Viết về quê hương mình, theo lẽ thường, là điều dễ dàng để viết nhất đối với mọi công dân trên trái đất này, vì quê hương vốn là một khái niệm gắn liền với mọi kiếp nhân sinh: Có ai được sinh ra trên cõi đời này mà lại không có một quê hương, có ai được sinh ra trên cõi đời này mà lại không yêu quê hương như yêu chính bản thân mình. Và cũng chính vì lẽ đó, một trong những tội lỗi được coi là to lớn nhất của con người chính là tội quên đi quê hương, quên đi cội nguồn, tổ tiên, nòi giống.
Thế mà, trớ trêu thay, viết về quê hương VN của tôi lại là một điều không hề dễ dàng chút nào, nhất là khi lại viết cho chính những con dân VN đang sinh sống trên mảnh đất VN đọc lấy. Nỗi trớ trêu ấy góp phần minh họa sắc nét hơn cho một thứ định mệnh VN buồn, vốn đã bao trùm lên đời sống của người dân Việt “từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Viết về quê hương VN đã không còn là một điều dễ dàng vì làm sao có thể viết về quê hương mà không viết về lòng yêu quê hương.
Thế nhưng, có một nghịch lý đang hiện diện nơi ấy có thể làm sửng sốt những công dân của bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới.
Nghịch lý ấy là: Ba từ thiêng liêng nhất của dân tộc VN, kể từ khi vua Hùng dựng nước đến nay, là ba từ “lòng yêu nước” đã bị chính những nhà lãnh đạo CS tối cao tự tay đưa vào “danh sách đen” (black list) và biến chúng thành những từ “phạm húy” như trong các cuộc thi cử xa xưa thời phong kiến. Điều đó có nghĩa là bất cứ người dân Việt nào giờ đây dám cả gan nói ra ba từ đó thì có nghĩa là:
“Phải chịu tù đày”
“Gươm kề tận cổ, súng kề tai”,
“Thân sống chỉ coi còn một nửa”.
(Trích thơ Tố Hữu)
Tôi may mắn được sống xa quê hương nên còn có gan “phạm húy”, chỉ sợ người đọc vừa đọc mà lòng cứ vừa thấp thỏm, lo âu, không biết bọn quỉ dữ sẽ xông vào lúc nào để tống cổ mình vào trong hỏa ngục. Tôi còn nhớ rất rõ, ngày xưa, tôi đã phải rời bỏ quê hương trong lén lút và sợ hãi như một kẻ tội đồ, khi mái tóc mình còn rất đỗi xanh. Khi đã thoát được rồi và vượt biên đến được bến bờ xa xăm, tôi vẫn cứ ngỡ rằng lòng mình sẽ vui ghê lắm. Có ngờ đâu, tôi lại thấy trái tim mình thật đau và cõi lòng mình thật nhớ, tưởng chừng như không chịu đựng nổi. Để xoa dịu nỗi đau và niềm nhớ ấy, chiều chiều tôi lại một mình lang thang ra biển mà ngắm nhìn về một góc trời xa, nơi có quê hương mình vừa bỏ lại. Ở đằng xa kia, tít chân trời, bất chấp khoảng cách xa xăm diệu vợi, tôi vẫn có thể thấy được hình dáng chữ S của quê hương hiện ra rõ mồn một và vững chãi trên nền trời cao rộng, trên đầu những ngọn sóng hung hãn đang vỗ mạnh vào bờ.
Những ngày này, cũng từ miền viễn xứ xa xôi, sau hai thập kỷ ly hương, tôi lại nhìn về quê hương mong tìm lại chút thoáng hương xưa cũ. Nhưng thảng thốt làm sao, đến nỗi tôi không còn tin vào mắt mình nữa: Hình dáng chữ S quá đỗi thân yêu của quê hương đã không còn nguyên vẹn. “Tổ quốc chúng ta trải dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau”: Lời giảng ngày xưa của thầy, của cô trong giờ Lịch Sử như vẫn còn vọng vang rất rõ. Thế mà, giờ đây, Mũi Cà Mau vẫn còn đó, nhưng Ải Nam Quan là Ải Nam Quan nào? Còn đâu nữa! Hình dáng chữ S quá đỗi thân yêu của quê hương cũng không còn hiện ra rõ mồn một và vững chãi trên nền trời, như những chiều biển động năm nào. Thay vào đó là một hình dáng chữ S nghiêng ngả và nhập nhòe. Hay đó là vì mắt tôi đang nhập nhòe ứa lệ vì nỗi buồn vong quốc ?
Vong quốc à ? Nghĩa là nước mất, nhà tan ? Nghĩa là mất tất cả ? Thế thì là chuyện quốc gia đại sự rồi ! Tôi phải thét, phải gào lên chứ, để đánh động cho cả dân tộc của tôi chứ. Chứ sao lại thầm thì như một kẻ bàng quang? Thực lòng, tôi cũng muốn thét, muốn gào lên lắm cho động cả trời xanh, muốn bắt chước người xưa mà gióng lên tiếng trống hào hùng:
Toàn dân ! Nghe chăng ? Sơn hà nguy biến !
Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển…
Nhưng tiếng thét gào chưa kịp ra khỏi bờ môi đã vụt tắt lịm, khi trước mắt tôi, tôi nhìn thấy rõ lắm cả một tảng băng lạnh giá phủ trùm lên tâm hồn của hầu hết những con người Việt hôm nay. Cả một đất nước lặng câm, bất động, cam chịu tủi nhục, đớn hèn khi ngoài kia, ngoài biển Đông kia, biên thùy đang rung chuyển, lũ giặc phương Bắc ngang nhiên hoành hành, quấy nhiễu, bắt bớ dân lành. Thảng hoặc, không dằn lòng được nữa, có những tiếng uất hờn giặc phương Bắc của người dân đen khẽ vang lên đâu đó. Đau đớn thay, chúng đã vội bị bịt kín ngay từ trong cổ họng bằng bạo lực dã man.
Điểm qua hết mọi thời kỳ trong lịch sử hơn 4000 năm của dân tộc Việt, tôi cũng không thể nào tìm ra được bi kịch nào nghiệt ngã và đau đớn hơn bi kịch của dân tộc Việt ngày hôm nay, ngay ở đầu thế kỷ thứ XXI này: Có những kẻ lãnh đạo cấp cao, mồm miệng luôn huênh hoang “suốt đời vì dân, vì nước”, mà dám thực hiện dã tâm bịt kín tiếng nói yêu nước bất khuất của chính dân tộc mình, khi mà ngoài kia, lũ giặc ngoại xâm đang từng bước đặt để gọng kềm thống trị của chúng lên trên mảnh đất quê nhà.
Ôi ! Đâu rồi, một Trần Quốc Toản “phá cường địch, báo hoàng ân” ? Ôi ! Đâu rồi, một Trần Bình Trọng “thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”?
Năm 1905, cách đây trên dưới một thế kỷ, nhà yêu nước Phan Bội Châu có viết trong quyển Việt Nam Vong Quốc Sử của ông rằng: “Không có gì đau bằng người mất nước, cũng không có gì đau bằng người bị mất nước mà bàn việc nước! Tôi muốn viết đoạn sử mất nước này, nhưng đã bao phen lệ cạn huyết khô, mà cơ hồ không viết nổi chữ nào.”
Đọc lại những gì người xưa viết mà lòng thấy đau và lo lắm. Lo rằng chu kỳ trăm năm là vòng chu kỳ oan nghiệt của dân tộc mình. Vì lo lắm nên tôi lại quyết định thét gào, cho dẫu rằng, có thể chỉ mình tôi nghe:
Toàn dân ! Nghe chăng ? Sơn hà nguy biến !…
Leave a Comment