Hôm 2/01/2013, Tổ chức Đoàn kết Kitô Giáo thế giới (Christian Solidarity Worldwide – CSW), có trụ sở tại Anh Quốc, ra thông báo bày tỏ sự lo ngại đối với nghị định mới về tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam. Nghị định 92 này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, cũng như Pháp lệnh 2004 về tín ngưỡng tôn giáo, bị nhiều tổ chức tôn giáo và bảo vệ nhân quyền lên án xâm phạm quyền tự do tôn giáo.
Đại diện của Tổ chức Đoàn kết Kitô Giáo thế giới tuyên bố, nghị định 92 có xu hướng giới hạn các hoạt động tôn giáo, đi ngược lại các cam kết của Việt Nam khi tham gia vào « Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị » (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR), cụ thể là điều 18 liên quan đến việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Ông Andrew Johston Giám đốc đặc trách của CSW nhấn mạnh : « CSW kêu gọi chính phủ Việt Nam có các biện pháp để quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng được luật pháp bảo vệ ».
Cũng theo Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, nghị định 92 « là văn bản hết sức tụt hậu so với Nghị định 22 vốn có quá nhiều bất cập, vì nó đã can thiệp quá thô bạo, rất bất công và đầy vô lý vào công việc thuần túy nội bộ của các tôn giáo, xâm phạm nghiêm trọng quyền căn bản của công dân, chắc chắn sẽ gây nhiều xáo trộn trong đời sống xã hội, đồng thời khó có thể lường trước những hệ lụy phức tạp ».
Có thể nói, hàng Trung Quốc tràn ngập các khu chợ Việt Nam, mang nhãn hiểu nổi tiếng rất khó phân biệt thật-giả. Đặc biệt ở Sài Gòn, tỉ lệ hàng Trung Quốc lên tới xấp xỉ 80%.
Báo mạng VNExpress trích phúc trình của Chi Cục Quản Lý Thị Trường Sài Gòn cuối tháng 12, 2012 nói rằng phần lớn hàng hóa Trung Quốc được bày bán tại các chợ là hàng lậu. Số hàng lậu này gồm các vật dụng gia đình, rượu-bia, sữa, quần áo, túi xách, thực phẩm các loại… Theo kết quả thì trên 300,000 sản phẩm riêng biệt và khoảng 50,000 kí lô hàng lậu Trung Quốc tuồn vào thuộc loại hàng cấm, hàng nhái, hàng giả mạo…
Có người nói rằng hàng lậu Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều nhờ giá rẻ và hình thức khá “bắt mắt”.
Còn theo cơ quan quản lý thị trường Sài Gòn, hàng lậu Trung Quốc vào Việt Nam bằng nhiều ngỏ: Các cửa biên giới phía Bắc; qua đường hàng không từ miền Bắc vào; chưa kể hàng xách tay từ ngoại quốc về.
Vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn là hiện tượng nổi bật trong năm 2012, và viễn ảnh gần vẫn chưa có thể giải quyết nổi. Báo chí trong nước ghi nhận về tình hình ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết trong những ngày qua, tôm và cá nuôi trong hồ Phú Hòa, thành phố Quy Nhơn Bình Định bỗng dưng chết sạch. Tại hồ Phú Hòa, xác cá, tôm nổi dày đặc, mùi thối bốc lên nồng nặc. Trong khi đó hàng chục người vớt cá bỏ vào bao tải mang về làm phân bón. Ước tính lượng cá chết ở đây lên đến hơn 5 tấn, đa số là các loại cá rô phi, cá đối, cá măng.
Theo dư luận nguyên nhân cá chết là do nhiều nhà máy ở gần đó lợi dụng lúc trời mưa để xả nước thải ra hồ. Ước tính thiệt hại của người nuôi thủy sản ở hồ Phú Hòa lên đến hơn 2 tỉ đồng, tương đương 96 ngàn đôla Mỹ. Cũng cần ghi nhận rằng trước đó mấy ngày tại Hà Nội, một công ty dệt đã bị dân chúng khiếu nại về tình hình xả nước thải gây ô nhiễm. Người dân tổ dân phố phường Vạn Phúc tỉnh Hà Đông cho biết thời gian gần đây Công ty CP Dệt Hà Đông liên tục xả nước thải chưa lọc ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm gia đình.
Chuyện hãng dệt này xả nước thải là hàng ngày, tới nỗi dân chúng đều đóng cửa nhà kín mít trước mùi hắc nồng hôi thối. Để che mắt người dân và tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Công ty CP Dệt Hà Đông thường xả nước thải vào sáng sớm, chiều tối hoặc ban đêm. Còn ở phía khu vực xưởng hấp, nhuộm của Công ty, các cửa xả đều bốc mùi hắc nồng nên người dân đều phải đóng cửa kín mít từ sáng đến đêm nhưng vẫn không ngăn được.
Trước sự ta thán và phản đối của người dân về tình trạng lập trạm thu tiền mãi lộ vô tội vạ của chính quyền địa phương nhắm vào xe cộ qua lại, không khác một loại sưu cao thuế nặng mà người dân phải cắn răng chịu đựng, theo báo Dân Trí thì vào ngày đầu năm 2013 đã có 17 trạm thu phí rải rác khắp các quốc lộ ở Việt Nam bị xóa sổ.
Trong danh sách các trạm thu phí bị khai tử đột ngột nói trên, có 7 trạm nằm trên quốc lộ 1Q gồm trạm cầu Lường, trạm cầu Gianh, trạm Đông Hà, trạm Phú Bài, trạm Bắc Hải Vân, trạm Cam Thịnh và trạm Mỹ Thuận. Theo đại diện công ty sửa chữa đường bộ, có một số trạm đã được dựng lên để thu tiền “mãi lộ” của người đi đường từ 13-14 năm nay.
Cũng theo báo Dân Trí, một số chính quyền địa phương tỏ thái độ luyến tiếc khi được lệnh của Bộ Giao Thông-Vận Tải chỉ thị phải dẹp bớt trạm thu phí.
Trong khi đó, theo phó tổng giám đốc công ty quản lý và xây dựng đường bộ Thừa Thiên-Huế thì chính quyền nơi đây “tỏ ra bất ngờ khi nhận được lệnh dẹp trạm thu phí Bắc Hải Vân, nằm ở phía Bắc hầm đường bộ Hải Vân”. Riêng đoạn quốc lộ 1 từ Quảng Trị đến hầm Hải Vân sẽ không còn trạm thu phí nào còn hoạt động.
Leave a Comment