Kinh tế VN lệ thuộc sâu vào Trung Quốc.
Thời Báo Kinh Tế Việt Nam (TBKTVN) hôm Thứ Bảy, 9.2 vừa qua nêu ra các con số chứng minh sự phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc. Báo chí ở Việt Nam đã nhiều lần báo động về tình trạng thâm thủng mậu dịch ngày một dâng cao của Việt Nam với Trung Quốc.
Theo đó, Trung Quốc dẫn đầu trong 8 thị trường Việt Nam nhập cảng nhiều nhất năm 2012, chiếm tới 25,3% tổng số kim ngạch nhập cảng. Trong các mặt hàng mà Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc, có khoảng 30 mặt hàng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; tiếp đến là điện thoại các loại và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; sắt thép; xăng dầu).
Tổng Cục Thống Kê thuộc Bộ Công Thương CSVN đưa ra con số hồi cuối năm ngoái cho thấy Việt Nam chỉ xuất cảng được sang Trung Quốc một lượng hàng phần lớn là nguyên liệu, và khoáng sản với trị giá 12,2 tỉ USD trong khi nhập cảng từ Trung Quốc tới 28,9 tỉ USD, tức là thâm thủng mậu dịch tớ 16,7 tỉ USD.
Con số thâm thủng mậu dịch giữa Việt Nam với Trung Quốc suốt nhiều năm qua gia tăng nhanh chóng. Nếu chỉ tính từ năm 2007 đến nay, người ta thấy Việt Nam thâm thủng năm 2007 với Trung quốc là 9,145 tỉ USD. Năm 2008 là 11,116 tỉ USD; năm 2009 là 11,532 tỉ USD. Năm 2010 là 12,710 tỉ USD và năm 2011 thâm thủng 13,467 tỉ USD.
Việt Nam lệ thuộc phần lớn vào Trung Quốc cả nguyên liệu, trang bị máy móc sản xuất đến hàng hóa tiêu dùng. Ngày 3 tháng 10 năm 2012, báo Người Lao Ðộng phải kêu rằng hàng hóa của Trung Quốc “Thượng vàng, hạ cám gì cũng nhập”. Cả những đồ tệ hại như “gà loại thải” đến các loại hàng giả, hàng nhái đến trái cây tẩm ướp hóa chất độc hại, các loại “phụ gia” gây ung thư cũng nhập bầy bán gần như công khai khắp nơi.
Một chuyên gia kinh tế nói Việt Nam đang trở thành “bãi phế thải” các loại hàng hóa phẩm chất xấu của Trung Quốc.
Dư luận lo ngại sự lệ thuộc ngày càng lớn vào hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn đến việc Việt Nam phải nhượng bộ các yêu sách của đối phương một khi chiến tranh thương mại xảy ra. Bởi phụ thuộc về kinh tế sẽ dẫn đến lệ thuộc về chính trị.
– Tai nạn giao thông tăng vọt trong dịp Tết
Theo báo Tiền Phong thì ba ngày Tết vừa qua tại Việt Nam, có đến 170 vụ tai nạn làm ít nhất 144 người chết. Đó là chưa kể 147 người bị thương trong 170 vụ tai nạn xảy ra khắp Việt Nam trong khoảng thời gian từ Giao thừa cho đến hết mùng 3 Tết, tức ngày 12 tháng 2, 2013. Chỉ riêng trong ngày 12 tháng 2, tức mùng 3 Tết, 60 vụ tai nạn xảy ra làm 53 người thiệt mạng và 63 người bị thương.
Riêng tại Sài Gòn trong ba ngày Tết qua, các bệnh viện lớn, nhỏ đã tiếp nhận 6.053 trường hợp cấp cứu, trong đó có gần 1.000 người bị tai nạn giao thông và hơn 100 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, v.v…
Báo Thanh Niên cũng cho biết, số vụ ngộ độc rượu tăng vọt trong những ngày Tết. Riêng “Trung Tâm Chống Ðộc” của bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã tiếp nhận hàng trăm vụ ngộ độc rượu, chiếm 25% số bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm. Phó giám đốc của trung tâm này nói rằng hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc rượu được đưa vào trung tâm để chữa trị.
Các bác sĩ nói rằng hầu hết các nạn nhân bị ngộ độc vì uống rượu pha loại cồn, lẽ ra chỉ được sử dụng cho ngành kỹ nghệ.
– Công bố thông tin về tiềm năng dầu khí rất lớn ở biển Đông
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) vừa thông báo trữ lượng dầu khí tiềm năng ở biển Đông, cho thấy trữ lượng đó vượt xa so với các dự báo trước đây và nhiều hơn cả các nguồn tài nguyên chưa được khai thác của cả châu Âu.
Theo EIA, biển Đông có trữ lượng tiềm năng là 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt. Nguồn năng lượng dầu khí phong phú ở biển Đông là một trong các lý do dẫn tới việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, trong đó có cả quần đảo Trường Sa, nơi mà Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
EIA ước tính quần đảo Trường Sa có trữ lượng khoảng 0,800 tới 5,4 tỷ thùng dầu.
Cũng theo cơ quan này, năm 2011, sản lượng khai thác dầu khí ở biển Đông của Việt Nam là 300 nghìn thùng mỗi ngày.
Leave a Comment