúng ta gọi các cuộc bầu cử ở VN là gì? Cá nhân tôi, khi thấy nhiều người ở cùng địa phương ký cùng một lúc tôi nghĩ ngay rằng họ đã đồng loạt hoặc nhờ một người đại diện gởi cho trang Bauxite Vietnam và tôi cũng đã mường tượng ra những phản bác của cả hệ thống thông tin tuyên truyền, có điều tôi đoán sai là những tấn công ấy lại xuất phát từ báo Đại Đoàn Kết. Nhân nói về sự “mạo danh và ngụy tạo” tôi sực nhớ đến cuộc thi “Tìm hiểu về nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam”. Cuộc thi này được tổ chức vào tháng 8/2005, Ban Tổ Chức công bố đã nhận được 11.576.000 bài dự thi, trong đó có những bài “cực kỳ giá trị”, dầy như một cuốn từ điển. Tôi thực sự thắc mắc: làm thế nào mà có được một số lượng khủng khiếp như thế?! Dân Việt Nam lúc ấy có 83 triệu, trừ đi 8% không biết chữ, trừ thêm 20% là con nít và người già thì còn khoảng 60 triệu người có khả năng viết (nhưng chưa chắc đã biết lý luận). Vậy thì cứ 6 người là có 1 bài dự thi?! Một con số ngày nay chỉ tìm thấy ở Cuba và Bắc Triều Tiên. Nếu tính đổ đồng mỗi bài 5 tờ A4, thì phải mất 200 xe cam nhông hạng nặng mới chở hết, vậy mà trên truyền hình không bao giờ thấy hình ảnh của khối giấy này.
Chưa hết, đến khâu chấm điểm. Tôi thấy trong các kỳ thi tuyển sinh, trung bình một trường đại học có khoảng 20.000 thí sinh, và gần 40 giám khảo phải chấm cật lực mới xong trong 3 tuần, vậy thì làm thế nào có thể chấm hết 11 triệu rưỡi bài trong khi từ ngày khóa sổ đến ngày công bố kết quả chỉ hơn 1 tuần ? Nên nhớ rằng đây là bài tự luận chứ không phải trắc nghiệm. Có thể ban giám khảo chấm ròng rã từ lúc nhận bài, có thể vì các câu hỏi tương đối ngắn nhưng trên toàn quốc cứ 6 người thì có 1 bài dự thi là một con số quá lớn. Áp dụng các nguyên tắc thống kê tôi đi điều tra trong cơ quan và trong khu phố thì chưa hề có người nào tham gia cuộc thi. Khi mang chuyện này hỏi một cán bộ đảng trong cơ quan thì vị này cũng rất ngạc nhiên làm như chưa hề nghe nói đến con số 11,5 triệu bài thi (và vị này dĩ nhiên cũng không tham gia) nhưng đã cho biết tất cả những cuộc thi gọi là “quần chúng” đều rất hình thức và vô nghĩa: một bài mẫu được làm sẵn, đánh máy nhưng chừa ngày và chỗ ký tên sau đó được phổ biến đến cho mọi đơn vị. Ký tên (mà thường là phải nài nỉ) vào là kể như đã tham gia. Thậm chí có nhiều đơn vị chẳng cần phải nộp bài (mẫu) chỉ cần báo cáo lên trên số người là đủ. Tiện lợi và rẻ, vì khỏi mất công chấm (mà đã gọi là bài mẫu thì còn gì để chấm). Ngày 2/9/05, đồng chí Đào Duy Quát trịnh trọng tuyên bố cuộc thi là một “sinh hoạt chính trị sâu rộng trong quảng đại quần chúng”. Thế ta nên dùng tính từ gì để đánh giá cuộc thi này ?
* * * Cũng giống như hơn 10.000 người đã ký vào Kiến Nghị 72, tôi không hề có ảo tường là Nhà nước sẽ đưa bản kiến nghị này lên báo chí hay sóng truyền hình để phổ biến, chứ đừng nói đến chuyện đem ra phúc quyết (trưng cầu dân ý) hay thảo luận trước Quốc Hội. Tuy nhiên sự ra đời đồng loạt của Kiến Nghị 72, Lời Tuyên Bố Công Dân Tự Do và Bản Góp Ý và Nhận Định của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam với số chữ ký mỗi văn kiện khoảng 10.000 là một sự kiện chưa hề xảy ra từ khi chế độ Cộng sản lãnh đạo đất nước. Nếu thực sự Nhà nước muốn việc sửa đổi Hiến Pháp 1992 là một “sinh hoạt chính trị sâu rộng trong quảng đại quần chúng” Nhà nước thì phải tạo điều kiện cho mọi tiếng nói mà cụ thể là ba văn kiện trên được đến với quần chúng thay vì độc quyền phát biểu trên 800 phương tiện truyền thông.
Những thủ đoạn ấu trĩ và hạ sách chỉ làm trò cười cho thiên hạ.
Phạm Minh Hoàng
Leave a Comment