Quảng Cáo

Nỗi buồn của người công an cộng sản (phần 2)

Quảng Cáo

Kính thưa quý thính giả, phần một bài viết nhan đề “Nỗi buồn của người công an cộng sản” của tác giả Ngô Nhân Dụng được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ trước đã tóm lược những cách tan rã khác của các chế độ cộng Sản tại Đông Âu hơn 20 năm trước, tuy nhiên trong những cách tan rã đó lại có một hiện tượng chung là lực lượng rường cột của họ là giới công an, mật vụ tan rã trước; trừ trường hợp Rumani. Rumani là trường hợp duy nhất mà lực lượng công an trung thành với chế độ cộng sản cho tới cùng, nhưng ngay sau khi vợ chồng  lãnh tụ  Cộng Sản là Ceausescu bị giết thì công an tự tan rã. Sau đây mời quý vị nghe phần hai bài viết của tác giả Ngô Nhân Dụng.

*****************************

Ở các nước Ðông Âu khác, các đảng cộng sản hiện nay vẫn còn, dưới các tên gọi mới; riêng tại Rumani thì không. Ở Nga, lực lượng công an mật vụ KGB bao trùm lên đời sống cả xã hội và mở rộng ảnh hưởng khắp thế giới. Nhưng khi chế độ cộng sản sụp đổ, các sĩ quan trung cấp trong công an cũng hoàn toàn án binh bất động, không ai đứng ra bảo vệ các đặc quyền mà chính họ vẫn hưởng.

 

Công an tại các nước Ðông Âu và Nga có thể thấy rằng dù được chế độ ưu đãi nhưng số phận của họ cũng không khá gì khi tất cả nền kinh tế chung quanh đang trì trệ và sẽ còn chậm lụt mãi mãi dưới một chế độ độc tài bất lực. Chính họ biết rằng nếu thay đổi chế độ thì nhờ kinh doanh tự do, xóa bỏ các doanh nghiệp nhà nước lỗ lã, cả nền kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn. Cứ như vậy, mức sống của tất cả mọi người trong xã hội sẽ được nâng cao; trong đó, gia đình họ, con cháu họ cũng sẽ được hưởng.

 

Ðây cũng là tâm trạng của nhiều người công an ở Việt Nam hiện nay. Nhiều người thấy xấu hổ khi chính lực lượng công an sử dụng bọn đâm thuê chém mướn, huy động đám côn đồ, nhân danh công an đánh đập những nông dân phẫn uất phải biểu tình phản đối vì bị chiếm đoạt ruộng đất cho bọn tư bản đỏ làm giầu và chia chác cho các quan chức đảng. Tạ Phong Tần là một sĩ quan công an đã nổi giận khi thấy danh dự của mình bị xúc phạm. Khi Bộ Ngoại Giao Mỹ trao giải thưởng Phụ Nữ Bất Khuất Thế Giới cho Tạ Phong Tần, trong lời vinh danh họ không quên ghi nhận cô từng là một đảng viên cộng sản và là một sĩ quan công an.

 

Nhiều người công an phải cảm thấy hổ thẹn khi thấy họ phải sống bám vào một chế độ tham nhũng và bất lực bị dân chúng khinh bỉ. Có ai không hổ thẹn khi thấy mình được công chúng nhìn như một đồng nghiệp, đồng liêu của anh công an bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý trong tòa án? Hay bị thiên hạ nhìn mình thuộc cùng một lứa với anh công an đạp chân vào mặt một thường dân đã bị nắm chắc cả hai chân, hai tay? Họ càng hổ thẹn hơn nữa khi nhìn lên thấy họ đang lo bảo vệ cả địa vị lẫn tài sản của một đám lãnh tụ, mà chính đám người đó cũng đang giành giật nhau quyền hành và chức vụ, phơi bày bao nhiêu nỗi xấu xa!

 

Khẩu hiệu “Ðảng Còn thì Mình Còn” được trưng ra khắp phố phường, làng xóm, phải coi là một cảnh bêu riếu, một dấu vết nhục nhã cho cả một tập thể; mà trong đó chúng ta tin còn rất nhiều người vẫn giữ được lương tâm trong sáng. Nhìn những chữ “Ðảng Còn thì Mình Còn” người ta phải thấy ngượng. Bộ không biết làm gì để kiếm gạo nuôi con hay sao mà phải sống bám vào một chế độ tham nhũng trâng tráo như vậy? Nếu một người công an không biết tự đặt câu hỏi đó thì gia đình, hàng xóm, bạn bè có khi cũng đặt câu hỏi. Có thể nói hầu hết mọi người công an hiện nay đang ôm mối buồn đó, mỗi đêm nằm vắt tay lên trán lại tự hỏi mình.

 

Trong các xã hội cộng sản, lúc còn hưng thịnh chế độ thường thu hút những người ưu tú trong đám học sinh, sinh viên tốt nghiệp tự nguyện vào lực lượng công an. Nếu sống trong các nước tự do, họ có thể vẫn tiến lên trên bậc thang xã hội nhờ vào khả năng của họ. Dưới chế độ cộng sản, họ gia nhập công an vì đó là lựa chọn có lợi nhất, nơi hứa hẹn quyền hành và lợi lộc chắc chắn nhất. Nhưng đến khi thấy rõ nếu sống trong một chế độ tự do dân chủ thì chính họ có thể thi thố khả năng, ganh đua trong trong các nghề chuyên môn, hay cạnh tranh trong việc kinh doanh, họ cũng vẫn đạt được các thành quả tốt, thì chính họ sẽ thấy việc trung thành với một chế độ đang suy tàn là dại dột.

 

Vì thế, từ Ðông Ðức cho tới Liên Xô, trước khi chế độ chuyên chính sụp đổ, những người công an đã tự quyết định thà trung thành với lương tâm, với đồng bào sống chung quanh mình, còn hơn là giữ lòng trung với đám lãnh tụ tham ô. Những người công an ở Việt Nam cũng không khác.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux