Tại sao Bắc Kinh tức giận khi Bình Nhưỡng cho thí nghiệm bom nguyên tử lần thứ ba ?
Dạ Thảo và Hoàng Đỉnh xin kính chào quý thính giả của đài Chân Trời Mới, để mở đầu cho tiết mục Từ Á Sang Âu tuần này là đề tài nói đến việc chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên được Trung quốc âm thầm hỗ trợ, nhưng đến khi Bình Nhưỡng cho thí nghiệm bom nguyên tử lần thứ ba thì Bắc Kinh tức giận. Tại sao vậy?,
Từ những không ảnh mới nhất được chụp từ vệ tinh tình báo, các chuyên gia quân sự của Hoa Kỳ, Hàn quốc và Nhật Bản lên tiếng cảnh báo cho biết Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị thí nghiệm bom tử rồi yêu cầu Bình Nhưỡng hãy ngưng ngay việc thí nghiệm đó nếu không thì sẽ bị đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để yêu cầu chế tài. Năm 2006 và năm 2009 Bình Nhưỡng đã cho thí nghiệm bom nguyên tử rồi bị Hoa Kỳ yêu cầu Liên hiệp quốc ra Quyết nghị chế tài Bắc Triều Tiên, nhưng lần nào cũng vậy đều bị Trung quốc sử dụng quyền phủ quyết của mình để bát bỏ. Lần này thì hơi khác một chút vì Bắc Kinh cũng lên tiếng yêu cầu Bình Nhưỡng ngưng việc thí nghiệm bom nguyên tử, nếu không thì Trung quốc sẽ cắt giảm viện trợ. Sở dĩ Trung quốc có thái độ hơi cứng rắng như vậy là vì mới đây Bắc Triều Tiên tuyên bố rằng muốn nói chuyện thẳng với Hoa Kỳ chứ không cần qua trung gian Bắc Kinh, mà muốn như vậy thì phải có bom nguyên tử trong tay.
Việc Bắc Kinh lên tiếng như thế làm nhiều người nghĩ rằng Bắc Triều Tiên sẽ tạm ngưng thử nghiệm trong một thời gian cho đến khi nào Trung quốc bật đèn xanh, thế nhưng vào ngày 11/02/2013, Bình Nhưỡng đã đáp lại bằng một thông báo gởi chung cho ba nước Mỹ-Nga-Trung là Bắc Triều Tiên sẽ tiến hành thử nghiệm bom nguyên tử theo như kế hoạch của mình. Bản thông báo chung không nói rõ ngày tháng sẽ thí nghiệm, nhưng vào lúc 11 giờ 54 phút ngày 12/02/2013, nghĩa là chưa đầy một ngày sau khi gởi bản thông báo đi, các chấn động kế của Hàn quốc và Nhật Bản đo được độ rung nhân tạo ở Phong Khê Lý (vìng bắc đông Bắc Triều Tiên) lên tới chấn độ 4,9 richter. Đến 3 giờ chiều cùng ngày thì đài truyền hình Trung ương Bắc Triều Tiên chính thức loan tin cho biết việc thử bom nguyên tử lần thứ ba đã thành công mỹ mãn. Bình Nhưỡng còn nói thêm là việc thí nghiệm bom nguyên tử là để bảo vệ an ninh và chủ quyền đất nước, đây là một quyền lợi của Bắc Triều Tiên mà không một nước nào ngăn cản được với bất cứ lý do gì. Chương trình phóng vệ tinh của Bắc Triều Tiên với mục đích phụng sự hòa bình và khoa học thế mà cũng bị Mỹ và tay sai của chúng xuyên tạc rằng Bắc Triều Tiên muốn gây chiến tranh với thế giới rồi yêu cầu chế tài Bắc Triều Tiên. Rõ ràng hành động đó của Mỹ và tay sai là muốn gây thù địch với Bắc Triều Tiên cần phải lên án chứ không phải chuyện chúng tôi thử nghiệm bom nguyên tử.
Theo các quan sát viên tình hình Đông Á thì từ trước đến nay hầu như các chuyến hàng chở trang vật liệu chế bom nguyên tử từ Iran, Pakistan đến Bắc Triều Tiên đều đi ngang Trung quốc, nói cách khác là Bắc Kinh biết quá rõ, nhưng làm ngơ vì ngầm ủng hộ. Nay vì Bình Nhưỡng muốn nói chuyện thẳng với Washington không qua Bắc Kinh nên Trung quốc tức giận. Cái khó của Trung quốc là tuy tức giận nhưng liệu Bắc Kinh có bỏ phiếu tán thành Quyết nghị chế tài Bắc Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp hay không?, câu trả lời là không vì nếu làm thế thì Trung quốc dễ mất đi một đàn em thân tín. Bình Nhưỡng biết như thế nên đặt Bắc Kinh trước chuyện đã rồi cho dù sẽ bị cắt giảm một chút viện trợ của Trung quốc. Ở Á châu người ta có cái câu ’’Phù thủy vẽ âm binh, nhưng nếu Phù thủy không cao tay ấn nhiều khi bị âm binh vật lại.’’. Không biết trường hợp này có đúng với câu đó hay không.
Kim Chính Ân, là một người trẻ, hoàn toàn không có kinh nghiệm trong việc điều hành đất nước, được đưa lên làm lãnh tụ nhưng thực tế thì quyền hành hiện nay nằm trong tay ông Trương Thành Trạch, chồng bà cô ruột của Ân. Việc Kim Chính Ân ra lệnh phóng vệ tinh hay thử bom nguyên tử chỉ là bề mặt, bên trong hậu trường đều do ông Trạch sắp xếp, bởi vậy sau khi Bắc Triều Tiên thử bom nguyên tử, Bắc Kinh không quan tâm đến chuyện Kim Chính Ân lên đài tuyên bố này no,ï mà chú tâm theo dõi những động tỉnh của ông Trương Thành Trạch. Ông Trạch biết vậy nên gần cả tuần nay không xuất hiện, bỏ luôn không dự ba hội nghị quan trọng của Bắc Triều Tiên đó là hội nghị An ninh quốc gia, hội nghị Toàn quân và hội nghị bàn về chính sách đối ngoại.
Có lẽ không chịu đựng được sự chèn ép quá đáng của Trung quốc nên ông Trương Thành Trạch thường hay đề nghị với ông Kim Chính Nhật không làm theo ý Bắc Kinh nhiều chuyện, nhưng thỉnh thoảng ông Kim Chính Nhật mới nghe theo, nay ông Nhật đã chết, quyền hành đang ở trong tay ông Trạch nên chuyện ông ta làm trái ý Bắc Kinh cũng là điều dễ hiểu.
Tất cả những chuyện làm của Bình Nhưỡng đều đáng lên án, chỉ có một chuyện nhiều lần dám nói No với Bắc Kinh là đáng học hỏi, chứ không như Hà Nội lúc nào cũng khấu đầu trước bá quyền phương Bắc. Thưa có đúng không quý thính giả.
Người dân Singapore phản đối chính quyền về chính sách mở rộng di dân
Người dân Singapore tổ chức mít-ting phản đối chính quyền về chính sách mở rộng di dân là đề tài kết thúc tiết mục Từ Á Sang Âu tuần này,
Mặc dù đảng Nhân Dân Hành Động đang cầm quyền ở Singapore chấp nhận đa đảng nhưng lại hạn chế rất nhiều về quyền tự do ngôn luận nên hai đảng đối lập là đảng Người Lao Động và đảng Dân Chủ Liên Hợp có cũng như không, rút cuộc Singapore vẫn mang tiếng là một quốc gia độc tài đảng trị. Sau khi ông Lý Quang Diệu rút lui khỏi chính trường vào năm 1990, người lên thay thế là ông Ngô Tác Đống vẫn rập khuôn theo đường lối cai trị của ông Diệu, nghĩa là cũng hạn chế tối đa quyền tự do ngôn luận, nhưng ông Đống sợ bị thế giới chỉ trích nên đã sử dụng một phần của công viên Hong Lim ở gần khu China town dựng nên ’’Một khung trời cho những người muốn phát biểu’’. Ông Đống bắt chước mô hình Speakers Corner cách đây hơn 200 năm của công viên Hyde ở thủ đô London bên Anh, nhưng khác ở chổ là bắt người tụ họp phải xin phép cảnh sát và nội dung phát biểu không được đề cập đến các vấn đề dân chủng, tôn giáo. Ai vi phạm sẽ bị nghiêm phạt. Về phía người dân thì sợ đến đó phát biểu ý kiến trái ngược với chính quyền dễ bị cảnh sát trả thù nên chẳng ai dám, rút cuộc Speaker Corner ở Singapore chỉ hữu danh vô thực, lập cho có chứ người dân chẳng ai dám sử dụng.
Thế nhưng vào ngày 16/02/2013, lần đầu tiên đã có hơn 2000 người dân Singapore đến đó tổ chức mít-ting phản đối chính sách mở rộng di dân của chính phủ ông Lý Hiển Long.
Thưa quý thính giả, hiện nay dân số của Singapore khoảng 4 triệu 737 ngàn người, chính quyền Singapore muốn làm sao đến năm 2030 dân số phải tăng lên thành 6,9 triệu để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, nhưng phần đông người dân Singapore lại không muốn sinh con nhiều, tỷ lệ sinh đẻ ở nước này rất thấp trung bình cứ 10 cặp vợ chồng chỉ sinh ra 12 người con. Hàng năm chính phủ đả bỏ ra 2 tỷ đồng Singapore (tương đương với 2,469 tỷ mỹ kim) để giúp đỡ cho những gia đình có 2 người con trở lên để khuyến khích người dân sinh đẻ, chẳng hạn như sẽ được ưu tiên vào chung cư mới xây với đầy đủ tiện nghi, sinh người con thứ hai được cấp 6000 đồng Singapore, sinh đứa thứ ba thì được cấp 8000 đồng, ngoài ra còn có nhiều học bổng cho các học sinh thuộc diện gia đình đông con…Mặc dù thế nhưng kết quả vẫn không đạt theo như ý muốn của chính phủ nên chính quyền ông Lý Hiển Long mới tính đến chuyện nhận thêm người di dân từ các nuớc khác.
Khẩu hiệu NO 6 triệu 9 dân, hay Singapore không cần nhân số đến 6 triệu 9 được hô vang ở công viên Hong Lim vì người tham dự mít-ting cho rằng nhận thêm người di dân sẽ làm cho người Singapore mất đi công ăn việc làm, sẽ làm gia tăng nạn kẹt xe. Trong khí thế sôi động của cuộc mít-ting chống chính sách mở rộng di dân, Ban tổ chức đã hô thêm các khẩu hiệu đòi tự do ngôn luận, đòi chính quyền phải lắng nghe ý kiến của người dân đã được mọi người đáp ứng và hoan nghênh, nhiều người còn phát biểu chỉ trích nạn độc tài, quan liêu của chính quyền hiện nay.
Theo các bình luận gia thì nếu như chuyện này xảy ra cách đây 10 năm thôi là bị cảnh sát đến dẹp ngay, chắc chắn sẽ có người vào tù, nhưng ngày nay đã khác, nếu ra tay đàn áp sẽ bị thế giới gay gắt lên án, rất có hại cho sự phát triển kinh tế của Singapore. Làn sóng cách mạng Hoa Lài hay mùa Xuân Á Rập đã bắt đầu phản phất ở xứ mệnh danh là Sư Tử biển.
Đến đây đã chấm dứt tiết mục Từ Á Sang Âu, Bích Huyền và Hoàng Đỉnh và xin kính chào tạm biệt và kính mời quý thính giả nhớ đón nghe chương trình này vào tuần sau cũng vào giờ này trên làn sóng trung bình 1503 ki lô chu kỳ của đài Chân Trời Mới.
Leave a Comment