Trung Quốc siết nhập cảng từ Việt Nam từ cửa biên giới Lạng Sơn
Ba ngày qua, cửa biên giới Tân Thanh, Lạng Sơn kẹt cứng với khoảng 400 chiếc xe vận tải đậu dài nối đuôi, chen chúc nhau chờ qua cửa ải. Giới thương lái Việt Nam đang hồi hộp, âu lo trước số phận của hàng vạn tấn nông sản, thực phẩm bán cho Trung Quốc trong mùa Tết, nhiều nhất là dưa hấu. Tình trạng xe chở hàng nằm dồn đống tại cửa biên giới Tân Thanh đã kéo dài suốt ba ngày qua. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo nhà đương cuộc Trung Quốc, là kho bãi của họ quá nhỏ hẹp. Một lý do nữa cũng được nại ra là vì các nhân viên thẩm quyền Trung Quốc còn phải kiểm soát kỹ phẩm chất vệ sinh, an toàn của hàng hóa, trước khi cho phép nhập cảng vào lãnh thổ của họ.
Theo các thương lái Việt Nam từ cửa biên giới Tân Thanh, thuộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam sang chợ Pò Chài, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc chỉ mất vài trăm thước. Đoạn đường ngắn ngủi vậy mà hàng trăm xe chở hàng đã phải nằm chờ suốt 3 ngày nay vẫn chưa nhích được một phân nào. Hầu hết từ các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định cho đến Đồng Tháp, An Giang ở miền Nam vượt hàng ngàn dặm đường, nối đuôi nhau chờ qua bên kia biên giới. Thương nhân Việt Nam từng lâm vào tình trạng tương tự trước đây: hàng không qua được bên kia, nằm ì lại cổng biên giới nhiều ngày, cuối cùng bị hư thối, đổ bỏ gần hết. Đây cũng là dịp để phía thương lái Trung Cộng ép giá thương nhân Việt, vừa bán vừa cho.
Sự kiện này khiến dư luận bức xúc, trong lúc hàng độc, hàng thải của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, không hề bị kiểm soát, mà có khi được sự bao che của nhà cầm quyền Việt Nam.
– UBND Lạm quyền cưỡng chế đất của dân !
Chiều 24-1, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức họp báo vụ cưỡng chế sai và hủy tài sản của người dân vào tháng 7-2011. Vụ việc này đã gây hậu quả nghiêm trọng và khiếu kiện kéo dài.
Nguyên nhân cưỡng chế được UBND huyện Sơn Tịnh đưa ra là gia đình ông Trí đã lấn chiếm đất trái phép của Nhà nước. Cụ thể, trong số 32.000 m2 đất vườn trên, có 22.000 m2 mà UBND huyện cho là đất lấn chiếm, diện tích còn lại là đất hợp pháp. Thế nhưng, trong quá trình cưỡng chế, UBND huyện Sơn Tịnh đã phá sạch cả phần diện tích hợp pháp. Theo ông Trí, vụ cưỡng chế đã gây thiệt hại về tài sản của gia đình ông khoảng 46,7 tỉ đồng.
Sự việc sau đó được đoàn thanh tra tỉnh Quảng Ngãi làm rõ và kết luận: Trong quá trình cưỡng chế, UBND huyện Sơn Tịnh có nhiều điểm sai. Riêng về cá nhân ông Phạm Vinh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh, đã trực tiếp ra nhiều quyết định trái luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, ông Phạm Vinh là người đứng đầu cơ quan chức năng cấp huyện nhưng đã cố ý tham mưu sai cho UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra quyết định không đúng các quy định của pháp luật, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng của vụ cưỡng chế nói trên.
Từ những sai phạm này, mới đây, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ra văn bản yêu cầu phải bồi thường thiệt hại thỏa đáng và chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh phải tổ chức xin lỗi công khai ông Đỗ Hữu Trí. Ngày 20-1 vừa qua, trước hàng trăm hộ dân, ông Phạm Vinh đã xin lỗi cá nhân ông Đỗ Hữu Trí.
Vấn đề khiến nhiều người dân đặt câu hỏi là: Không lẽ ông Phạm Vinh làm sai thì chỉ xin lỗi là xong? Số tài sản bị thiệt hại của ông Trí thì ai bồi thường?. “Phải chăng ông Vinh tự bỏ tiền túi hay lấy tiền ngân sách bồi thường? Nếu lấy ngân sách bồi thường thì tiền đó cũng là tiền của dân đóng góp” – người dân thắc mắc. Nhiều người còn cho rằng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự ông Vinh vì đã có nhiều sai phạm và dấu hiệu lạm dụng quyền lực…
– 300 công nhân công tu Showa Việt Nam đình công
Gần 300 công nhân Công ty ShoWa Việt Nam tại khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 Saigon đã đình công suốt 2 ngày qua để phản đối chủ nhân không tăng lương theo niên hạn với việc điều chỉnh lương tối thiểu. Công ty ShoWa Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản do ông Kazuo Tsukane làm Giám đốc, sử dụng 293 công nhân chuyên may quần áo xuất cảng sang Nhật.
Vụ đình công nổ ra khi giám đốc công ty dựa vào việc điều chỉnh lương tối thiểu để cố tình không tăng lương theo niên hạn cho công nhân. Những người này cho biết theo bản hợp đồng, hàng năm công ty sẽ tăng lương 5% cho công nhân, thế nhưng năm nay công ty đơn phương thay đổi lương khiến công nhân uất ức bỏ ra về.
Cuộc đình công vẫn tiếp diễn mặc dù bộ Lao động Cộng sản Việt Nam đã đưa người đến hòa giải, nhưng không tạo được kết quả gì.
– Việt Nam muốn dập tắt tiếng nói phản kháng trên mạng với đội ngũ «dư luận viên»
Mặc dù đã ngăn chận các trang web, bỏ tù nhiều blogger, xách nhiễu gia đình họ, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn không kiểm soát được toàn bộ thông tin trên Internet, cho nên Hà Nội phải sử dụng cả một đạo quân gọi là « dư luận viên » để dập tắt những tiếng nói phản kháng.
Tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc 2012 ngày 09/01 vừa qua tại Hà Nội, trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi tiết lộ là chính quyền thành phố đã tổ chức một đội ngũ 900 « dư luận viên » trên toàn thành phố, cũng như tổ chức « nhóm chuyên gia » đấu tranh trực diện trên mạng Internet, tham gia bút chiến trên mạng, nhằm chống « luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch ». Ông Lợi còn cho biết, đến nay đội ngũ « dư luận viên » đó đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng. Đây là lần đầu tiên, chính quyền Hà Nội chính thức thừa nhận sử dụng phương pháp này của Trung Quốc. Ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch, bình luận rằng « những chính quyền đàn áp nhân quyền như Việt Nam lại lập các nhóm lính trên mạng để phổ biến quan điểm của chính phủ, thì quả là một điều mỉa mai ».
Việc lập ra đội ngũ hàng trăm « dư luận viên » còn bị giới blogger chỉ trích về mặt chi phí. Dù ông Hồ Quang Lợi không nói rõ là các « dư luận viên » nói trên có được trả lương hay không, nhưng chắc là chẳng có ai làm việc này không công. Bằng chứng là vào cuối tháng 12 năm ngoái, Ủy ban Nhân dân Sài Gòn thông báo sẽ trả tiền « phụ cấp trách nhiệm » cho các « cộng tác viên dư luận xã hội » của thành phố này. Như vậy, việc thành lập các đội ngũ « dự luận viên » để chống các « luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch » sẽ làm tăng thêm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, vào lúc kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân thêm khốn đốn.
Leave a Comment