Mãi cho đến đầu năm 2013, các báo lề phải mới đồng loạt công bố quyết định của Bộ chính trị đảng CSVN ký vào ngày 28 tháng 12 năm 2012, về việc đề cử ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư thành phố Đà Nẵng giữ chức Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương và ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chánh giữ chức Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương, từ đầu năm 2013..
Ban Nội Chính Trung Ương đã bị bãi bỏ và sát nhập vào Văn Phòng Trung ương Đảng từ năm 2003, và Ban Kinh Tế Trung Ương cũng bị bãi bỏ và sát nhập vào Văn Phòng Trung ương Đảng từ năm 2006 khi Bộ chính trị giao cho Thủ tướng chính phủ là ông Nguyễn Tấn Dũng phụ trách lãnh vực kinh tế, để có đủ quyền hạn thành lập và quản trị toàn bộ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
Qua 6 năm cải tổ nói trên, quyền lực của đảng suy giảm so với ảnh hưởng ngày một quá lớn của chính phủ trên hai lãnh vực kinh tế-tài chánh và công an-tư pháp, Hội nghị 5 và 6 của Trung ương đảng, dưới sự khuynh loát của ông Trương Tấn Sang, đã đồng ý tái lập Ban Nội Chính Trung Ương và Ban Kinh Tế Trung Ương để tăng cường quyền lực cho phe đảng.
Chức năng chính của Ban Nội Chính là phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính tham gia giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xử lí một số vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp (ngoài các vụ việc, vụ án tham nhũng) theo quy định. Tham mưu, giúp việc cho Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Trong khi đó, chức năng chính của Ban Kinh Tế Trung Ương là phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương về cơ chế, chính sách kinh tế – xã hội, về phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất theo yêu cầu và nhiệm vụ được giao; tham gia ý kiến với cơ quan nhà nước trong việc cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định thuộc lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Việc đề cử ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ – “những khẩu đại bác trong Trung ương đảng” – nắm giữ hai Trưởng ban nói trên, sẽ tăng thêm quyền lực cho phe nhóm ông Trương Tấn Sang ở trong đảng. Hai nhân vật này đều chịu ơn tư Sang rất nhiều và có những phát biểu rất mạnh trong Trung ương đảng.
Trương Tấn Sang đã từng cứu ông Nguyễn Bá Thanh trong vụ án hối lộ 4,4 tỷ đồng vào năm 2008 do Tướng công an Trần Văn Thanh (nguyên giám đốc công an Đà Nẵng) tố cáo. Nhờ sự che chở của ông Sang, Nguyễn Bá Thanh đã tố ngược lại Tướng công an Trần Văn Thanh về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã xử phạt Trần Văn Thanh 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vào ngày 7/8/2009. Do mối quan hệ đó, Nguyễn Bá Thanh được coi là người của Tư Sang và chống lại các ảnh hưởng của ông Nguyễn Tấn Dũng tại Đà Nẵng. Khi vụ Vinalines xảy ra và Dương Chí Dũng bỏ trốn, ông Thanh là người phê bình nặng nhất với phát biểu bất hủ “chuyện Vinalines thật mà cứ như đừa”.
Trương Tấn Sang cũng là người từng bao che và đề bạt Vương Đình Huệ lên giữ ghế Bộ trưởng Tài Chánh từ tháng 8/2011. Trươc khi làm Bộ trưởng Tài Chánh, Vương Đình Huệ làm Phó và Trưởng ban Kiểm toán Trung ương, một bộ phận làm việc rất gần với Ban Bí Thư lúc Trương Tấn Sang làm Thường trực Ban Bí Thư (2006-2011) chuyên kiểm tra tài chánh các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước. Vương Đình Huệ nổi tiếng gần đây khi nhiều lần lên tiếng chống lại những hiện tượng thoái hóa trong các doanh nghiệp nhà nước, nhất là những vụ cấp vốn thiếu kiểm tra từ phía thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đảm nhiệm hai trách vụ quan trọng nói trên, Trương Tấn Sang sẽ vận động để Trung ương đảng bầu hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào Bộ chính trị trong những kỳ họp tới. Cả hai ông Thanh và Huệ đều ở tuổi 57 nên tương lai còn rất dài, chắc chắn sẽ được lưu giữ ở lại khóa XII.
Khi Trương Tấn Sang có được hai quả “đại bác” trong Bộ chính trị và trong Trung ương đảng thì sẽ gây khó khăn cho phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng khá nhiều trong thời gian tới. Với những thắng thế này, Tư Sang nhiều phần sẽ chiếm được ghế Tổng Bí Thư ở khóa XII vào năm 2016, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng (72) đến tuổi phải về hưu.
Năm Ngà
(Độc giả Diễn Đàn CTM)
Leave a Comment