Liên minh châu Âu “ủng hộ” lập trường của Philippines đưa các tranh chấp biển đảo ra tòa án quốc tế.
Hãng tin Philippines hôm thứ Sáu, 15.2.2013 đưa tin ông Werner Langen, người dẫn đầu phái đoàn lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) công du Manila nói EU “ủng hộ” lập trường của quốc gia Đông Nam Á đưa các tranh chấp biển đảo ra tòa án quốc tế.
Mặc dù EU được cho là “không thiên vị” về bất cứ phía nào trong cuộc tranh chấp biển đảo liên quan Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan ở khu vực Biển Đông, nhưng các nghị viên quốc hội EU nói họ tin rằng hành động pháp lý của Philippines là một “động thái tốt” nhằm bảo đảm một giải pháp hòa bình cho các xung đột.
Hãng tin của Philippines tiếp tục dẫn lời ông Werner Langen, nói: “Tất cả các quốc gia thành viên của EU có lợi ích khi tuyên bố rằng thông qua việc tuân thủ các thỏa thuận quốc tế, chúng ta giải quyết các vấn đề này cũng như giải quyết vấn đề về các tài nguyên thiên nhiên…”Con đường được lựa chọn… thông qua trọng tài quốc tế là cách thức để đạt điều đó. Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ chấp nhận điều này vì nó đưa cả hai bên tới… một giải pháp.”
Cùng ngày 15.2, nhiều báo của Philippines đăng tải ý kiến của tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông John Kerry “ủng hộ” lập trường của Manila. Trong khi đó theo tin từ hãng AP và Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, Bắc Kinh đã bác bỏ nỗ lực của Manila nhằm đưa tranh chấp tại Biển Đông ra trước Tòa án Quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 19/02/2013 cho biết, Trung Quốc đã trả lại cho Philippines công hàm thông báo sự kiện này và yêu cầu Philippines giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương.
Vẫn luận điệu cũ, Hồng Lỗi nói: Trung Quốc “có lịch sử và cơ sở pháp lý đầy đủ chứng tỏ chủ quyền” của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi Macclesfield, bãi cạn Scarborough (mà Bắc Kinh gọi chung là Nam Sa) và vùng biển xung quanh thuộc về Trung Quốc.
– Người Trung Quốc qua Việt Nam thuê đất trồng lúa
Báo chí Việt Nam cho hay một số người Trung Quốc đang thuê đất tại khu vực Ðồng Bằng Sông Cửu Long để trồng lúa khiến người ta phải đặt dấu hỏi.
Theo ông Nguyễn Văn Bền, người cho thuê đất cho biết, làm lúa ở đây nếu trúng mùa, trúng giá 1 năm lời không tới 15 triệu đồng/ha, vậy mà ông Lji Wen, người Trung Quốc thuê đất trồng lúa trả tới 30 triệu đồng/vụ từ ngày 16.12.2012 đến 16.04.2013 và đưa tiền một lần. Với giá cho thuê kiểu này, gia đình ông Bền không cần làm lúa, lợi nhuận vẫn gấp đôi, dư sức mua sắm Tết.
Ðại đa số nông dân Việt Nam tuy làm ra lương thực nhưng bị nhà nước bóc lột với đủ mọi loại “phí” và thuế từ trực tiếp đến gián tiếp nên thường xuyên nghèo khổ. Khi có người thuê đất thay mình trồng cấy lại lợi mặt tiền bạc hơn, họ đã dễ dàng buông tay mà chẳng nghĩ gì xa hơn.
Một người làm công cho ông Lji Wen kể, ông Wen yêu cầu chỉ gieo 56kg giống gồm 2 loại khác nhau cho mỗi ha đất, trong khi hiện tại nông dân vùng này gieo khoảng 120kg giống/ha.
Khi mạ lớn, ôn Wen thuê người cấy hàng, cứ 2 hàng “lúa cha” xen 12 hàng “lúa mẹ”. Khi lúa trổ bông thì ông Wen và các nhân công dùng cây sào, gạt cho phấn hoa từ “lúa cha” bay sang thụ phấn cùng “lúa mẹ”. “Ông Wen chi tiền rất sộp, cứ 2 tuần lại rải phân, phun thuốc, trả tiền công gấp đôi so với giá nhân công tại đây”
Mỗi gia đình nông dân Việt Nam chỉ được cấp cho một mảnh ruộng nhỏ nên ông ta phải thuê gom đất ruộng của nhiều gia đình. Tờ Tuổi Trẻ còn cho biết thêm “Cũng có tin cho biết trong cùng thời gian này người Trung Quốc cũng đã thuê hàng chục hecta đất ở Tiền Giang để trồng lúa như trên”.
Ông Trương Quốc Ánh – người xưng là cán bộ Phòng Công nghệ sinh học thuộc Viện Nông nghiệp Miền Nam (Bộ NNPTNT) cho biết, ông Wen là tiến sĩ nông nghiệp của Trường Đại học Tứ Xuyên, sang Việt Nam thực hiện Dự án Nghiên cứu hợp tác phát triển sản xuất lúa lai cho miền Bắc (đã làm nhiều vụ ở miền Bắc). Theo ông Ánh, giống lúa đang được thử nghiệm này là giống Dương Hưu của Trung Quốc (ở miền Bắc bán tới 80.000 đồng/kg). Dù giá khá cao nhưng giống này không nằm trong danh mục giống đăng ký được sản xuất của Bộ NNPTNT.
Những năm gần đây từ các vụ như ốc bươu vàng, mua móng trâu, mua mèo, rắn, đĩa…; đó là chưa kể các sản phẩm độc hại từ chén đĩa đến trái cây đến việc cho người Trung Quốc thuê đất trồng rừng ở những khu vực “đắc địa” có giá trị chiến lược quân sự thuộc nhiều tỉnh của Việt Nam, đến cho mướn bè nuôi cá nuôi tôm ở gần quân cảng trong vịnh Cam Ranh; cho thuê một khu đất trồng thanh long hơn 100 hecta ở huyện Hàm Thuận Bắc, nơi cũng không xa lắm với địa điểm Việt Nam dự tính xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở tỉnh Ninh Thuận,… Đã làm cho dư luận sửng sốt và lo ngại. Nhưng quan trọng nhất là sự làm ngơ của “cả hệ thống” nhà nước CSVN.
– Bỏ điều 4 hiến pháp là đe dọa sự tồn vong dân tộc?
Trước việc hàng ngàn người dân thuộc mọi thành phần xã hội, kể cả rất nhiều đảng viên đảng CSVN ký kiến nghị đòi bỏ điều 4 dành độc quyền cai trị đất nước cho đảng CSVN trong bản hiến pháp hiện hành.
Hôm 17/2/2013 trên trang báo “Quân Ðội Nhân Dân” Việt Nam có đăng bài viết của ông Phó giáo sư Nguyễn Thanh Tú, trung tá nhà văn, hiện giữ chức Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng CSVN trong Hiến pháp là hợp lý, hợp tình và rằng bỏ điều 4 Hiến pháp “là vừa phi lý, vừa chẳng hợp tình, nó đe dọa sự tồn vong của cả dân tộc”.
Ngoài ra ông trung tá Tú cường điệu rằng với vai trò lịch sử của đảng CSVN, không một ai có thể làm thay đảng CSVN công cuộc đưa đất nước phát triển, lớn mạnh được.
Ông Tú còn gián tiếp chê bai những người đòi bỏ điều 4 Hiến pháp là “cơ hội”, vì dựa vào một số sai lầm của đảng CSVN và còn đòi trấn áp các thành phần mà ông gọi là đi ngược lại lợi ích dân tộc.
Người ta tự hỏi không hiểu ông Tú có biết là thành phần nào đang đi ngược lại lợi ích của dân tộc hay không?
Trước đây khi ông Nguyễn Minh Triết còn làm chủ tịch nước đã từng nói trong hội nghị “Quân ủy trung ương” hồi Tháng Tám 2007 rằng “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”. Có nghĩa là nếu bỏ điều 4 hiến pháp thì đảng CSVN có nguy cơ bị mất quyền lãnh đạo và tan rã. Nay thì ông “phó giáo sư” đe dọa bạo hơn rằng nếu bỏ điều 4 thì cả dân tộc bị “tồn vong”.
Leave a Comment