Trên diễn đàn công luận thế giới hành xử lịch sự văn minh là chuẩn mực mà hầu hết mọi người tuân theo. Trừ có vài quốc gia vẫn có thói quen ăn ngược nói ngạo, không coi thế giới ra gì như Bắc Hàn chẳng hạn. Bắc Hàn là một xứ sở vừa tự cô lập vừa bị cô lập cho nên người ta cũng có thể hiểu tại sao họ hành xử không giống ai. Thế còn Việt Nam đã vào WTO, làm ăn buôn bán với thế giới, ký kết không biết bao nhiêu hiệp ước song phương, đa phương với các quốc gia khác mà vẫn không từ bỏ thói quen ăn nói ngược ngạo.
Thói ngược ngạo đó biểu hiện rõ nhất trong việc chụp mũ, dán nhãn vào các thành phần đối kháng. Những cụm từ như “phản động”, “phản cách mạng”, “chống phá chính quyền nhân dân”, v.v… được phủ chụp lên những con người yêu nước ôn hòa, tranh đấu cho công bằng xã hội, chống bá quyền Trung Quốc xâm lược. Gần đây hơn cụm từ “khủng bố” được lôi ra sử dụng để gán lên cho những tổ chức đấu tranh cho dân chủ. Trong đó có lẽ đảng Việt Tân là bị dán nhãn đầy mình mẩy. Hơn 800 cơ quan báo đài nhà nước được huy động để đả kích không tiếc lời đảng Việt Tân là “khủng bố”, là “bạo động”.
Cộng sản Việt Nam dán nhãn Việt Tân là như thế, còn thế giới nhìn Việt Tân thế nào?
Nói đến thế giới chắc phải đề cập đến Liên Hiệp Quốc trước nhất. Qua vụ xử 14 thanh niên yêu nước hồi tháng 1/2013 vừa qua, ông Rupert Colville, phát ngôn viên của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền nói rằng “Mặc dầu Việt Tân là một tổ chức ôn hòa cổ xúy cho dân chủ, chính quyền (VN) lại cho rằng đây là tổ chức ’phản động’”.
Còn các tổ chức phi chính chủ (NGO) về nhân quyền hàng đầu của thế giới như Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) gọi Việt Tân là “một tổ chức kêu gọi cải tổ ôn hòa tại Việt Nam”. Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) nhận định rằng, “Việt Tân tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, cải tổ chính trị ôn hòa tại Việt Nam.”
Qua đến các hãng thông tấn có tên tuổi trong làng báo chí Hoa Kỳ như tờ Wall Street Journal và New York Times thì gọi Việt Tân là tổ chức đấu tranh cho dân chủ, Việt Tân cổ võ dân chủ hóa một cách ôn hòa.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Michael Michalak, trong thời gian tại chức, phát biểu rằng “không thấy chứng cớ gì Việt Tân có hành vi khủng bố”. Và chính quyền Hoa Kỳ, quốc gia chống khủng bố hàng đầu trên thế giới, cũng đồng ý. Do đó mà Tổng thống Hoa Kỳ George Bush mới tiếp chuyện với ông Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch đảng Việt Tân vào ngày 29/5/2007.
Ngoài ra còn nhiều vị dân cử tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Na Uy, …. cũng lên tiếng hậu thuẫn cho những việc làm có chính nghĩa của đảng Việt Tân.
Nêu ra bấy nhiêu đó chắc là đủ để chứng minh rằng thế giới xem Việt Tân là một tổ chức đấu tranh ôn hòa cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Thế thì tại sao nhà cầm quyền Hà Nội và những người đại diện cho họ vẫn khăng khăng nói ngược một cách không biết ngượng trên diễn đàn công luận thế giới ?
Khi mà Hà Nội cố tình dùng mọi phương tiện tuyên truyền của chế độ để dán nhãn Việt Tân là “khủng bố”, “bạo động”, v.v… chỉ càng cho nhân dân và thế giới thấy rõ là:
1. Lãnh đạo đảng CSVN nhất quyết nắm quyền bằng mọi giá, dù giá đó là dâng nhượng chủ quyền đất nước hay chà đạp lên mọi quyền con người bất chấp sự phẫn nộ của toàn dân và thế giới.
2. Lãnh đạo đảng CSVN run sợ trước phương thức Đấu tranh Bất Bạo Động mà họ đã thấy kết quả tại quá nhiều nước. Họ biết sự giới hạn của súng ống và các phương tiện bạo hành khi sự tức giận của người dân đã vượt mức sợ hãi.
3. Lãnh đạo đảng CSVN lún vào vũng bùn đã chôn vùi các chế độ độc tài khác. Thay vì đáp ứng các nguyện vọng của toàn dân để tiếp tục sống còn, các chế độ độc tài chỉ biết và chỉ tin vào sở trường bạo lực của họ. Hậu quả là chỉ làm gia tăng sự phẫn nộ của toàn dân đến mức không còn lùi lại được nữa.
Vì thế mà họ phải dán nhãn “phản động”, “khủng bố” lên Việt Tân cũng như các tổ chức đối kháng khác để răn đe người dân tránh xa và ngăn ngừa phương thức đấu tranh bất bạo động được quảng bá rộng rãi trong quần chúng.
Cách hành xử khôn khéo của lãnh đạo CSVN là phải ngưng dán nhãn đảng Việt Tân, các đoàn thể và cá nhân yêu nước khác; ngưng những chính sách, động thái tàn ác đối với quần chúng, chuyển lực tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Dĩ nhiên, các điều trên không phải là chuyện mới lạ hay quá tầm tay của lãnh đạo đảng CSVN, nếu họ có thể vượt qua lòng tham của chính mình để đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết.
Leave a Comment