Tokyo Có Bằng Chứng Về Chuyện Tàu chiến Trung quốc bắn radar định vị vào tàu tuần duyên Nhật

- Quảng Cáo -

Nguyễn Khanh và Nam Phương xin kính chào quý thính giả của đài Chân Trời Mới, để mở đầu cho tiết mục Từ Á Sang Âu tuần này là đề tài nói đến việc Tokyo phản ứng mạnh về chuyện tàu chiến Trung quốc chiếu radar định vị chiến đấu vào tàu tuần duyên Nhật Bản.

Vào chiều ngày 5 tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Tự vệ Nhật là ông Onodera đã trình lên Thủ tướng Abe bản báo cáo kèm theo nhiều bằng chứng về chuyện tàu chiến Trung quốc chiếu radar định vị chiến đấu vào tàu tuần duyên và trực thăng phòng thủ ở khu vực quần đảo Senkaku, rồi yêu cầu ông Abe phải công bố ngay cho người dân và thế giới được biết hầu tố cáo hành động khiêu chiến của Trung quốc. Radar định vị chiến đấu có tên chuyên môn là Fire Control Radar, chiếu radar này vào tàu đối phương là để cảnh cáo cho biết sẽ bị bắn chìm bất cứ lúc nào vì khoảng cách, phương hướng, tốc độ đã hiện rõ trên màn hình radar một cách chính xác. Nói cách khác, súng đã lên đạn, chỉa vào đầu rồi, chỉ cần bóp cò là xong chuyện.

Tối ngày hôm đó, Thủ tướng Nhật, ông Abe, ngoài việc lên báo đài tố cáo hành động khiêu khích của Trung quốc, còn yêu cầu Bắc Kinh phải chấm dứt hành động khiêu khích, nguy hiểm chỉ làm cho tình hình bang giao căng thẳng mà thôi. Thủ tướng Abe còn chỉ thị cho bộ Ngoại giao gọi đại sứ Bắc Kinh ở Tokyo đến để kháng nghị. Một ngày sau, trong một cuộc họp báo tại bộ Ngoại giao Trung quốc, phát ngôn viên bộ này là bà Hoa Xuân Doanh khi được ký giả nước ngoài hỏi về chuyện này thì trả lời rằng chúng tôi chỉ biết sự việc này qua truyền thông Nhật loan tải chứ không nhận được bất kỳ một báo cáo nào cả từ Cục Hải dương Trung quốc, chính quyền chúng tôi đang cho điều tra xem hư thực thế nào. Nhưng gần đây chính quyền và truyền thông Nhật thường hay ngụy tạo bằng chứng, thổi phồng mọi chuyện để bôi nhọ Trung quốc.

Hành động cố tình tạo căng thẳng của Tokyo chỉ có hại cho sự bang giao giữa hai nước mà thôi. Bà Hoa còn nói thêm là quần đảo Điếu Ngư /Senkaku là lãnh hải và lãnh thổ bất khả xâm của Trung quốc nên vấn đề không nằm ở chỗ tàu chúng tôi chiếu radar chiến đấu vào mục tiêu mà là các tàu và máy bay Nhật thường xuyên xâm nhập vào quần đảo này.

- Quảng Cáo -

Trước thái độ đó của Trung quốc, Thủ tướng Abe của Nhật một lần nữa lại phải lên đài truyền hình tố cáo Trung quốc vi phạm luật pháp Quốc tế, yêu cầu Bắc Kinh phải chính thức tạ tội về chuyện này chứ không thì Nhật sẽ trưng dẫn các bằng chứng cụ thể thu được ở hiện trường, lúc đó sẽ còn bị mất thể diện hơn với thế giới.

Theo các bình luận gia về thời cuộc thế giới thì tình trạng căng thẳng giữa Nhật và Trung quốc kéo dài ngày sẽ không có lợi cho cả hai về mọi mặt, nhất là lãnh vực kinh tế, bởi vậy nên vào cuối tháng giêng vừa qua, Thủ tướng Abe đã gởi đặc sứ sang Bắc Kinh hầu mong nối lại hội đàm với Trung quốc. Ông Tập Cận Bình đã đón tiếp niềm nở và cũng đồng ý lãnh đạo của hai nước nên sớm gặp nhau để nói chuyện. Tưởng là tình hình căng thẳng sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng bỗng nhiên sự kiện này xảy ra làm đảo lộn mọi chuyện. Nếu tàu chiến Trung quốc bắn radar chiến đấu vào tàu và máy bay Nhật là do lệnh từ Bộ tư lệnh Hải quân Trung quốc thì rõ ràng là cánh quân đội qua mặt ông Tập Cận Bình, còn như lệnh bắn là do Trung Nam Hải đưa ra thì nước cờ ông Bình đi quá dở, trước sau gì rồi cũng bị lòi ra. Sự kiện này sẽ giúp cho Tokyo có lý cớ vững chắc hơn trong việc tăng ngân sách quốc phòng mà không sợ người dân Nhật phản đối và thế giới chỉ trích.

Thưa qúy thính giả, khỏi cần nhìn những bằng chứng cụ thể của phía Nhật Bản trưng ra mà chỉ nghe người phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung quốc trình bày cũng đủ thấy chuyện tàu chiến Trung quốc chiếu radar chiến đấu vào tàu tuần duyên và máy bay trực thăng của Nhật, hàm hồ xác nhận vùng biển đảo tranh chấp là của mình là chuyện có thật. Những âm mưu xâm lược này họ đã và đang áp dụng ở biển Đông cũng như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nhưng khác ở chỗ là khi áp dụng ở quần đảo Senkaku thì bị Tokyo phản đối quyết liệt, trong khi Hà Nội thì chỉ phản đối chiếu lệ nên Nhật Bản vẫn giữ được biển đảo của mình, còn Việt Nam thì mất gần hết biển đảo của mình về tay xâm lược Trung quốc.

Doanh Nhân Miến Điện Bất Mãn Giới Đầu Tư Nhật

Nhiều thương gia Miến Điện bất mãn các nhà đầu tư Nhật Bản là đề tài kết thúc tiết mục Từ Á Sang Âu tuần này.

Do những thành quả tốt đẹp của việc cải cách chính trị, Miến Điện đã giải tỏa được sự cấm vận của các quốc gia Âu Mỹ và Nhật Bản. Ngoài chuyện tháo gở các biện pháp chế tài kinh tế, chính phủ các nước này còn khuyến khích doanh nhân của họ bỏ tiền vào đầu tư ở Miến Điện. Trong tinh thần đó, 140 nhà đầu tư thuộc Liên đoàn Kinh tế Nhật đã đến Miến Điện vào ngày 7 tháng 2 vừa qua để xúc tiến việc đầu tư.

Những nhà đầu tư Nhật này toàn là các hãng lớn như Honda, Toyota, Nissan, Toshiba…., họ đến không phải để điều tra thị trường vì từ trước đã có nhiều đầu tư ở đây, mà đến để chào hỏi các Đại lý cũ của họ và ký hợp đồng làm ăn mới. Trên tổng thể thì mọi chuyện không có gì trục trặc, nhưng nhiều Đại lý cũ rất bất mãn ra mặt khi nghe các nhà đầu tư Nhật Bản tuyên bố rằng họ không chỉ ký khế ước với các Đại lý cũ mà còn ký thêm với các đối tác mới.

New Asia là một đại lý độc quyền của hãng xe Honda Nhật từ năm 1994 do ông Than Ou làm chủ, làm ăn được vài năm thì hãng Honda phải rút ra khỏi Miến Điện do chính sách cấm vận của Nhật đối với chính quyền độc tài quân phiệt của nước này, từ đó hãng New Asia của ông Than Ou coi như không còn liên hệ gì nữa với hãng Honda Nhật Bản, coi như đường ai nấy đi. Mặc dù phụ tùng xe Honda không còn nhập cảng từ Nhật được nữa như trước đây, cẩm nang sửa xe cũng không được các kỹ sư hãng Honda truyền đạt thêm, nhưng ông Than Ou vẫn duy trì cơ sở làm ăn của mình, một phần do yêu cầu của khách hàng vì loại xe Honda đã được nhiều người Miến Điện mua trước đây cần phải sửa chữa khi xe bị hư, phần khác ông Than Ou vẫn hy vọng trong tương lai gần khi hết cấm vận, hãng Honda Nhật sẽ trở lại, lúc đó New Asia có cơ ngơi phát triển. Bây giờ nghe tuyên bố ngoài đại lý cũ New Asia, hãng Honda Nhật còn ký thêm khế ước làm ăn với các đối tác khác nữa thì ông Than Ou bất mãn ra mặt là phải. Trường hợp tương tự như ông Than Ou không phải là ít.

Tại sao lại có nhiều trường hợp đáng tiếc như vậy xảy ra?, theo sự giải thích của các nhà đầu tư Nhật thì khi các quốc gia Âu Mỹ áp dụng chính sách cấm vận, nhiều xí nghiệp Miến Điện gặp khó khăn trong việc kinh doanh, rất nhiều công ty lớn có nguy cơ phá sản, nhưng chính quyền quân nhân vẫn muốn duy trì bằng cách gọp chung nhiều đại xí nghiệp lại rồi chia thành nhiều công ty quốc doanh để bơm tiền vào cho nó sống qua ngày dù là sống khập khiển. Thực chất của việc làm này là chỉ để tuyên truyền rằng có cấm vận cách mấy cũng không ăn nhằm gì, các đại xí nghiệp Miến Điện vẫn không hề hấn gì, ngoài ra còn hy vọng rằng Trung quốc sẽ bỏ tiền vào đầu tư nhằm vực lại nền kinh tế. Trung quốc có bỏ tiền vào đầu tư thiệt, nhưng là đầu tư vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của Miến Điện chứ các xí nghiệp sản xuất họ chỉ bỏ vào một phần rất ít nên chẳng vực lại được nền kinh tế sản xuất, bởi vậy suốt thời kỳ bị các quốc gia Âu Mỹ cấm vận, hàng hóa ở Miến Điện rất khan hiếm, dân tình oán giận chính quyền nhiều lắm chứ không phải sống sung túc như sự tuyên truyền của chính quyền quân phiệt Miến Điện tuyên truyền đâu. Như quý vị biết tại các nước độc tài, cộng sản chẳng có một công ty quốc doanh nào làm ăn lên cả, chỉ thua lỗ nặng mà thôi, cha chung không ai khóc mà. Khi được bỏ cấm vận thì tân chính quyền Miến Điện đã bắt đầu cho giải tư các công ty quốc doanh để thật sự làm ăn bởi vậy chúng tôi, tức các nhà đầu tư Nhật Bản, cần phải ký khế ước làm ăn với nhiều đối tác chứ không chỉ với các Đại lý cũ. Đành rằng làm như thế là gây bất mãn cho một số thương gia Miến Điện đã từng làm ăn với chúng tôi trước đây, nhưng đầu tư lớn thì phải mở ra nhiều mặt chứ không thể giữ một mối. Đầu tư, kinh doanh là thế, nhưng vì tình nghĩa nên chúng tôi chắc chắn sẽ không để cho những Đại lý cũ trước đây bị thiệt hại, chỉ không có chuyện độc quyền mà thôi.

Thưa quý thính giả, đây là chuyện liên quan đến làm ăn buôn bán, nhưng qua đó cho thấy chính sách chế tài, cấm vận của các nước Âu Mỹ thật sự có hiệu quả lớn chứ không phải chẳng ảnh hưởng gì đâu như lời giải thích của những chế độ độc tài.

Đến đây đã chấm dứt tiết mục Từ Á Sang Âu, Nguyễn Khanh và Nam Phương xin kính chào tạm biệt và kính mời quý thính giả nhớ đón nghe chương trình này vào tuần sau cũng vào giờ này trên làn sóng trung bình 1503 kí lô chu kỳ của đài Chân Trời Mới.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here