Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát ngư nghiệp xâm phạm Trường Sa
Ngày 18/3, Tân Hoa Xã đưa tin chiếc tàu khảo sát ngư nghiệp – thăm dò nguồn cá mang tên Nam Phong, có trọng tải 1.500 tấn do Trung Quốc tự thiết kế, chế tạo và được cho là “lớn nhất châu Á” thuộc dạng này, đã xâm nhập vùng biển Trường Sa của Việt Nam để triển khai cái mà Bắc Kinh gọi là kế hoạch đánh giá và nghiên cứu tài nguyên ngư nghiệp ở khu vực.
Tàu Nam Phong được lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại như hệ thống định vị dưới nước, có thể lặn sâu tới 1.500 mét để thăm dò đáy biển và thông tin chi tiết về đàn cá như số lượng, chủng loại, kích cỡ, giá trị kinh tế.
Trước đó, theo thông báo của Cục Ngư nghiệp Nam Hải thuộc Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc ngày 10.3, tổng cộng 21 tàu ngư chính cỡ vừa và lớn của Trung Quốc cùng hơn 3.000 nhân viên đã ồ ạt tràn xuống Biển Đông và xâm phạm vào các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hà Nội rất nhiều lần phản đối Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, cũng như năm ngoái khi trả lời chất vấn ở Quốc Hội, ông Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh miệng tuyên bố sẽ đòi lại các đảo bị Trung Quốc cướp đoạt bằng các biện pháp hòa bình. Nhưng tất cả chỉ là những lời nói (phản đối) suông nên không có tác dụng. Trái lại, Bắc Kinh ngày càng leo thang xâm phạm.
Nông dân trắng tay vì trồng ớt giống Trung Quốc
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Chương, nông dân xã Duy Châu thuộc huyện Duy Xuyên cho biết hồi tháng 9 năm rồi, một số người Trung Quốc lạ mặt xuất hiện trong vùng, hô hào mọi người trồng loại ớt giống “đặc biệt”. Họ phân phát một loại ớt giống lạ, nói là của Trung Quốc cho bất kỳ ai muốn bỏ công sức ra trồng và hứa hẹn sẽ thu mua khi thu hoạch với giá cao hơn giá thị trường.
Nghe lời hứa hẹn về “đầu ra,” ông Chương và nhiều nông dân khác trong vùng lập tức ươm hạt giống, rải ra đất vườn. Ông Chương nói rằng thoạt đầu cây ớt cũng nẩy mầm, lên cây như các loại ớt khác. Tuy nhiên, khi cây ớt phát cao chừng hai tấc thì bị rụi lá, thối rễ và “sụm” chết hàng loạt. Cũng có vài cây ớt còn sống sót, ra quả to nhưng cây không đủ sức chịu. Trái ớt cứ sa xuống mặt đất bị thối gần hết.
Khoảng 30% cây ớt giống Trung Quốc được trồng sớm bị chết gục, còn lại bị sâu bệnh, mắc chứng thối rữa trước mùa thu hoạch. Sản lượng của loại ớt này thu được chỉ bằng 10% so với loại ớt giống Ấn Ðộ mà nông dân Quảng Nam gieo trồng từ trước đến nay.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, gia đình ông Chương hái vội được vài ký ớt tươi sau thời gian đầu tư cho mùa ớt kéo dài khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, hầu hết tư thương đều không chịu mua ớt Trung Quốc của nhà ông Chương trồng hoặc trả giá giá rất “bèo,” khoảng 3.000 đồng một ký.
Ông Chương cho biết trong các mùa ớt trước, số tiền bán ớt thu được của gia đình ông không năm nào dưới 60 triệu đồng, tương đương 3.000 đô la. Còn năm nay, với giống “ớt Trung Quốc” mới trồng, ông chỉ “vớt vát” được vài triệu bạc là cùng.
Hiện có hàng trăm nông dân hai huyện Duy Xuyên và Ðại Lộc trở thành nạn nhân “phong trào” trồng ớt giống Trung Quốc nói trên.
Truy tố 5 cán bộ công an tội dùng nhục hình
Hôm thứ Hai ngày 18.3, Cục Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao CSVN cho biết đã chuyển hồ sơ sang Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm Sát điều tra án hình sự và trật tự xã hội để ra cáo trạng truy tố 5 bị can là cán bộ công an về tội dùng nhục hình.
Năm bị can gồm: Thiếu tá Nguyễn Minh Quyền (nguyên đội phó trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên), thiếu tá Nguyễn Tấn Quang (nguyên đội phó Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), thượng úy Phạm Ngọc Mẫn (nguyên trinh sát Đội Cảnh sát Hình sự) và nguyên 2 cán bộ Nguyễn Thân Thảo Thành, Đỗ Như Huy (Công an Thành phố Tuy Hòa).
Sự việc xảy ra vào rạng sáng 13.5.2012, một số điều tra viên của Công an Thành phố Tuy Hòa đến nhà bắt ông Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa), vì bị nghi có liên can trong một vụ trộm cắp tài sản. Do bị dùng nhục hình, đến tối cùng ngày, ông Ngô Thanh Kiều đã tử vong.
Phát hành tràn lan sách thiếu nhi gốc Trung Quốc mang nội dung lệch lạc ảnh hướng đên trẻ em Việt Nam
Trên thị trường hiện nay tràn lan sách tham khảo thiếu nhi có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong đó, không ít cuốn sách có nội dung làm lệch lạc kiến thức văn hóa, hình ảnh đất nước trong nhận thức ban đầu của trẻ em Việt Nam.
Tại nhiều nhà sách ở Sài Gòn hầu như hơn một nửa số đầu sách tham khảo dạy cho trẻ em mầm non (khoảng 2-3 tuổi) đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, do các nhà xuất bản hoăc công ty sách của Trung Quốc biên soạn, được các đơn vị phát hành, nhà xuất bản ở Việt Nam mua lại bản quyền, dịch sang tiếng Việt, xuất bản và phát hành. Điều đáng lo ngại là các hình ảnh giúp bé nhận biết, phát triển trí tuệ trong những cuốn sách dành cho giai đoạn đầu đời này đều có “nguyên bản” mang đậm biểu tượng văn hóa, đất nước và kể cả quốc kỳ Trung Quốc.
Trong bộ sách Tiếng Anh nhập môn (bộ sách dành cho lứa tuổi nhi đồng), do Nhà sách Mỹ Đình và Nhà xuất bản Mỹ Thuật liên kết phát hành, ở tập 1, trang 38, khi dạy bé danh từ August (tháng 8), hình minh họa đính kèm là một cậu bé đóng vai công an, đứng trước lá cờ Trung Quốc.
Nhiều hình ảnh minh họa khác cho những bài học từ tiếng Anh của bộ sách này cũng là bối cảnh, hình ảnh “đậm chất Trung Quốc” như hình thư viện với chữ tiếng Hoa ở phía trước cổng (trang 39, tập 3), xe cứu hỏa có số 119 là số cứu hỏa của Trung Quốc (trang 42, tập 3).
Tại Hà Nội, nhà sách: Trí Tuệ (đường Hồ Tùng Mậu, , nhà sách Nguyễn Văn Cừ (đường Xuân Thủy, quận .Cầu Giấy) nhà sách Tiến Thọ (đường Láng, quận .Đống Đa)… số lượng sách dành cho thiếu nhi “nhập khẩu” từ Trung Quốc khá nhiều, trình bày bắt mắt, chủ yếu do các Nhà xuất bản Hồng Đức, Dân Trí… liên kết với các đơn vị khác hợp tác biên dịch, in ấn rồi xuất bản.
Cuốn Những câu chuyện trẻ em yêu thích nhất do Nhà xuất bản Dân Trí phối hợp với Công ty Hương Thủy in ấn xuất bản, lấy nguồn từ Nhà xuất bản Mỹ thuật Giang Tây (Trung Quốc); Tủ sách mầm non do Nhà xuất bản Dân Trí phối hợp với Công ty Đông A in ấn, xuất bản, lấy nguồn cũng từ Trung Quốc.
Leave a Comment