Những năm gần đây, công an Việt Nam buộc người lái xe máy phải đội nón an toàn cốt để tránh tai nạn giao thông, nhưng tai nạn vẫn cứ tăng vọt.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này vừa được tiết lộ là chính quyền buông lỏng việc kiểm soát phẩm chất nón an toàn trên thị trường.
Phúc trình của cuộc hội thảo về phẩm chất nón an toàn diễn ra tại Hà Nội hôm 26.12.2012 nói rằng tai nạn chết người tăng vọt thời gian qua, đặc biệt tại Hà Nội và Sài Gòn chỉ vì nón “dởm” xuất hiện quá nhiều. Theo phúc trình này, các loại nón an toàn được bày bán hiện nay không bảo vệ mà còn làm tăng độ chấn thương ở người sử dụng. Theo ông Dương Ðại Hà, đại diện bệnh viện Việt Ðức thì những người đội nón an toàn “dởm” bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông cao gấp 3 lần so với người đội nón an toàn thứ thiệt. Ông còn cho biết, một số người chuộng loại nón lưỡi trai vì cho rằng “đẹp” mà không biết loại nón này hạn chế tầm nhìn, rất dễ gặp tai nạn. Ðặc biệt, loại nón này không có khả năng che chở cho người sử dụng mà còn làm nạn nhân bị thương nặng hơn vì mảnh vỡ của nón đâm vào đầu, vào mặt.
Riêng ông phó vụ trưởng Vụ Hợp Chuẩn thuộc Tổng Cục Tiêu Chuẩn-Ðo Lường Việt Nam còn tiết lộ rằng có nhiều loại nón an toàn chỉ có cái vỏ nhựa và lớp lót mỏng bên trong, chứ không có lớp đệm bảo vệ đầu cho người sử dụng.
Theo báo chí, thì nón an toàn “dởm” hiện đang được bày bán tràn lan khắp nơi tại Sài Gòn. Không chỉ để mặc cho người bán tung ra thị trường, chính quyền cũng đã bỏ mặc thị trường nón an toàn ngày thêm hỗn loạn.
Đúng ngày mùng 1 tết dương lịch 2013 hàng trăm công nhân tại Xí nghiệp xây dựng và sản xuất gạch tuynel Đông Văn (Đông Sơn – Thanh Hóa) thuộc Chi nhánh Công ty cổ phần xây dựng K2 (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội), đồng loạt đình công với lý do họ đi làm ngày lễ mà không được hưởng công theo chế độ ngày nghỉ lễ. Theo một số công nhân thì họ bức xúc vì quyền lợi không được đảm bảo như lương trả chậm, chưa có bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh, lương hợp đồng ký theo bậc nhưng Xí nghiệp lại tính lương theo mức giao khoán sản phẩm. Bên cạnh đó một số chị em phụ nữ còn cho biết họ nghỉ thai sản xong, đã đi làm được một vài tháng thế nhưng phía Xí nghiệp vẫn chưa thanh toán chế độ thai sản.
Trước đó, phía tập thể công nhân tại đây cũng đã có đơn gửi Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa khiếu nại về việc việc Công ty không thực hiện chế độ BHXH, vi phạm thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi với người lao động, không thanh toán chế độ thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động, điều chỉnh đơn giá sản phẩm chưa đúng qui định Nhà nước.
Mặc dù Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản ngày 24/8/2012 đề nghị Công ty Xây dựng K2 thanh toán chế độ đau ốm, thai sản cho 3.079 lượt người với số tiền hơn 437 triệu đồng, thực hiện thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi theo qui định, thực hiện thanh toán tiền làm thêm giờ cho người lao động theo qui định; thanh toán trợ cấp thôi việc cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Thế nhưng cho đến nay Công ty Xây dựng K2 vẫn chưa thực hiện, khiến gây bất mãn lớn trong hàng trăm công nhân.
Virus Adeno lan truyền qua không khí, vật dụng sinh hoạt, đã làm lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ cho hàng ngàn người Quảng Ngãi trong vòng một tháng qua. Bệnh nhân khám mắt đỏ ở các bệnh viện, phòng khám tư tăng gấp 3. Một người ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, cho biết nhiều thành viên trong gia đình của ông lần lượt bị đau mắt đỏ trong vòng hai tuần qua. Đau mắt đỏ khiến mọi sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn, công việc làm ăn gặp trở ngại mỗi khi tiếp xúc khách hàng.
Nhiều trường mầm non ở các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ mỗi trường có ít nhất 15 trẻ bị đau mắt đỏ. Thống kê của khoa Mắt thuộc Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết tháng qua khoảng 2.400 bệnh nhân điều trị, trong đó đa số là bệnh đau mắt đỏ.
Các phòng y tế khám mắt tư nhân ở Quảng Ngãi tiếp nhận 80 đến 100 bệnh nhân mỗi nơi về bệnh đau mắt đỏ, tăng gần gấp 3 so với tháng trước. Cho đến nay bộ Y Tế Việt Nam vẫn chưa lên tiếng về dịch bệnh này.
Leave a Comment