Hôm qua 15/01/2013, tòa án Nhân dân Tây Ninh trong một phiên xử chớp nhoáng đã tuyên án ông Võ Viết Dziễn, 41 tuổi, 3 năm tù giam cộng với 3 năm quản chế với tội danh gọi là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Theo AP, một nhà hoạt động dân chủ đã bị chính quyền CS Việt Nam kết án 3 năm tù trong khuôn khổ đợt đàn áp những người tranh đấu. Báo Người Lao Động cho biết ông Võ Viết Dziễn đã nhiều lần sang Thái Lan và Singapore tham dự các khóa huấn luyện của tổ chức Phục Hưng Việt Nam về kỹ thuật truyền thông tuyên truyền, xây dựng cơ sở, làm kinh tài cho các thành viên của tổ chức về nước.
Cũng theo tờ báo này thì ông Võ Viết Dziễn bị bắt tại cửa khẩu Mộc Bài, biên giới Cam Bốt-Việt Nam khi vận chuyển phương tiện phát thanh về Việt Nam.
Trong bài viết trên blog cá nhân hôm 11/01/2013, Giáo sư Hoàng Xuân Phú cho rằng có hai “tử huyệt” mà chế độ muốn bảo vệ là “quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội” và “quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân.”
Giáo sư Phú, Tổng biên tập Tạp chí Toán học Việt Nam viết: “Dư luận càng muốn hủy bỏ hoặc sửa đổi hai quy định đó, thì họ càng kiên quyết bảo lưu. Chúng nằm trong định hướng bất di, bất dịch của lãnh đạo đảng, và được tái thể hiện tại Điều 4 và Điều 57 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.”
Ông phê phán các lập luận của chính quyền về tính hợp thức, hợp hiến của quyền lãnh đạo độc tôn của đảng: “Không thể lấy công lao trong một giai đoạn quá khứ để bù lại cho hiện tại yếu kém, với bao sai lầm, tội lỗi, và áp đặt cho cả tương lai vô định.” “Không thể coi quyền lãnh đạo đất nước của bất kỳ đảng phái nào là đương nhiên, và vì vậy không thể ghi điều đó vào Hiến pháp. Vả lại, nếu quyền đó đã là đương nhiên, được mọi người mặc nhiên thừa nhận, thì cũng chẳng cần ghi vào Hiến pháp làm gì, để khỏi gây phản cảm một cách không cần thiết.”
Về điểm được ông gọi là “tử huyệt” thứ hai của chế độ liên quan tới “sở hữu toàn dân về đất đai” nhưng “do nhà nước thống nhất quản lý”, bài blog nhận xét:
“Càng duy trì sở hữu toàn dân về đất đai, thì càng gia tăng oán hận của Dân, càng sinh sôi tham nhũng trong tầng lớp lãnh đạo, và càng đẩy nhanh quá trình tự hủy diệt của chế độ.”
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội, cho rằng hai nội dung mà GS Phú đề cập tựu chung chỉ là một vấn đề: “Giáo sư Phú đặt ra hai vấn đề mà ông gọi là ’tử huyệt,’ nhưng tách ra làm hai cho rõ, chứ theo tôi hai vấn đề đó chỉ là một thôi. Đó là dân chủ.”
Tình trạng quá đông đúc ở các bệnh viện tại Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, giờ trở nên thê thảm hơn bao giờ hết. Tại mốt số bệnh viện, đã có 3-4 người bệnh dành nằm ở giường “trên,” rất nhiều bệnh nhân tình nguyện trải chiếu ở dưới gầm để nằm.
Sáng ngày 14 Tháng Giêng, Bộ Trưởng Bộ Y Tế CS Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến có dịp chứng kiến tận mắt cảnh người bệnh chui lên, chui xuống gầm giường bệnh viện Ung Bướu Sài Gòn.
Tại khoa nhi, bệnh viện Ung Bướu, một số bệnh nhân nằm dưới gầm giường còn phải giữ lấy bịch nước biển nối dây chằng chịt vào tay. Có người đã phải để con nằm ở gầm giường từ nhiều tháng nay để điều trị bệnh ung thư máu. Một người mẹ khác, cư dân tỉnh Bến Tre, chua xót than thở: “Có chỗ nằm là may rồi, chúng tôi đâu dám đòi hỏi gì thêm.” Hành lang bệnh viện trở thành những khoảnh “đất vàng” đối với bệnh nhân ở hầu hết các bệnh viện lớn hiện nay.
Theo ông giám đốc Lê Hoàng Minh, bệnh viện Ung Bướu Sài Gòn mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1.500 người đến khám. Ông này nói rằng việc bệnh nhân nằm ở gầm giường là “điều khó tránh khỏi, vì bệnh viện không còn đủ chỗ”. Một giường trung bình có 3-4 bệnh nhân, thậm chí là năm người/giường, bệnh nhân không phải nằm viện mà là “ngồi viện”. Theo ông, bệnh viện đã “làm hết cách,” nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng đông đúc vì trung bình mỗi năm số bệnh nhân tăng thêm 8%.
VNExpress cho biết, bà Bộ Trưởng Bộ Y Tế Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến hứa hẹn sẽ “sớm có giải pháp cải thiện tình trạng này” nhưng không nói rõ giải pháp nào và liệu có khả thi hay không.
Leave a Comment