Quảng Cáo

Tàu Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam tại Hoàng Sa

Quảng Cáo

Tàu Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam tại Hoàng Sa

Tin từ báo Tiền Phong thì vào ngày 20/03 tàu Trung Quốc đã chính thức nổ súng vào tàu cá Việt Nam, kéo dài chuỗi hành động từ uy hiếp và đến nay đã đe dọa tính mạng ngư dân. Không chỉ vậy, chúng đã cắm cờ, xây cột mốc trên các đảo không người tại Hoàng Sa.

Cập bến An Hải, Lý Sơn ngày 22/3, ông Phải và 9 thuyền viên vẫn còn bàng hoàng trên chiếc tàu cá bị bắn tả tơi, đồ đạc cháy nham nhở. Ông Phải kể lại, khoảng 10h sáng ngày 20/3, trong khi chuẩn bị kết thúc phiên đánh bắt tại khu vực đảo Lin Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu QNg 96382 của thuyền trưởng Bùi Văn Phải đã bị tàu Trung Quốc hùng hổ truy đuổi. Sau 30 phút rượt đuổi, lính Trung Quốc nổ súng vào tàu của ông. Lửa bắt vào nóc cabin phủ nhựa cháy ầm ầm, bên trong cabin vẫn còn 4 bình ga, không dập tắt sẽ nổ. Bất chấp nguy hiểm (có thể bị Trung Quốc bắn), ông Thạch, một ngư dân lớn tuổi, đã lao lên nóc lấy nước chữa cháy. Lúc này, tàu Trung Quốc quay đầu đi mất.

Như vậy, chỉ riêng trong tháng 3, tại Hoàng Sa, đã có 3 tàu cá của ngư dân Lý Sơn đụng độ với tàu Hải giám, tàu tuần tra Trung Quốc, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Thậm chí, cuối năm 2012, tàu chiến của Trung Quốc cũng đã xuất hiện uy hiếp ngư dân. Nghiêm trọng trên cấp độ quốc gia, theo thuyền trưởng Bùi Văn Trung – người cũng bị Trung Quốc đập phá tài sản ngư cụ, cướp hải sản ngày 17/3 – cho biết từ đầu năm đến nay, những hòn đảo, cồn cát ở Hoàng Sa dù không có người ở nhưng Trung Quốc đã xây cột mốc và cắm cờ Trung Quốc.

Mặc dù Việt Nam đã có có khá đầy đủ các lực lượng chấp pháp trên các vùng biển của mình như Cảnh sát Biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Công an, Hải quan… những lực lượng chấp pháp này đã ở đâu khi ngư dân bị những nhóm “hải tặc” trá hình của Trung Quốc đe dọa ? Còn Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị hôm 25/03 cũng chỉ lên tiếng phản đối hành động gây hấn của quan thầy phương Bắc với những câu chữ mà người dân quá quen thuộc và nhàm chán.

 Vỡ đường ống nước sông Đà, hơn 70000 nhà dân Hà Nội bị ảnh hưởng

Vào cuối tuần qua, đường ống nước sạch rộng 1.6 thước từ sông Đà Hòa Bình về Hà Nội bị vỡ toang khiến hơn 70 ngàn nhà dân ở các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy và huyện Thanh Trì, Từ Liêm bị cắt nước sinh hoạt.

Nguyên nhân dẫn đến đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội được cho biết là do đường sụt lún không đều tác động vào đường ống dẫn nước. Bên cạnh đó, áp lực nước trong lòng đường ống cũng rất mạnh dẫn đến vỡ đường ống dẫn nước. Đây là lần thứ hai hàng chục ngàn nhà dân ở các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy và huyện Thanh Trì, Từ Liêm bị mất nước do vỡ đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội. Trước đó, vào tháng 2 đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội đoạn qua thôn Yên Lũng, xã An Khánh huyện Hoài Đức, Hà Nội cũng bị vỡ ảnh hưởng đến khoảng 40 ngàn nhà dân. Nguyên nhân cũng được cho là ảnh hưởng của việc sụt lún đại lộ Thăng Long và áp lực nước trong ống. Phải mất 5 ngày người dân mới có nước sử dụng lại.

 Miền Nam nắng nóng kéo dài, nhiễm mặn gay gắt

Trong tuần qua, nắng nóng vẫn khống chế các tỉnh miền Đông và Saigon. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết độ mặn trên các cửa sông Tiền và sông Hậu đang tăng cao và đã xâm nhập vào nội đồng từ 40 đến 50 cây số. Những năm nước lũ từ thượng nguồn xuống thấp, tình hình hạn và mặn sẽ đến sớm và gay gắt hơn. Đến thời điểm hiện tại, độ mặn đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 3 đến 5%, và xâm nhập vào đất liền sớm hơn 1 tháng. Chỉ tính riêng ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh, nước mặn đang ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn hecta lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản.

Hiện tất cả các cống lấy nước dọc sông Cổ Chiên, Hàm Luông, sông Tiền bị nước mặn tấn công đều đã phải đóng kín. Còn các trạm cấp nước, nhà máy nước đang phải hoạt động hết công suất để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt của người dân. Tại sông Saigon, tình trạng xâm nhập mặn đã tấn công nhà máy nước Tân Hiệp, cần phải xả nước đẩy mặn để đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Phó giám đốc Đài dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết độ mặn trên các sông tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện và ở mức cao là điều chưa từng thấy trong vòng 8 năm trở lại đây.

 Trung Quốc : Hết xác heo đến xác vịt trôi đầy sông tỉnh Thượng Hải

Theo Tân Hoa Xã hôm 25/03/2013, có ít nhất 1000 con vịt chết trôi đầy sông tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, sau khi chính quyền thành phố Thượng Hải vừa loan báo gần như đã vớt hết xác heo trên sông chảy qua thành phố này.

Tân Hoa Xã cho biết là chính quyền Tứ Xuyên đã vớt những xác vịt đó lên, bỏ vào những túi nhựa, rồi chôn sâu dưới ba mét đất. Nhưng hãng tin chính thức của Trung Quốc không nói rõ số vịt nói trên chết vì nguyên do gì.

Thông tin này được đưa ra vào lúc mà chính quyền tỉnh Thượng Hải vừa loan báo gần như đã dọn sạch hơn 16 ngàn xác heo trôi trên sông Hoàng Phố, con sông chính chảy qua thành phố này.

Hiện giờ vẫn chưa biết nguồn gốc của số heo chết nói trên là từ đâu. Chính quyền tỉnh Triết Giang đã khẳng định địa phương này không phải là nơi xuất phát heo bệnh. Nhưng hình ảnh hàng ngàn heo chết trôi trên sông đã khiến chính quyền Thượng Hải rất bối rối, vì họ đang cố quảng bá thành phố này như là một trung tâm tài chính quốc tế.

Sự kiện này một lần nữa làm nổi rõ những vấn đề về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc, nơi mà gia súc chết vì bệnh vẫn có thể được xẻ thịt để bán cho người tiêu dùng, cho dù luật pháp cấm điều đó.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux