Nhiều sản phẩm văn hóa từ Trung Quốc đang gieo nọc độc vào Việt Nam
Một số doanh nghiệp Việt Nam bị cuốn hút bới lợi nhuận đã in sách có cờ Trung Quốc, tự xóa bỏ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên những sản phẩm của mình.
Các báo Tuổi Trẻ và Dân Trí ra ngày 12/3 phản ánh về sự xuất hiện của một chiếc logo in thiếu bản đồ Việt Nam và thêm một cuốn sách có in cờ Trung Quốc. Theo Dân Trí, nhằm gây ấn tượng về thương hiệu, doanh nghiệp đã chọn cách thiết kế logo với một vòng tròn mờ nhạt, bên trong là hình ảnh bản đồ Việt Nam màu trắng. Tuy nhiên, bất kỳ một người tiêu dùng nào cũng thấy sự bất cẩn của doanh nghiệp khi thấy trên logo này không có hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.
Báo Tuổi Trẻ phát hiện thêm cuốn sách “Trắc nghiệm trí tuệ toàn diện cho trẻ” là do người Việt Nam xuất bản nhưng thực chất là sự biên soạn từ sách của Trung Quốc. Cuốn Sách do Nhà xuất bản Mỹ Thuật liên kết xuất bản với Công ty Ðinh Tị. Ở trang 60 thuộc phần trắc nghiệm về khả năng ngôn ngữ một lá cờ Trung Quốc vuông vắn xuất hiện ngay chính giữa trang. Lá cờ này để minh họa cho câu “Lá cờ của nước chúng ta có ngôi sao năm cánh”.
Tập sách này nằm trong bộ “Trắc nghiệm trí tuệ toàn diện cho trẻ từ 0-5 tuổi” do Công ty Đinh Tị mua bản quyền từ một nhà xuất bản của Trung Quốc. Việc xuất hiện lá cờ Trung Quốc trong cuốn sách có thể là hình trên sách gốc khi dịch sang tiếng Việt, nhà biên soạn đã không Việt hóa
Dư luận cho rằng, việc làm này đang làm gia tăng nguy cơ Trung Quốc âm mưu lung lạc ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo của thế hệ VN sau này.
TQ đuổi tàu cá Việt Nam gần Hoàng Sa
Tân Hoa Xã hôm thứ Tư 13/3 cho biết tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 262 và 263 mới đây đã ‘xua đuổi’ hai tàu cá của Việt Nam ra khỏi vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Hai tàu cá Việt Nam này là của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi Hahmang số hiệu QNg96417TS và QNg96382TS.
Được biết tàu hải giám Trung Quốc mất hơn ba tiếng đồng hồ để “đuổi” tàu Việt Nam ra khỏi vùng biển Hoàng Sa. Tàu 262 rượt đuổi hai tàu Việt Nam đến 10 giờ sáng, buộc phải gọi thêm tàu 263 tới trợ giúp.
Trong những năm qua hàng trăm tàu cá của Việt Nam, nhất là từ tỉnh Quảng Ngãi, đã bị Trung Quốc chặn đuổi, bắt giữ, tịch thu tài sản khi đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa.
Cũng liên quan đến tàu cá VN trên biển Đông, nhiều báo trong nước cho biết một tàu cá tỉnh Thanh Hóa đã bị tàu lạ đụng mạnh, làm 2 ngư dân mất tích. Bản tin cho biết tại toạ độ 19.5 vĩ độ bắc, 107.19 kinh độ Đông, cách đảo Bạch Long Vĩ 26 hải lý, chiếc tàu cá của một ngư dân thường trú tại thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đang đánh bắt hải sản bất ngờ bị một tàu lạ đâm. Cú va đập mạnh làm hai ngư dân trên tàu bị rơi xuống biển và mất tích.
Sau khi đâm vào tàu cá kể trên, tàu lạ đã bỏ đi. Do vụ việc xảy ra vào sáng sớm, các ngư dân lại bị hất xuống biển, nên họ không nhìn thấy số hiệu tàu đâm vào tàu cá của họ. Tuy nhiên ngư dân gặp nạn cho biết con tàu này có nhiều dấu hiệu là tàu nước ngoài, là chữ mà báo chí Việt Nam thường dùng để chỉ là tàu Trung quốc.
Thượng nghị sĩ John McCain kêu gọi VN cải tổ dân chủ
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, John McCain, hôm 13.3 lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam phải tiến hành cải tổ dân chủ.
Trong bài viết trên tờ The Wall Street Journal, ông John McCain nêu rõ là chính quyền Hà Nội hiện nay vẫn còn giam tù và đối xử bất công đối với những nhà bất đồng chính kiến, những phóng viên, giới viết blog, cũng như những người thiểu số vì lý do chính trị.
Thượng nghị sĩ John McCain nhắc lại rằng trong khi những giá trị mà người Mỹ coi trọng như tự do, nhân quyền và pháp trị, thì hy vọng những giá trị đó cho Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ là hy vọng. Ông cho rằng mối quan hệ Mỹ-Việt hiện đang được xây dựng trên cơ sở những quyền lợi chung; nhưng một mối quan hệ đối tác bền lâu và tốt nhất phải luôn dựa trên nền tảng chia sẻ những giá trị chung.
Cũng cần nhắc lại trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ông John McCain từng bị bắn rơi máy bay và bị bắt hồi tháng 10 năm 1967. Ông có lúc bị giam tại nhà tù Hỏa Lò nổi tiếng ở Hà Nội, mà những tù binh Mỹ thường gọi đùa với nhau là ‘Khách sạn Hilton Hanoi’. Ông được trả tự do hồi ngày 14 tháng 3 năm 1973.
Leave a Comment