LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích 3 nhà hoạt động công đoàn trẻ

- Quảng Cáo -

LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích 3 nhà hoạt động công đoàn trẻ

Trong bản công bố số 42/2012 vừa được Liên đoàn Lao động Việt phổ biến ngày 1/3, Nhóm công tác Liên hiệp quốc chuyên điều tra về giam giữ tùy tiện (UNWGAD) đã kết luận rằng Việt Nam bỏ tù ba nhà hoạt động đấu tranh cho quyền lợi công nhân gồm Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng là hành động giam giữ tùy tiện, đi ngược lại Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của công dân mà Hà Nội đã tham gia ký kết.

UNWGAD yêu cầu nhà nước Việt Nam có biện pháp cần thiết để sửa chữa sai lầm trong vụ án của Hạnh, Chương, Hùng và tuân thủ các tiêu chuẩn, tiêu chí của những cam kết nhân quyền quốc tế.

Theo UNWGAD, xét về tất cả các khía cạnh của vụ việc, biện pháp sửa chữa thích hợp nhất đối với nhà cầm quyền Hà Nội là phóng thích ngay lập tức ba nhà hoạt động công đoàn này cũng như bồi thường những thiệt hại cho họ theo điều 9 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị.

- Quảng Cáo -

Phán quyết vừa nêu của Nhóm công tác Liên hiệp quốc chuyên điều tra về giam giữ tùy tiện được đưa ra sau khi tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Freedom Now cùng với công ty luật Woodley & McGillivary chuyên bảo vệ quyền lợi cho người lao động và các tổ chức công đoàn có trụ sở tại Mỹ đại diện cho 3 nhà hoạt động Hạnh, Chương, Hùng gửi thư yêu cầu các chuyên gia độc lập của Liên hiệp quốc điều tra và xác nhận rằng việc Hà Nội bỏ tù 3 nhân vật đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho công nhân là tùy tiện và vi phạm luật pháp quốc tế.

Thỉnh nguyện thư tố cáo chính quyền Việt Nam tiếp tục vi phạm các quyền căn bản của công dân bao gồm quyền tự do lập hội và tự do bày tỏ quan điểm khi tống giam Hạnh, Chương, Hùng vì các hoạt động hợp pháp của 3 nhà tổ chức công đoàn này.

Sau khi Nhóm Công tác Liên hiệp quốc nhận được thỉnh nguyện thư, họ đã chuyển cho Việt Nam để Hà Nội hồi đáp trong 90 ngày.

Xin nhắc lại, ba nhà hoạt động trong độ tuổi đôi mươi đấu tranh bênh vực cho quyền lợi công nhân bị tuyên án từ 7 đến 9 năm tù hồi năm 2010 về tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân”, theo điều 89 Bộ luật Hình sự.

Vụ việc của Hạnh, Chương, Hùng đã khiến nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới lên án thành tích nhân quyền của Việt Nam. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch gọi các bản án này là “tàn nhẫn” và “vi phạm quyền con người nghiêm trọng”.

Theo Freedom Now, tại phiên xử, cả ba nhà hoạt động đều không có người đại diện pháp lý, không được trình bày để tự bảo vệ mình, và trong suốt thời gian bị giam cầm, họ bị đánh đập nhiều lần cũng như bị cưỡng bức lao động dù tình trạng sức khỏe có vấn đề nghiêm trọng.

 50% trẻ Việt Nam thiếu Vitamin A, B1, C, D và sắt

Theo kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em VN và khu vực Đông Nam Á, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) phối hợp với Hội Dinh dưỡng Việt Nam và Công ty Friesland Campina tổ chức tại Ninh Bình hôm 2/03 vừa qua, thì hiện nay có đến 50% trẻ Việt Nam thiếu vitamin A, B1, C, D và sắt đó là các loại vitamin thiếu trong chế độ ăn hằng ngày.

Ngoài ra, kết quả còn cho thấy cứ 3-4 trẻ em thì có một trẻ có tình trạng dinh dưỡng bất hợp lý: hoặc thiếu hoặc thừa dinh dưỡng.

Kết quả này được khảo sát trong giai đoạn 2010-2012 trên 2.880 trẻ em trước và trong độ tuổi tiểu học ở Việt Nam. Nghiên cứu còn phân tích và đánh giá tình hình dinh dưỡng của trẻ Việt Nam so với ba nước lân cận dựa trên các tiêu chí đánh giá là nhân trắc dinh dưỡng của trẻ, tình trạng kinh tế xã hội, mô hình hoạt động thể lực, chế độ ăn uống của trẻ, thói quen ăn uống, tình trạng vi chất dinh dưỡng, gồm tình trạng thiếu máu, thiếu vitamin A, vitamin D, mật độ xương và phát triển nhận thức của trẻ. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nay Việt Nam vẫn còn gánh nặng kép về dinh dưỡng. Đó là sự tồn tại cùng lúc cả tình trạng suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì ở trẻ em.

Khảo sát của viện mới đây cho thấy trẻ em bị suy dinh dưỡng nhẹ cân ở vùng nông thôn cao gần gấp đôi so với trẻ thành thị (20,8% so với 10,8%).

Ngược lại, xu hướng thừa cân béo phì lại gia tăng đáng báo động ở thành thị với tỉ lệ lên đến 29%, gấp hơn 5 lần so với trẻ ở vùng nông thôn, chỉ có 5,5%. Đồng thời tình trạng thiếu vitamin và vi chất dinh dưỡng ở trẻ còn rất cao. Cụ thể, trẻ ở thành thị thiếu vitamin D lên tới gần 50% (bé trai) và hơn 58% (bé gái); còn ở nông thôn là gần 47%. Còn tỉ lệ thiếu máu ở trẻ (5 tháng đến 6 tuổi) ở nông thôn là 25% và thành thị là 20%…

 Các hồ chứa ở Quảng Nam đang thiếu nước nghiêm trọng

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, tuy mới ở thời điểm sau tết nhưng tình hình hạn hán đã bắt đầu nghiêm trọng. Các trạm bơm ở vùng hạ lưu sông Vu Gia và Thu Bồn phải hoạt động cầm chừng do nguồn nước bị nhiễm mặn.

Tỉnh Quảng Nam đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để có phương án xả nước bổ sung cho vùng hạ lưu, nhưng do lượng nước từ thượng nguồn về ít nên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn chỉ tích được 50-70% dung tích nước theo nhu cầu. Cụ thể như hồ chứa nước Vĩnh Trinh (Duy Xuyên) đang thiếu hơn 7 triệu m3 nước, làm cho khoảng 500ha lúa vùng hạ lưu hồ này đứng trước nguy cơ khô hạn nặng cuối vụ sản xuất đông xuân và đầu vụ hè thu.

 Ðồng Tháp chống lệnh mở liên hoan lúa gạo

Cho rằng “chỉ gây tốn kém và không cần thiết,” chính quyền tỉnh Ðồng Tháp từ chối thi hành lệnh của cấp trên, buộc đứng ra tổ chức liên hoan (festival) lúa gạo toàn quốc lần thứ ba.

Theo báo Tuổi Trẻ, liên hoan lúa gạo đầu tiên đã được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang hồi năm 2009. Năm rồi, 2012, liên hoan lần thứ hai diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng. Theo kế hoạch của cấp trên, liên hoan lần thứ ba sẽ được tổ chức tại tỉnh Ðồng Tháp vào năm 2014. Tuy nhiên, nhà cầm quyền tỉnh Ðồng Tháp cho rằng việc tổ chức festival lúa gạo như thế là “quá dày,” không cần thiết, không phù hợp. Theo tỉnh này, chỉ nên tổ chức năm năm một lần.

Ông Nguyễn Văn Dương, phó chủ tịch tỉnh Ðồng Tháp đã chính thức gửi văn bản từ chối việc đứng ra tổ chức liên hoan lúa gạo lần thứ ba vào năm tới. Vì theo Ông Dương nói rằng tỉnh sẽ mất ít nhất 20 tỉ đồng, tương đương 1 triệu đô chi phí tổ chức một lễ hội như thế. Trong lúc các thương gia tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, cho nên không đủ vật lực, tiền bạc cống nộp cho tỉnh tổ chức liên hoan lúa gạo toàn quốc lần thứ ba.

Ông Dương cho biết “Các công ty toàn tỉnh đã đóng góp quá nhiều cho chúng tôi, từ việc giúp đỡ người nghèo cho đến việc góp tiền mua pháo bông bắn trong dịp Tết. Họ không còn khả năng đóng góp nữa.”

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here