… đã tròn 25 năm. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày các anh nằm xuống lòng đại dương. Thân xác các anh đã được phủ bởi cát và sóng nước quê Mẹ. Anh linh các anh vẫn bao quanh những phần quê hương vừa mất. Ánh mắt các anh vẫn theo dõi từng hành vi của lũ giặc xâm lăng.
Nhưng trên đất liền, nơi các anh sinh ra, lớn lên, và từ giã ra khơi với sứ mạng giữ đảo, còn ai nhớ đến 64 người con đất Việt đó không? hay họ cũng đang bị cố tình xóa khỏi ký ức dân tộc cùng với các bãi đá Colin, Len Đao và Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa trên biển Đông?
Trong ngày thương tâm đó, 3 tàu chiến của Hải quân Việt Nam, HQ 604, HQ505, HQ 605, bị trói tay khi cố gắng rất nhiều lần xin lệnh cấp trên: “TRUNG QUỐC LÀ THÙ HAY BẠN?” để chuẩn bị tư thế tác chiến nhưng họ chỉ nhận được sự im lặng từ mọi cấp. Sự im lặng đó chỉ được phá vỡ bằng tiếng súng đủ loại từ tàu Trung Quốc, kể cả đại bác 105 ly bắn trực xạ vào toán Hải quân Công binh của Việt Nam, đang trầm mình trong nước biển để làm trụ, giữ đảo. Trung Quốc bắn chìm luôn cả 3 tàu chiến nêu trên.
Sự phản bội của lãnh đạo Đảng không chỉ xảy ra vào ngày 14/3/1988 nhưng kéo dài suốt 25 năm qua. Quân sử Quân đội Nhân dân cho đến tận ngày nay chỉ được phép ghi các anh bị tàu lạ, nước lạ bắn chết. Trận chiến và tên tuổi các anh bị xóa khỏi sử sách, xóa khỏi chương trình giáo dục, và xóa khỏi hầu hết mọi phương tiện truyền thông. Ngay cả những buổi lễ tri ân do đồng bào tự phát để tưởng niệm sự hy sinh này, như hội Cựu chiến binh ngành Dầu khí VN có kế hoạch hoạch đúng ngày 14-3-2012, sẽ tổ chức lễ vinh danh, tri ân và trao tặng qùa cho một số gia đình có thân nhân là Liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 ở Trường Sa. Nhưng đến giờ phút chót, họ nhận được lệnh của nhà cầm quyền buộc phải hủy bỏ buổi lễ … Điều đã rất rõ là: Liên tiếp các thế hệ lãnh đạo đảng từ 1988 đến nay đều đã chọn con đường trung thành với Bắc Kinh để giữ quyền bằng mọi giá, dù giá đó là phản bội xương máu của người Việt Nam.
Nhưng dân tộc Việt Nam, bao gồm nhiều đồng đội của các anh, đã không chấp nhận sự phản bội tàn nhẫn đó. Sự hy sinh của 64 liệt sĩ Trường Sa, cùng với 74 liệt sĩ Hoàng Sa, và hàng ngàn liệt sĩ dọc theo biến giới phía Bắc không chỉ được trang trọng tưởng nhớ mà còn đang là tấm gương thôi thúc cả dân tộc về trách nhiệm giữ nước hôm nay, bất chấp những biện pháp của nhà cầm quyền nhằm trấn áp lòng yêu nước của người Việt.
Trong những năm qua, nhiều hình thức tưởng niệm rất cảm động và ý nghĩa của người dân Việt đã xuất hiện khắp nơi. Từ những băng rôn đi đầu trong các cuộc biểu tình, đến những chiếc thuyền cắm nến được thả ra biển, đến những video nhắc lại biến cố Gạc Ma, v.v…
Nhưng tất cả những việc làm cao quí đó còn quá khó cho quảng đại quần chúng tham gia. Và khi sự tham gia chưa rộng khắp thì xác suất sự hy sinh cao cả của cách chiến sĩ này không đến được các thế hệ kế tiếp và bị xóa khỏi sử sách vẫn còn có thể xảy ra. Vì lý do đó, người viết bài này xin mạn phép đề nghị một vài việc mà ai cũng có thể làm được và ở đâu cũng có thể làm được:
– Nghĩa trang của các liệt sĩ không chỉ có ở Sài Gòn, Hà Nội,hay Quảng Ngãi, nhưng có ở khắp mọi nơi. Nhân ngày 14 tháng 3 năm nay, chúng ta hãy đem những “vòng hoa lòng dân” đến các nghĩa trang này với dòng chữ Nhớ ơn các Liệt sĩ Trường Sa.
– Liên lạc với các Nhà Thờ, Chùa Chiền, Thánh Thất để xin lễ cầu nguyện, cầu siêu kinh cho các Liệt sĩ Trường Sa. Có thể cùng chọn một giờ chung, như đúng 12g00 trưa, các nơi thờ phượng đồng loạt đánh chuông 1 phút để tưởng niệm.
– Có thể cũng đúng 12g00 trưa ngày 14 tháng 3 năm 2013, mọi người dù đang ở đâu, làm gì đều ngưng lại, cùng đứng lên im lặng 1 phút để cùng tưởng nhớ các Liệt sĩ Trường Sa.
– Trong suốt ngày 14 tháng 3 năm 2013, chúng ta có thể viết thật giản dị vài chữ đơn giản như “TS64” vào áo mặc, trên tường, trên một tờ giấy, một quả bong bóng để mọi người chung quanh cùng thấy và cùng làm.
– ….
Kính mong nhiều tổ chức, nhiều nhóm khởi động lời kêu gọi và đưa ra thật nhiều các đề nghị dễ làm để mọi người có thể tham gia … kể cả kẻ hèn này.
Leave a Comment